Thứ Tư, 23/10/2024 09:00 (GMT+7)

Xây dựng hệ thống tư pháp bảo vệ người chưa thành niên

Hiện nay, trong lĩnh vực tư pháp, việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em đã được thể chế hóa thành nhiều quy định trong các bộ luật, luật, văn bản dưới luật. Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam về tư pháp người chưa thành niên được quy định phân tán ở nhiều đạo luật; một số quy định chưa có sự phân hóa rõ giữa người trưởng thành và người chưa thành niên...
Ảnh đại diện tin bài

Bà Silvia Danailov, Trưởng Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam.
Bà Silvia Danailov, Trưởng Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam.

 

Việc xây dựng và ban hành Luật Tư pháp người chưa thành niên là nhu cầu khách quan mang tính tất yếu và rất cần thiết nhằm thể chế hóa các văn kiện, nghị quyết, quy định của Đảng và Nhà nước về người chưa thành niên; xây dựng một hệ thống tư pháp người chưa thành niên hoàn chỉnh cả về nội dung và thủ tục; đồng thời, từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Phóng viên Báo Nhân Dân đã có cuộc trao đổi với bà Silvia Danailov, Trưởng đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam về vấn đề này.

Áp dụng cách tiếp cận lấy trẻ em là trung tâm

Phóng viên: Trong những năm qua, UNICEF Việt Nam đã thực hiện không ít hoạt động để hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong việc bảo vệ quyền trẻ em nói chung và trong việc xây dựng dự thảo luật Tư pháp người chưa thành niên nói riêng. Bà có suy nghĩ gì về tầm quan trọng của luật này trong việc bảo vệ trẻ em và hỗ trợ cải cách tư pháp cho trẻ chưa thành niên ở Việt Nam?

Bà Silvia Danailov: Trước hết, tôi đánh giá cao đối với những thành tựu nổi bật của Việt Nam trong việc tăng cường tư pháp cho người chưa thành niên (1) trong những năm gần đây. Việc xây dựng Luật Tư pháp người chưa thành niên một lần nữa cho thấy cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc thúc đẩy quyền trẻ em.

Là nền tảng của mọi hệ thống tư pháp thân thiện với người chưa thành niên, đạo luật này sẽ tạo nên một cơ sở pháp lý vững chắc để tăng cường bảo vệ người chưa thành niên trong hệ thống tư pháp hình sự, bao gồm cả người chưa thành niên phạm tội cũng như nạn nhân và nhân chứng.

Áp dụng cách tiếp cận lấy trẻ em làm trung tâm, hoàn toàn khác biệt so với cách đối xử với người phạm tội trưởng thành, Luật Tư pháp người chưa thành niên tập trung vào việc phục hồi, cung cấp các giải pháp hỗ trợ mang tính cá thể hóa để giải quyết những nguyên nhân gốc rễ của các quyết định sai lầm.

Người chưa thành niên, dù là gái hay trai, đều trưởng thành và phát triển thông qua việc trải nghiệm, mắc lỗi và rút kinh nghiệm từ những lỗi lầm đó. Đây là một quá trình rất bình thường, vì phải đến những năm đầu của lứa tuổi 20 thì bộ não của con người mới phát triển đầy đủ.

Đặc biệt, người sắp thành niên, tức là các em trong giai đoạn chuyển giao từ trẻ em thành người lớn (khoảng từ 12-18 tuổi), thường thiếu khả năng dự liệu hậu quả mà hành vi của mình có thể gây ra, kiểm soát cảm xúc cũng như sự bốc đồng.

Người sắp thành niên trong thời đại ngày nay cũng vậy thôi, mặc dù việc tiếp xúc với internet và mạng xã hội khiến các em phát triển nhanh chóng và nhìn bên ngoài thì có vẻ như đã trưởng thành. Việc chúng ta hiểu được cách xử sự của người sắp thành niên cũng như cách chúng ta đối xử với các em trong giai đoạn này có thể ảnh hưởng đến cả cuộc đời của các em.

