(SKTE) Tạo điều kiện để người khuyết tật, trẻ em khuyết tật được thụ hưởng thành quả của sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước, nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách theo hướng toàn diện, hiện đại, bao trùm, bền vững, coi đầu tư cho người khuyết tật là đầu tư cho phát triển.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thăm, tặng quà các cháu thiếu nhi tại Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ khuyết tật Hà Nội. Ảnh: molisa.gov.vn
Người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn.
Theo số liệu tổng hợp của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện cả nước có khoảng trên 7 triệu người khuyết tật, chiếm trên 7% dân số từ 2 tuổi trở lên. Trong đó, 58% là nữ và 42% là nam; 29% là người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng; Tính theo nhóm tuổi có trên 28,3% người khuyết tật trong độ tuổi trẻ em.
Với những tác động của các yếu tố khách quan và chủ quan như biến đổi khí hậu, sự khắc nghiệt của điều kiện tự nhiên, thiên tai, bão lũ, hậu quả chiến tranh, bệnh dịch, quá trình chuyển đổi nền kinh tế, di dân, tập tục… đã và đang là các nguyên nhân dẫn đến gia tăng quy mô, số lượng người khuyết tật, mức độ khó khăn của người khuyết tật. Đồng thời điều kiện sinh hoạt, đời sống vật chất tinh, tinh thần của người khuyết tật cũng còn những hạn chế nhất định. Một bộ phận không nhỏ người khuyết tật không có đủ sức khỏe, không có việc làm, thu nhập, nhiều người khuyết tật, trẻ em khuyết tật đang sống trong hộ gia đình nghèo, sống ở nơi có điều
kiện kinh tế khó khăn… rất cần đến hỗ trợ của Nhà nước và xã hội.
Thực tế này cho thấy vai trò của hệ thống chính sách trợ giúp xã hội đối với người khuyết tật và trẻ em khuyết tật. Đảng và Nhà nước Việt Nam đặc biệt quan tâm đến chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và bảo đảm các điều kiện bảo đảm an sinh xã hội, trợ giúp xã hội, phát triển và đa dạng tạo thuận lợi để người khuyết tật, trẻ em khuyết tật tiếp cận dịch vụ chỉnh hình, phục hồi chức năng, y tế, giáo dục, đào tạo, việc làm, giao thông, văn hóa, thể thao, công nghệ thông tin, hòa nhập xã hội, cơ sở hạ tầng và phúc lợi xã hội khác.
Chính sách trợ giúp xã hội và các giải pháp phát triển hệ thống chăm sóc xã hội đối với người khuyết tật nói chung, trẻ em khuyết tật nói riêng đã được cụ thể hóa chủ trương của Đảng và hệ thống pháp luật, chính sách của Nhà nước. Quyền của người khuyết tật, trách nhiệm của nhà nước, cơ quan tổ chức, cá nhân và gia đình trong việc bảo đảm quyền của người khuyết tật được quy định cụ thể và chi tiết trong Hiến pháp, Luật Người khuyết tật và hơn 20 luật, pháp lệnh chuyên ngành khác.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành cơ quan Trung ương đã ban hành nhiều nghị định, quyết định, thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật pháp, chính sách. Đồng thời phê duyệt hệ thống các chương trình về trợ giúp xã hội đối với người khuyết tật, người tâm thần, công tác xã hội giai đoạn 5 năm, 10 năm để huy động nguồn lực Nhà nước và xã hội cho triển khai thực hiện các mục tiêu bảo vệ, chăm sóc, trợ giúp tạo điều kiện để hòa nhập người khuyết tật.
Với sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của các bộ ngành, cơ quan Trung ương, sự vào cuộc của cấp ủy đảng chính quyền địa phương và sự huy động chung tay của tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội công tác chăm sóc, trợ giúp người khuyết tật, trẻ em khuyết tật trong những năm qua đã thu được những thành công nhất định.
