(SKTE) Cả cuộc đời và sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh đã luôn chăm lo cho lợi ích của nhân dân. Trong đó, trẻ em, nhất là trẻ em tàn tật được Người quan tâm đặc biệt, dành tình thương yêu bao la; đồng thời, đòi hỏi cả xã hội cùng chung sức chăm lo cho các em.
Chủ nghĩa xã hội là người già yếu, trẻ em hoặc người tàn tật sẽ được Nhà nước chăm nom
Sinh thời, dẫu bận trăm công, nghìn việc lo cho sự nghiệp của nước nhà, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành tình thương yêu và quan tâm đặc biệt đến trẻ em, thiếu niên, nhi đồng, nhất là đối với những em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Người thấy rõ hoàn cảnh xã hội, trước hết là từ chiến tranh do chế độ thực dân, đế quốc gây nên cho trẻ em trên thế giới và ở Việt Nam. Với thực dân Pháp, Người chỉ rõ, tính mạng của một người An Nam “không đáng một trinh”; “Thói dâm bạo thực dân là hiện tượng phổ biến và tàn ác không thể tưởng tượng được”, với thiếu nữ, thiếu phụ đang cho con bú và tay dắt một em gái lên tám… chúng cũng không tha. Còn với đế quốc Mỹ, Người đã tố cáo chúng “Dùng bom napan và hơi độc để giết chết trẻ con và người bệnh ở Việt Nam”. Chúng luôn rêu rao khẩu hiệu “khai hóa văn minh” cho người An Nam và các xứ thuộc địa, hoặc ca tụng các tư tưởng “tự do”, “bình đẳng”, “bác ái”, nhưng kỳ thực đang gây nên tội ác man rợ nhất trong lịch sử nhân loại đối với con người, trẻ em tại Đông Dương và Việt Nam.
Đối lập với chủ nghĩa tư bản, thực dân và đế quốc; và thấy được những giá trị tốt đẹp mà Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa đem lại cho nhân dân, nhất là với người già, trẻ em và người tàn tật, Hồ Chí Minh đã xác định ở Việt Nam “Chủ nghĩa xã hội là công bằng hợp lý: Làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít, không làm thì không được hưởng. Những người già yếu hoặc tàn tật sẽ được Nhà nước giúp đỡ chăm nom”[1]; “Trẻ em, bố mẹ khỏi lo,/ Dạy nuôi, Chính phủ giúp cho đủ đầy”[2]… Vì vậy, toàn thể nhân loại cũng như nhân dân Việt Nam không phân biệt chế độ xã hội hay quốc gia - dân tộc không chỉ nêu cao tinh thần công lý, đấu tranh cho quyền con người, quyền của phụ nữ và trẻ em mà còn phải cùng nhau đánh đổ chế độ thuộc địa và chế độ thực dân đế quốc để tự giải phóng, phấn đấu cho các quyền cơ bản nhất của mỗi quốc gia - dân tộc và con người, trước hết là quyền của trẻ em.
Trẻ em như búp trên cành
Chủ tịch Hồ Chí Minh với các cháu mẫu giáo xã Nghĩa Dân, Kim Động, ngày 16/9/1961. Ảnh tư liệu/ Ban Quản lý Lăng
Với tinh thần yêu thương, quý trọng con người, coi con người là tài sản quý giá nhất trong xã hội, nhưng trong trái tim Người luôn dành cho trẻ em một tình yêu bao la. Ở nơi đó, Hồ Chí Minh luôn đặt trẻ em ở vị trí trung tâm của xã hội và của vấn đề nhân văn. Người xem một chế độ xã hội có tiến bộ hay văn minh hay không chính là ở việc đối xử với trẻ em, với người già, người khuyết tật và neo đơn. Kế thừa những giá trị truyền thống của dân tộc và nhân loại, Người đã khẳng định “Thiếu niên, nhi đồng là người chủ tương lai của nước nhà”[3]. Bởi vậy, cả cuộc đời mình, Hồ Chí Minh luôn nâng nui, quý trọng, quan tâm và chăm sóc tới mọi việc của thiếu niên, nhi đồng. Người xác định “Trẻ em như búp trên cành”. Trẻ em và công việc đối với trẻ em không chỉ là đối tượng được chăm sóc, giáo dục và quan tâm, bảo vệ đặc biệt, mà còn là vấn đề mang tính chiến lược của cách mạng Việt Nam. Người xác định: “Dạy trẻ cũng như trồng cây non. Trồng cây non được tốt thì sau này cây lên tốt, dạy trẻ tốt thì sau này các cháu thành người tốt”[4].