Áp dụng cách tiếp cận lấy trẻ em làm trung tâm, hoàn toàn khác biệt so với cách đối xử với người phạm tội trưởng thành, Luật Tư pháp người chưa thành niên tập trung vào việc phục hồi, cung cấp các giải pháp hỗ trợ mang tính cá thể hóa để giải quyết những nguyên nhân gốc rễ của các quyết định sai lầm.

Do vẫn đang trong quá trình phát triển, người chưa thành niên thường dễ thay đổi hành vi hơn so với người lớn. Các biện pháp giáo dục hướng tới việc hình thành thái độ tích cực và kỹ năng xã hội, cũng như ý thức trách nhiệm có thể giúp các em lựa chọn con đường đúng đắn khi trưởng thành. Trên thế giới, cách tiếp cận này đã được công nhận là ít tốn kém mà lại hiệu quả hơn trong việc phòng ngừa tái phạm.

Với việc ưu tiên các biện pháp thay thế cho tố tụng hình sự (hay còn gọi là “xử lý chuyển hướng”) và các giải pháp dựa vào cộng đồng, Luật Tư pháp người chưa thành niên cho phép các em được trưởng thành và từ bỏ những hành vi phạm tội trong khi vẫn sinh sống tại cộng đồng của mình và duy trì sự gắn kết với gia đình và trường học.

Bằng cách đó, người sắp thành niên được bảo vệ khỏi các biện pháp xử lý khắc nghiệt, kỳ thị và trừng phạt có thể để lại hậu quả tiêu cực lâu dài đối với sức khỏe thể chất và tinh thần, cũng như sự phát triển của trẻ.

Ở Việt Nam, nhiều người chưa thành niên bị đưa ra tòa do phạm các tội không mang tính bạo lực, chẳng hạn như trộm cắp và gây rối trật tự công cộng. Đối với những em này, các giải pháp dựa vào cộng đồng sẽ là lựa chọn phù hợp nhất - và điều đó không có nghĩa là “dung túng tội phạm.” Trên thực tế, những biện pháp giáo dục tại cộng đồng đòi hỏi người chưa thành niên phải thực sự nỗ lực - khuyến khích các em đối mặt với vấn đề của mình, chịu trách nhiệm về hành động của mình, giải quyết những nguyên nhân gốc rễ của hành vi và giúp trẻ lựa chọn con đường đúng đắn để trở thành công dân có ích và tuân thủ pháp luật. Đây là cách tốt nhất để bảo đảm sự gắn kết trong cộng đồng và an toàn xã hội một cách bền vững.

Luật Tư pháp người chưa thành niên cũng rất quan trọng trong việc bảo vệ nạn nhân và nhân chứng chưa thành niên khỏi bị tổn thương tâm lý khi tham gia tố tụng hình sự, nhờ đó giúp cải thiện chất lượng lời khai của các em.

Luật đưa ra các quy định cụ thể về việc xử lý các vụ án liên quan đến nạn nhân và nhân chứng chưa thành niên theo cách thân thiện và nhạy cảm giới, đảm bảo rằng quá trình tư pháp được công bằng và kẻ phạm tội bị xử lý.

Các quốc gia như Indonesia, Lào, Nepal, Croatia, Georgia và Serbia đã đưa các quy định bảo vệ nạn nhân và nhân chứng chưa thành niên vào luật tư pháp người chưa thành niên của mình.

Luật Tư pháp người chưa thành niên cũng rất quan trọng trong việc bảo vệ nạn nhân và nhân chứng chưa thành niên khỏi bị tổn thương tâm lý khi tham gia tố tụng hình sự, nhờ đó giúp cải thiện chất lượng lời khai của các em.

Phóng viên: Theo ban soạn thảo, luật mới có mục tiêu đổi mới và cải cách mạnh mẽ chính sách và pháp luật đối với người chưa thành niên liên quan đến tư pháp hình sự để phù hợp với các cam kết và thực tiễn quốc tế. Theo quan điểm của bà, luật này sẽ giúp Việt Nam đạt được mục tiêu này như thế nào?