Cả nước đã thực hiện xác định mức độ khuyết tật, cấp giấy xác nhận khuyết tật cho trên 3 triệu người, thực hiện trợ cấp xã hội hàng tháng và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 1,6 triệu người, hỗ trợ kinh phí chăm sóc cho 349 nghìn hộ gia đình, cá nhân nhận chăm sóc, nuôi dưỡng người khuyết tật đặc biệt nặng.
Có 50 tỉnh, thành phố triển khai Chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng; 100% bệnh viện đa khoa trung ương, tỉnh có khoa Phục hồi chức năng. Cả nước có 1.130 cơ sở giáo dục nghề nghiệp có tổ chức đào tạo nghề cho người khuyết tật, trong đó có 744 cơ sở công lập, 386 cơ sở tư thục. Chính sách miễn, giảm giá vé tham gia giao thông công cộng đã được thực hiện tốt hơn, phong trào thể dục thể thao, giải thi đấu thể thao cho người khuyết tật được quan tâm thực hiện thường xuyên.
Việc triển khai đầy đủ các chế độ, chính sách trợ giúp xã hội đã góp phần ổn định đời sống, bảo đảm an sinh xã hội cho người khuyết tật và trẻ em khuyết tật, tạo đầy đủ các điều kiện để tiếp cận với dịch vụ xã hội và hưởng thụ thành quả, cũng như đóng góp cho sự phát triển của đất nước.
Tuy nhiên, do các yếu tố khách quan và chủ quan tác động và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người khuyết tật, trẻ em khuyết tật. Cụ thể, do nhận thức chưa đầy đủ về vấn đề khuyết tật, người khuyết tật và phát triển triển kinh tế xã hội; Tuyên truyền chưa mạnh mẽ, chưa sâu rộng; Hệ thống chính sách, giải pháp trợ giúp còn những khoảng trống về đối tượng thụ hưởng, về phạm vi, tính toàn diện, đầy đủ của các chế độ chính sách; Chất lượng chính sách, dịch vụ hỗ trợ chưa thật sự đáp ứng được đầy đủ theo nguyện vọng, mong muốn của đối tượng thụ hưởng.
Hệ thống quản trị chính sách, điều kiện tiếp cận cũng còn một số rào cản. Hạ tầng kỹ thuật chăm sóc, phục hồi chức năng cũng còn thiếu, quy hoạch phân về không gian cung cấp dịch vụ chưa đồng đều, chủ yếu tập trung ở vùng thành thị, vùng có điều kiện kinh tế phát triển. Nguồn nhân lực làm công tác chăm sóc, trợ giúp cũng còn thiếu, yếu về chuyên môn. Ngân sách đầu tư cho trẻ em khuyết tật còn thiếu, nguồn huy động chưa được thường xuyên. Những hạn chế, rào cản này dẫn đến vẫn còn tình trạng người khuyết tật, trẻ khuyết tật chưa được thụ hưởng chính sách, cá biệt còn bị phân biệt đối xử, bạo lực… gây nhiều khó khăn cho quá trình bảo vệ quyền của người khuyết tật, trẻ khuyết tật.
Để bảo đảm các điều kiện thực hiện đầy đủ quyền cho người khuyết tật, trẻ em khuyết tật, tăng cường tiếp cận dịch vụ chính sách và dịch vụ trợ giúp xã hội theo quan điểm quyền, quan điểm phát triển, hướng tới người khuyết tật được thụ hưởng đầy đủ thành quả của sự phát triển xã hội, cũng như có vai trò tham gia đóng góp cho quá trình phát triển thì tiếp tục cần phải đổi mới hoàn thiện hệ thống
chính sách, giải pháp trợ giúp xã hội.
