ĐBQH Hoàng Văn Cường - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội.
Chỉ thúc ép thực hiện tự chủ mà không đầu tư
Cho ý kiến tại hội trường, ĐBQH Hoàng Văn Cường – Đoàn ĐBQH TP Hà Nội nói, đầu tư công ở nước ta thời gian qua đạt được nhiều thành quả tích cực. Tổng số vốn đầu tư tăng lên, phân bổ tập trung vào các công trình trọng điểm quốc gia. Rất nhiều công trình trọng điểm quốc gia đã được đầu tư, hoàn thành sớm, nổi bật nhất là đường cao tốc (đầu nhiệm kỳ có 1.000km thì đến nay có trên 2.000km và đến năm 2025 sẽ thực hiện mục tiêu 3.000km).
Ông Hoàng Văn Cường dẫn chứng, theo số liệu về đầu tư phát triển NSTƯ cho các bộ, cơ quan Trung ương theo từng lĩnh vực thì thấy rất rõ: Năm 2024, trong số vốn 120 nghìn tỷ đồng thì Bộ Y tế được phân bổ khoảng 1,2 nghìn tỷ đồng (chiếm 1%); Bộ GD&ĐT được phân bổ 1,5 nghìn tỷ đồng (chiếm 1,2%). Năm 2025, tổng ngân sách là 148 nghìn tỷ đồng thì Bộ Y tế được phân bổ 5,7 nghìn tỷ đồng (chiếm 3,7%); Bộ GD&ĐT được phân bổ 2,9 tỷ đồng (chiếm 1,9%). Tuy nhiên, trong phương án phân bổ dự phòng ngân sách 2021-2025; tăng nguồn thu của năm 2022, tổng số vốn khoảng 50 nghìn tỷ đồng thì cả 2 lĩnh vực giáo dục và y tế không thấy có tên trong các chương trình đầu tư.
Cho rằng, với mức phân bổ vốn thấp như thế thì đương nhiên các bệnh viện, trường học không có nguồn vốn để đầu tư cho phát triển, ông Hoàng Văn Cường nói: "Chúng ta nói rất nhiều việc thúc đẩy các trường đại học, bệnh viện thực hiện cơ chế tự chủ, nhưng chỉ thúc ép thực hiện tự chủ mà không có sự đầu tư về cơ sở vật chất".
Tăng tỷ lệ phân bổ vốn đầu tư phát triển NSNN cho giáo dục, y tế
Dẫn chứng cho nhận định trên, ông Hoàng Văn Cường nói thêm: "Hôm Chủ nhật vừa rồi (3/11), tôi có đi họp tại TP Việt Trì (Phú Thọ) và đến thăm BVĐK Phú Thọ và BV Sản Nhi Phú Thọ - 2 bệnh viện thực hiện cơ chế tự chủ. Khi đến cổng bệnh viện tôi ngạc nhiên và không nghĩ đây là bệnh viện và tưởng chừng đây là khách sạn".
Tất cả những điều trên giúp người bệnh được hưởng một cơ sở vật chất, điều kiện khám chữa bệnh may mắn hơn nhiều so với nhiều bệnh nhân điều trị ở các bệnh viện khác ở Hà Nội.
Tuy nhiên, trăn trở của lãnh đạo bệnh viên không phải vấn đề kỹ thuật. Theo lãnh đạo bệnh viện, những khâu kỹ thuật về hỗ trợ sinh sản không thể bằng bệnh viện Từ Dũ, nhưng cũng không thua kém gì các bệnh viện khác; cũng không lo lắng về mua sắm thuốc, thiết bị y tế mà khó khăn nhất là làm thế nào để trả được lãi vốn vay (11%) để đầu tư xây dựng cơ sở.
ĐBQH tham dự phiên họp sáng 5/11.
Theo ông Cường, nếu chỉ tính khấu hao đầu tư, chi thường xuyên thì bệnh viện không lo gì. Nhưng khi đầu tư, phải trả vốn vay, lãi ngân hàng là điều khiến bệnh viện băn khoăn. Đây cũng là một trong những lý do mà các bệnh viện lớn ở Trung ương không dám nhận tự chủ.
Điều tương tự cũng sẽ xảy ra với các trường đại học tự chủ. Nếu các trường được đầu tư cơ sở vật chất đầy đủ, có điều kiện khang trang thì học sinh đến học với điều kiện tiện nghi, chi phí cho học phí của hệ đại trà không cao hơn so với trường đại học khác. Nếu các trường phải đi vay tiền để đầu tư xây dựng, trả lãi ngân hàng thì chắc chắn trong chi phí đào tạo sẽ rất cao.
Vì vậy, ông Hoàng Văn Cường đề nghị tăng tỷ lệ phân bổ vốn đầu tư phát triển từ NSNN cho 2 lĩnh vực này, ít nhất là phải đủ đầu tư xây dựng cơ sở vật chất ban đầu.
Phát biểu giải trình, làm rõ các ý kiến ĐBQH nêu tại phiên thảo luận, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, hiện có các mức độ tự chủ khác nhau như: Tự chủ một phần, tự chủ thường xuyên. Một số đơn vị tự chủ toàn diện như bệnh viện Bạch Mai; bệnh viện K đã xin tự chủ một phần và Chính phủ đã đồng tình. Đây là những bệnh viện tuyến cuối, phục vụ công tác thăm khám, chữa trị, đảm bảo sức khỏe cho nhân dân, nên cần có sự hỗ trợ.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, đối với việc quản lý các loại tài sản trong đơn vị sự nghiệp công lập, Luật Quản lý sử dụng tài sản công đã có quy định cụ thể, cởi mở, cho phép liên doanh liên kết, cho phép cho thuê, nhưng không được làm mất tài sản của nhà nước.