Bà Silvia Danailov: Hiện nay, việc xử lý người chưa thành niên trong hệ thống tư pháp hình sự ở Việt Nam được quy định trong các chương, điều riêng trong Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Thi hành án hình sự và các văn bản dưới luật khác. Điều này gây ra sự tản mát và không hiệu quả đối với người chưa thành niên.

Trong những thập kỷ gần đây, nhiều quốc gia trên thế giới cũng như ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã không còn áp dụng cách tiếp cận này nữa mà thay thế các chương về người chưa thành niên trong luật hình sự chung của họ bằng một đạo luật toàn diện về tư pháp người chưa thành niên. Đạo luật này quy định các mục tiêu, nguyên tắc, biện pháp xử lý và hình phạt, cũng như các thủ tục và dịch vụ được điều chỉnh đặc biệt cho phù hợp với người chưa thành niên.

Trong Nhận xét kết luận mới đây về Báo cáo quốc gia lần 5-6 của Việt Nam về việc thực thi Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em (ngày 19/9/2022), Ủy ban Quyền trẻ em của Liên hợp quốc đã khuyến nghị Việt Nam phát huy những thành tựu nổi bật trong việc tăng cường quyền trẻ em, để làm cho hệ thống tư pháp người chưa thành niên thực sự phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Quyền trẻ em, đặc biệt là thông qua một đạo luật toàn diện về tư pháp người chưa thành niên.

 

Việc thông qua Luật Tư pháp người chưa thành niên sẽ thúc đẩy sự tuân thủ của Việt Nam đối với các nghĩa vụ của mình theo Công ước của Liên hợp quốc về Quyền trẻ em, tạo ra một khung pháp luật thống nhất hơn cho hệ thống tư pháp người chưa thành niên bằng cách hợp nhất các quy định hiện đang được điều chỉnh bởi nhiều văn bản luật khác nhau. Điều này sẽ cho phép áp dụng một cách tiếp cận chuyên biệt đối với người chưa thành niên, khác biệt cơ bản với cách tiếp cận áp dụng đối với người lớn, đưa ra các biện pháp được điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu cụ thể của trẻ, dựa trên năng lực đang trong quá trình phát triển và tính dễ bị tổn thương cố hữu của các em, cũng như thúc đẩy lợi ích tốt nhất của người chưa thành niên khi tiếp xúc với hệ thống tư pháp hình sự.

Xây dựng một hệ thống tư pháp thân thiện, bảo vệ người chưa thành niên

Phóng viên: Với kinh nghiệm của UNICEF trong việc bảo vệ trẻ em, bà có thể đưa ra một số khuyến nghị cho việc xây dựng luật tư pháp cho trẻ chưa thành niên ở Việt Nam không?

Bà Silvia Danailov: Tôi rất vui mừng nhận thấy nhiều yếu tố tích cực trong dự thảo luật được trình lên Quốc hội vào tháng 6 vừa qua có. Điều này sẽ cải thiện việc xử lý các vụ án hình sự liên quan đến người chưa thành niên phù hợp với các nghĩa vụ của Việt Nam theo Công ước của Liên hợp quốc về Quyền trẻ em. Tuy nhiên, một số khía cạnh của dự thảo luật vẫn có thể được tiếp tục hoàn thiện cho phù hợp với các chuẩn mực quốc tế và thực tiễn tốt nhất trên thế giới.

Trước hết, UNICEF hoan nghênh việc quy định các biện pháp thay thế cho quy trình tố tụng hình sự (hay còn gọi là “xử lý chuyển hướng”) nhằm chuyển các em ra khỏi hệ thống tư pháp hình sự để phục hồi tại cộng đồng.

Tuy nhiên, một điều rất quan trọng cần lưu ý là do xử chuyển hướng được áp dụng trước giai đoạn xét xử nên cần phải tôn trọng các biện pháp bảo vệ tố tụng cốt lõi.

Đặc biệt, không thể áp đặt việc xử lý chuyển hướng. Chỉ xử lý chuyển hướng khi có sự đồng ý một cách tự nguyện của người chưa thành niên đối với việc xử lý chuyển hướng cũng như tất cả các nghĩa vụ hoặc biện pháp trong kế hoạch xử lý chuyển hướng.