Thứ nhất, đổi mới tư duy trong xây dựng và thực hiện chính sách, giải pháp và biện pháp chăm sóc, trợ giúp người khuyết tật và trẻ em khuyết tật. Chính sách đối với người khuyết tật, trẻ em khuyết tật là một bộ phận quan trọng của chính sách chăm lo cho con người, vì con người, lấy con người làm trung tâm, là chủ thể, mục tiêu, động lực, nguồn lực để phát triển bền vững. Tạo điều kiện để người khuyết tật, trẻ em khuyết tật được thụ hưởng thành quả của sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước, nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách theo hướng toàn diện, hiện đại, bao trùm, bền vững, coi đầu tư cho người khuyết tật là đầu tư cho phát triển.
Thứ hai, từng bước nâng cao chất lượng chính sách trợ giúp xã hội, trong đó ưu tiên cho nhóm đối tượng là trẻ em khuyết tật, hộ gia đình đang trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em khuyết tật.
Theo quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội được điều chỉnh nâng từ 360.000 đồng lên 500.000 đồng/tháng, áp dụng thực hiện từ ngày 1/7/2024. Đối với người khuyết tật nặng hệ số trợ cấp 1,5 lần mức chuẩn (750.000 đồng/tháng), trẻ em khuyết tật đặc biệt nặng hệ số 2,0 lần mức chuẩn (1 triệu đồng/tháng), người khuyết tật đặc biệt năng hệ số 2,0 lần mức chuẩn (1 triệu đồng/tháng), trẻ em khuyết tật đặc biệt nặng hệ số 2,5 lần mức chuẩn (1,250 triệu đồng/ tháng). Việc nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội thể hiện sự cố gắng của Nhà nước trong việc bảo đảm chất lượng chính sách và tăng cường hỗ trợ cải thiện đời sống của đối tượng bảo trợ xã hội, trong đó có người khuyết tật. Tuy nhiên, mức này cũng vẫn chưa thật sự đảm bảo đầy đủ các nhu cầu cơ bản, tối thiểu của đối tượng hưởng lợi, đồng thời cũng còn khoảng cách nhất định về mức hưởng bảo trợ xã hội so với mức hưởng các chế độ chính sách khác. Trong ngắn hạn cũng như dài hạn cần tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện
mức hưởng cho phù hợp với điều kiện phát triển, bảo đảm quan điểm phát triển toàn diện của đối tượng thụ hưởng.
Thứ ba, tiếp tục đổi mới phương thức, hình thức truyền thông thay đổi nhận thức của cộng đồng, xã hội, cấp ủy đảng chính quyền địa phương về vấn đề khuyết tật. Truyền thông, tuyên truyền về hệ thống chính sách pháp luật người khuyết tật, trẻ em khuyết tật và những vấn đề liên quan được quy định trong luật người khuyết tật và hệ thống văn bản pháp luật.
Công tác truyền thông trong những năm qua đã được các bộ ngành, địa phương và cả hệ thống chính trị tổ chức thực hiện. Cơ quan truyền thông xây dựng chuyên mục, chuyên đề truyền thông vào các thời điểm ngày người khuyết tật Việt Nam, Ngày Quốc tế Người khuyết tật… Truyền thông đã giúp cho nâng cao nhận thức, thay đổi quan điểm nhìn nhận vấn đề khuyết tật, góp phần thực hiện tốt chính sách… Tuy nhiên, truyền thông cũng còn những hạn chế nhất định. Trong thời gian tới cần tiếp tục tăng cường và đổi mới công tác truyền thông, xác định cụ thể mục tiêu truyền thông, đổi mới linh hoạt kết hợp cả phương thức truyền thông truyền thống và truyền thông hiện đại, xây dựng thông điệp ngắn gọn, linh hoạt, đa dạng loại hình ngôn ngữ truyền thông.