Đối với Người, trẻ em không chỉ được quan tâm, chăm sóc một cách cụ thể, tận tình đối tùy theo hoàn cảnh của mỗi cháu, mà còn được chăm lo một cách toàn diện từ ăn, ở học tập, vui chơi, giáo dục, y tế và nuôi dưỡng, nhất là phải có những chế độ, chính sách cụ thể của Nhà nước, xã hội và sự quan tâm của cả cộng động. Cần phải có chế độ giáo dục, chế độ học phí, chế độ hạn tuổi, chế độ dinh dưỡng, chế độ giáo dục và quản lý của gia đình, nhà trường và xã hội. Quan tâm toàn diện đến học sinh nhỏ tuổi, nhưng cũng phải chú ý đến cả học sinh nghèo, nhất là trẻ bệnh tật, ốm đau, nơi rẻo cao, những em mất cả cha lẫn mẹ, hay cha mẹ đã hy sinh một phần xương máu cho nền độc lập, thống nhất nước nhà. Người xác định: “Người già và kẻ tàn tật. Được Chính phủ chăm nom và cấp dưỡng… Nhi đồng. Được Chính phủ săn sóc đặc biệt về thể dục và trí dục. Giúp đỡ các gia đình đông con. Lập ấu trĩ viên để chăm nom trẻ con”[5]… Muốn vậy, mỗi quốc gia - dân tộc, nhà nước và toàn dân không chỉ phải biết đấu tranh cho các quyền của dân tộc mình, mà còn phải hiến định cụ thể và toàn diện các quyền của trẻ em, nhi đồng, người tàn tật vào trong hệ thống hiến pháp và pháp luật của mình; đồng thời phải luôn quan tâm hiện thực hóa trong đời sống bằng sự quan tâm, chăm lo đối với thiếu niên, nhi đồng và trẻ tàn tật.
Chăm sóc và giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và chia kẹo cho các cháu ở nhà trẻ cho con em công nhân Nhà máy Cao su Sao Vàng, Xà phòng Hà Nội và Thuốc lá Thăng Long, ngày 15/2/1961. Ảnh tư liệu/ Ban Quản lý Lăng.
Từ những năm đầu lãnh đạo sự nghiệp cách mạng, khi đất nước gặp “vận gian nan”, Hồ Chí Minh đã thấu hiểu cảnh thiệt thòi của người dân Việt Nam, trong đó: “Trẻ em cũng bị bận thân cực lòng./ Học hành, giáo dục đã không,/ Nhà nghèo lại phải làm công, cày bừa./ Sức còn yếu, tuổi còn thơ,/ Mà đã khó nhọc cũng như người già!”… Theo đó, Người đã ấp ủ và quyết tâm thực hiện bằng được mong ước: “Bao giờ đánh đuổi Nhật, Tây,/ Trẻ em ta sẽ là bầy con cưng”[6].
Là người lãnh đạo tối cao của đất nước và dân tộc, trong kháng chiến cũng như trong hòa bình, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ trực tiếp nêu tấm gương sáng về sự quan tâm, chăm lo đến trẻ em, thiếu niên, nhi đồng và cả các em tàn tật, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong cuộc sống, mà Người còn luôn nhắc nhở đội ngũ cán bộ của Đảng, Nhà nước và toàn dân: “Phải hiểu rằng không có công tác gì vẻ vang bằng việc chăm nom bồi dưỡng cho các cháu là những người chủ tương lai của nước nhà”[7]. Người xác định đây là một sự nghiệp vô cùng hệ trọng của xã hội, là công việc quyết định vận mệnh của nước nhà… Nhân ngày Quốc tế Thiếu nghị 1-6, năm 1969, trước lúc “đi xa”, Người đã căn dặn đối với các thế hệ lãnh đạo, quản lý và toàn dân ta:“chăm sóc và giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân”[8].
Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định phương châm tiến hành công tác chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng “phải làm kiên trì, bền bỉ”; “phải đạt kết quả tốt và thiết thực”; không làm theo lối phong trào, mà phải bền chặt, gắn liền với đời sống và công tác của mỗi địa phương và khu dân cư. Các biện pháp thực hiện phải đa dạng và phong phú, từ gia đình đến nhà trường, tổ chức và xã hội. Trước hết, phải làm thật tốt từ gia đình, nơi có ông bà, cha mẹ, anh chị đã sinh ra, nuôi dưỡng và dạy dỗ các cháu. Tiếp đó là, các đảng ủy đường phố và hợp tác xã phải phụ trách chỉ đạo thiết thực và thường xuyên công tác thiếu niên, nhi đồng. Cùng với đó là Ủy ban thiếu niên, nhi đồng, Đoàn Thanh niên, ngành giáo dục, các thầy cô và các ngành, các đoàn thể cần phải có kế hoạch cụ thể chăm sóc, giáo dục các cháu càng ngày càng khỏe mạnh và tiến bộ. Sau là, các Tỉnh ủy, Thành ủy cần phải phụ trách đôn đốc việc này cho có kết quả tốt.
Không chỉ bằng lời nói, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thường xuyên quan tâm, gửi thư khen và cổ vũ những tấm gương trẻ em, người khuyết tật cố gắng phấn đấu vươn lên trong cuộc sống; biểu dương, cổ vũ những địa phương đã làm tốt công tác thiếu niên, nhi đồng, quan tâm chăm lo đến trẻ em và người khuyết tật. Ví như, năm 1968, Bác đã có thư khen, trong đó, Bác mong các nơi khác học tập xã Đình Cao về việc chăm sóc tốt các cụ già, các cháu mồ côi và những đồng bào tàn tật…
Thấm nhuần lời dạy, nhất là những tư tưởng và tấm gương của Hồ Chí Minh về chăm lo trẻ em, nhất là với trẻ em tàn tật, những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quan tâm của Chính phủ và các cấp chính quyền địa phương và toàn dân, công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em ở nước ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực; nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, gia đình và xã hội; tổ chức bộ máy, chính sách, nguồn lực, hệ thống y tế, giáo dục, vui chơi, giải trí, các dịch vụ xã hội được tăng cường, đáp ứng cơ bản yêu cầu chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em; quyền trẻ em và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, gặp khó khăn trong cuộc sống được quan tâm. Công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành, đoàn thể, gia đình, nhà trường và xã hội ngày càng chặt chẽ, hiệu quả. Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao trong việc thực hiện các cam kết quốc tế liên quan đến trẻ em.
Nhân ngày Quốc tế thiếu nhi 1-6 và Tháng hành động vì trẻ em, thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15-5-2016, của Bộ Chính trị khóa XII, về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; quán triệt Chỉ thị 28-CT/TW ngày 25/12/2023 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta cần nỗ lực hiện thực hóa những khát vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với thiếu niên, nhi đồng, nhất là đối với những trẻ em bị tàn tật hay do hoàn cảnh đem lại. Hãy quan tâm hơn nữa, tạo điều kiện và huy động mọi nguồn lực để trẻ em có một mùa hè an toàn, lành mạnh. Tổ chức tốt việc phối hợp giữa nhà trường, gia đình, chính quyền và khu dân cư trong quản lý, giám sát, hướng dẫn trẻ em vui chơi lành mạnh, bổ ích; chú trọng phòng ngừa tai nạn thương tích, nhất là tai nạn đuối nước xảy ra trong dịp hè đối với trẻ em. Mỗi cấp ủy đảng, tổ chức, người dân và cả cộng đồng bằng việc làm cụ thể, thiết thực, hãy chung tay, góp sức phấn đấu thực hiện “Vì một xã hội không bạo lực, không xâm hại trẻ em”, tạo cho trẻ em có môi trường sống lành mạnh, an toàn, nhằm tạo ra thế hệ tương lai của đất nước, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong thời kỳ mới./.
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 11, tr.401.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 3, tr.243.
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 15, tr.579.
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 12, tr.286.
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 3, tr.632.
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 3, tr.240.
[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 9, tr.499.
[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 15, tr.579.