Do vậy, để hoàn toàn phù hợp với các chuẩn mực quốc tế, dự thảo luật cần củng cố khía cạnh tự nguyện và đồng thuận này bằng cách quy định một cách rõ ràng yêu cầu phải có sự đồng ý của người chưa thành niên đối với việc xử lý chuyển hướng cũng như các nghĩa vụ trong kế hoạch xử lý chuyển hướng.

Thứ hai, việc xử lý chuyển hướng không nên bao gồm bất kỳ hình thức tước đoạt tự do nào. Do đó, biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng cần được quy định là một biện pháp xử phạt thay vì một biện pháp chuyển hướng.

Và cuối cùng, hành vi phạm tội của người chưa thành niên thường liên quan đến các vấn đề xã hội phức tạp trong môi trường sống của trẻ. Các thực tiễn tốt nhất trên thế giới đã chứng minh rằng để giải quyết hiệu quả các vấn đề này thì cần có các cán bộ chuyên trách với kiến thức và kỹ năng chuyên sâu về công tác xã hội.

UNICEF khuyến nghị mạnh mẽ việc hình thành một lực lượng nhân sự dịch vụ xã hội mang tính chuyên nghiệp hơn, đặc biệt là một mạng lưới nhân viên công tác xã hội ở cấp tỉnh và huyện, và cộng tác viên công tác xã hội ở cấp xã.

Phóng viên: UNICEF đã đồng hành cùng các cơ quan chức năng của Việt Nam trong nhiều dự án về bảo vệ trẻ em và hỗ trợ cải cách tư pháp cho người chưa thành niên trong nước. Bà có thể chia sẻ gì về những dự án nổi bật trong những năm qua cũng như kết quả đã đạt được?

Bà Silvia Danailov: UNICEF đã có mặt tại Việt Nam để hỗ trợ việc thúc đẩy quyền trẻ em từ năm 1975. Các hỗ trợ của chúng tôi để tăng cường tư pháp cho người chưa thành niên được đẩy mạnh với việc phê duyệt dự án hợp tác đầu tiên về Hệ thống Tư pháp thân thiện với người chưa thành niên giữa Bộ Tư pháp và UNICEF vào năm 2006. Kể từ đó, UNICEF đã phối hợp chặt chẽ với các đối tác hết sức nhiệt tình như Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Hội Luật gia Việt Nam để thúc đẩy tiếp cận tư pháp cho người chưa thành niên.

Trong những năm qua, UNICEF đã hỗ trợ các đối tác quốc gia nghiên cứu các chuẩn mực quốc tế và tìm hiểu những bài học quý giá từ các quốc gia khác, đặc biệt là những quốc gia có những điểm tương đồng với Việt Nam, để cung cấp thông tin cho các nỗ lực cải cách hệ thống pháp luật và tư pháp nhằm bảo vệ người chưa thành niên, cả các em trai cũng như các em gái gái có liên quan đến pháp luật.

UNICEF cũng hỗ trợ trang bị kiến thức và kỹ năng chuyên sâu cho hàng nghìn cán bộ pháp lý tương lai cũng như đương nhiệm, bao gồm các cán bộ thực thi pháp luật và tư pháp, luật sư/trợ giúp viên pháp lý, và cán bộ phúc lợi xã hội để có thể tiến hành các thủ tục tư pháp một cách thân thiện với người chưa thành niên và nhạy cảm giới, cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý chất lượng và các dịch vụ khác phù hợp với độ tuổi cho người chưa thành niên.

Thông qua quan hệ đối tác đáng tin cậy và lâu dài này, các cơ quan chính phủ đã thể chế hóa các phương pháp tiếp cận thành công để mang lại kết quả bền vững cho người chưa thành niên trên cả nước.