Thứ tư, quy hoạch phát triển mạng lưới dịch vụ chăm sóc và nguồn nhân lực chăm sóc chuyên nghiệp đối với trẻ em. Mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội, đào tạo bồi dưỡng lực lượng nhân viên chăm sóc đã được quan tâm phát triển cả về số lượng và nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc. Hiện có gần 250 nghìn công chức, viên chức, nhân viên và cộng tác viên làm công tác xã hội. Trong đó, 35 nghìn làm việc tại các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội, gần 100 nghìn người làm việc tại các hội, đoàn thể các cấp; Trên 100 nghìn cộng tác viên giảm nghèo, phòng chống tệ nạn xã hội, bảo vệ trẻ em và phát triển cộng đồng, tạo thành một mạng lưới cán bộ, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội trợ giúp các đối tượng yếu thế tiếp cận, thụ hưởng các chính sách phúc lợi xã hội, y tế, giáo dục, học nghề, tìm việc làm.
Đồng thời cả nước có 425 cơ sở trợ giúp xã hội (191 cơ sở công lập và 234 cơ sở ngoài công lập). Đội ngũ nhân viên và hệ thống cơ sở trợ giúp xã hội đã cung cấp dịch vụ chăm sóc đáp ứng nhu cầu trợ giúp xã hội cho 30% đối tượng, chăm sóc nuôi dưỡng cho khoảng 70 nghìn đối tượng; quản lý hàng trăm nghìn đối tượng tại cộng đồng; hỗ trợ chăm sóc khẩn cấp cho khoảng 600 nghìn lượt đối tượng.
Mạng lưới này đã góp phần cho việc bảo đảm quyền của người khuyết tật và trẻ em khuyết tật. Tuy nhiên, để đáp ứng được yêu cầu phát triển dịch vụ chăm sóc chất lượng cao theo xu hướng khuyến khích khu vực tư nhân cung cấp dịch vụ thì cần tiếp tục đổi mới và hoàn thiện phương thức quản lý, đầu tư phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ. Cần cụ thể hóa và hướng dẫn chi tiết về đề án quy hoạch phát triển mạng lưới, kết hợp quy hoạch mạng lưới với quy hoạch không gian phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương để huy động nguồn lực và dư địa tài chính của địa phương cho đầu tư phát triển hệ thống. Đồng thời cần tiếp tục hoàn thiện chính sách khuyến khích đối với đội ngũ cán bộ, nhân viên, người trực tiếp chăm sóc trợ giúp người khuyết tật. Chính sách hiện nay mới chủ yếu tập trung hỗ trợ cho người làm trong khu vực Nhà nước, còn khu vực tư nhân hầu như chưa được quy định cụ thể.
Thứ năm, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận chính sách. Hệ thống đăng ký, giải quyết chính sách trợ giúp xã hội trực tuyến đã được hoàn thiện và triển khai tại địa chỉ http://dvcbtxh.molisa.gov.vn. Hệ thống đã tích hợp 9 thủ tục hành chính trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Thông tin định danh cá nhân của đối tượng được kết nối và xác thực thông qua CSDL Dân cư quốc gia. Hệ thống đã kết nối với hệ thống dịch vụ công một cửa điện tử. Đây là công cụ hỗ trợ để đối tượng hưởng chính sách trợ giúp xã hội thuận lợi kê khai thông tin cá nhân và gửi lên hệ thống để các cơ quan hành chính xem xét quyết định. Tiền trợ cấp sẽ được chi trả hàng tháng vào tài khoản của người thụ hưởng. Tuy nhiên đối với người khuyết tật, trẻ em khuyết tật chỉ được xem xét khi có đầy đủ thông tin về dạng tật, mức độ khuyết tật. Do vậy cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống đăng ký theo hướng bổ sung hợp phần đăng ký xác định mức độ khuyết tật và cấp giấy xác nhận khuyết tật điện tử. Đồng thời tích hợp thông tin của người khuyết tật, trẻ em khuyết tật với các cơ sở dữ liệu khác và các hệ thống cung cấp dịch vụ công khác để thuận lợi trong tiếp cận chính sách và giảm thủ tục hành chính khi đối tượng phải thực hiện các thủ tục hành chính khác./.