Những thành tựu nổi bật về tư pháp người chưa thành niên đã được ghi nhận trong Nhận xét kết luận mới nhất của Ủy ban Quyền trẻ em về Việt Nam. Ủy ban đặc biệt khen ngợi Việt Nam về việc quy định các biện pháp xử lý chuyển hướng trong Luật Xử lý vi phạm hành chính, các thủ tục tố tụng thân thiện với trẻ em trong Bộ luật Tố tụng hình sự, mở rộng phạm vi người chưa thành niên được trợ giúp pháp lý theo Luật Trợ giúp pháp lý, cũng như hình thành 40 tòa gia đình và người chưa thành niên với tư cách là các tòa án chuyên trách cho người chưa thành niên.

Luật Tư pháp người chưa thành niên nếu được thông qua sẽ là một dấu mốc quan trọng. Chúng tôi mong muốn được tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các đối tác quốc gia để đưa đạo luật này vào đời sống, tiếp tục thúc đẩy tiếp cận tư pháp cho các em trai và em gái dưới 18 tuổi trên khắp Việt Nam.

Phóng viên: Cảm ơn những chia sẻ của bà!

0
Nước Mỹ đã bước vào kỷ nguyên vàng từ ngày hôm nay
Nước Mỹ đã bước vào kỷ nguyên vàng từ ngày hôm nay

Phát biểu nhậm chức Tân Tổng thống Donald Trump nhấn mạnh: “Kỷ nguyên vàng của nước Mỹ bắt đầu từ ngày hôm nay. Đất nước chúng ta từ hôm nay sẽ lại thịnh vượng và được tôn trọng lần nữa trên toàn thế giới. Chúng ta sẽ là niềm ghen tị của mọi quốc gia và sẽ không để mình bị lợi dụng nữa”.

Tưng bừng hội chợ “Tết Đong Đầy” của Trung tâm Ước Mơ Xanh
Tưng bừng hội chợ “Tết Đong Đầy” của Trung tâm Ước Mơ Xanh

(SKTE) - “Tết Đong Đầy” là chủ đề hội chợ quê năm thứ hai liên tiếp do Trung tâm Tư vấn và Giáo dục trẻ chậm phát triển Ước Mơ Xanh (huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) tổ chức ngày 10/1/2025 vừa qua nhằm bồi đắp vốn hiểu biết văn hóa Việt cho trẻ, giúp cho trẻ mở rộng vốn hiểu về thế giới xung quanh, tăng cường kỹ năng giao tiếp và kỹ năng sống.

Tuyên truyền kịp thời, đậm nét các hoạt động quân sự, quốc phòng
Tuyên truyền kịp thời, đậm nét các hoạt động quân sự, quốc phòng

Ngày 16/1, tại Hà Nội, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết công tác báo chí, xuất bản toàn quân năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025, với sự chủ trì của Thiếu tướng Nguyễn Xuân Thủy, Phó Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.

Logo Tạp chí Sức khỏe trẻ em
© Bản quyền 2024 Sức khỏe Trẻ em
Hotline: Hà Nội - (024) 37 765 156 / TP HCM - 0936813116
Logo Báo điện tử Thừa Thiên Huế
Tạp chí Sức khỏe Trẻ em
Địa chỉ: Số 51 Vũ Ngọc Phan, Hà Nội.
Điện thoại:  0988158008; 0971251286.
Email: suckhoetreem2024@gmail.com.
Giấy phép số 298/GP-BTTTT, ngày 6/10/2024 của Bộ Thông tin và Truyền thông.
STK: 0021000568719, Ngân hàng Vietcombank
Ghi rõ nguồn Sức khỏe Trẻ em khi phát hành lại thông tin từ website này.
Thiết kế bởi Tập đoàn Trí Nam
Chịu trách nhiệm nội dung:
Tổng biên tập: TS. Trần Doãn Tiến.
Phó Tổng Biên tập: TS. Nguyễn Văn Minh.
Ủy viên Ban biên tập, Trưởng VP đại diện phía Nam: TS. Nguyễn Chí Tân.
Trưởng ban thư ký Tòa soạn: Phạm Việt Hưng.
Giám đốc Trung tâm Truyền thông: Hà Diệu Hiền
P. Trưởng ban Trị sự: Lê Minh Nam.
Ghi rõ nguồn Sức khỏe Trẻ em khi phát hành lại thông tin từ website này.
Thiết kế bởi Tập đoàn Trí Nam