(SKTE) Theo báo cáo của Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam đến ngày 31/12/2023, nước ta có khoảng 7,06 triệu người khuyết tật, trong đó trẻ em có 28,3% tương đương khoảng 2 triệu cháu là đối tượng phục vụ của Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam.
Ngày 4/12/1993, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 590/TTg cho phép thành lập Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam với chức năng nhiệm vụ: vận động tập hợp sự ủng hộ giúp đỡ, tài trợ của các tổ chức tập thể, cá nhân, của toàn xã hội để tổ chức khám chữa bệnh, chữa tật, hỗ trợ phục hồi chức năng cho trẻ em khuyết tật trên cả nước, giúp các em có điều kiện thuận lợi sống hòa nhập bình đẳng với cộng đồng.
Khi mới thành lập Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam có 24 Trung tâm, 9 Nhà cứu trợ tại các tỉnh, thành trên cả nước. Cách tổ chức này đã đáp ứng nguyện vọng của các gia đình có trẻ em khuyết tật nên được họ rất hoan nghênh, chính quyền các địa phương rất ủng hộ. Đến nay Hội đã có 50 Trung tâm, Nhà Cứu trợ và nhiều chi hội thuộc TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Phú Yên với gần 3 nghìn hội viên chính thức và hàng trăm hội viên liên kết, hội viên danh dự.
Với đặc điểm của Hội là dùng số tiền, vật tư y tế quyên góp được, Hội thành lập các cơ sở tiếp nhận chữa bệnh, chữa tật, phục hồi chức năng dạy chữ, dạy nghề, tạo việc làm cho trẻ em khuyết tật đặt ngay ở quận, huyện, thị xã (với tên gọi Trung tâm) và ở xã phường (với tên gọi Nhà Cứu trợ) ở những địa phương có nhiều trẻ em khuyết tật để buổi sáng các gia đình có thể đưa các em đến các cơ sở Hội, chiều lại đón về, tạo điều kiện để trẻ em khuyết tật trong mọi hoàn cảnh đều có thể thụ hưởng sự quan tâm chăm sóc của Hội và toàn xã hội. Một số Trung tâm và Nhà Cứu trợ tiêu biểu của Hội như Trung tâm Sao Mai, Vì Ngày Mai, Hoa Anh Đào, Nam Định, Hương Giang, Thanh Hóa, Hy Vọng, Hương Ban Mai…
Định hướng phát triển của Hội là tiếp tục vận động phát triển hội viên, tổ chức xây dựng chi hội vững mạnh, phấn đấu đến hết năm 2027 có 120 tổ chức chi hội thuộc Trung ương Hội với khoảng 1 vạn hội viên.
Các cấp Hội, hội viên và tình nguyện viên, cá nhân tiêu biểu tham hoạt động Hội là một nét đặc thù của tổ chức Hội, khác với các tổ chức khác, do tính chất, vị trí, vai trò và chức năng của tổ chức Hội ta quy định. Việc tìm ra những giải pháp cụ thể nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng và phát huy vai trò của các cấp Hội, hội viên, tình nguyện viên trong công tác trợ giúp trẻ em khuyết tật là vấn đề có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc góp phần thiết thực nâng cao vị trí, vai trò của Hội trong thời kì đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế hiện nay.
Vậy các giải pháp đó là:
Một là, tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác khám chữa bệnh, chữa tật, hỗ trợ phục hồi chức năng, dạy chữ, dạy nghề, hướng nghiệp, tạo việc làm cho trẻ em khuyết tật từ đó xã hội ghi nhận và tham gia đông đủ hơn vào công tác nhân đạo này.
Hai là, xây dựng kế hoạch, mở các lớp học bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ hội viên hàng ngày trực tiếp điều trị, chăm sóc, phục hồi chức năng cho trẻ em tàn tật.
Ba là, tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá về Hội, về trẻ em tàn tật và phương pháp đề phòng, phát hiện sớm để xử trí sớm giúp trẻ em khuyết tật phục hồi chức năng. Vận động các gia đình đưa trẻ em tàn tật đến điều trị tại các cơ sở của Hội. Kết hợp tăng cường vận động tài trợ, xây dựng nguồn tài chính thực hiện các nhiệm vụ của Hội.
Bốn là, đẩy mạnh phong trào thi đua “Xây dựng đơn vị an toàn với trẻ em khuyết tật” trong tất cả các cơ sở thuộc Hội gắn với phong trào thi đua “Đoàn kết sáng tạo” với các tiêu chí thi đua của Cụm thi đua Các tổ chức xã hội thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Năm là, thí điểm thực hiện kế hoạch thông tin hai chiều (từ Trung ương Hội tới các Hội thành viên, các cơ sở thuộc Hội và ngược lại) bằng công nghệ thông tin (qua email hoặc website, thay thế dần sử dụng bản in và giấy). Đặc biệt là đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động Tạp chí Tình thương và Cuộc sống, các hình thức tuyên truyền khác. Đồng thời, hết sức coi trọng công tác tuyên truyền về Hội, thực hiện thông tin hai chiều bằng các hoạt động đúng, đa dạng để các cá nhân tiêu biểu đóng góp trí tuệ, kinh nghiệm, công của vào công tác Hội.
Sáu là, triển khai mạnh mẽ các phong trào, các hoạt động, các chương trình vui chơi, giải trí, trao quà cho trẻ em khuyết tật “Mái ấm cho em”, “Tết sẻ chia - Xuân yêu thương”, “Thắp sáng niềm tin cho em” nhân dịp Tết cổ truyền, Tết Thiếu nhi 1/6, Tết Trung thu nhằm giao lưu văn nghệ và trao quà cho trẻ em khuyết tật có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn.
Bảy là, tổ chức các cuộc hội thảo khoa học và thực tiễn, các cuộc hội nghị, các cuộc tập huấn để trao đổi, thảo luận đề xuất các sáng kiến, kinh nghiệm về tổ chức chuyên môn kỹ thuật ở các cơ sở.
Tám là, giữ mối liên hệ thường xuyên với các Hội, Hội viên và tình nguyện viên có đóng góp tinh thần vật chất với thái độ thân tình, tôn trọng và cởi mở như gửi thư chúc mừng, thăm hỏi, tặng quà nhân những ngày lễ tết, sinh nhật hoặc lúc họ ốm đau… Động viên khen thưởng kịp thời các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác Hội, thực hiện phê bình, khắc phục những nhược điểm, vi phạm pháp luật trong nội bộ Hội có lý có tình.
Chín là, đối với Trung ương Hội phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa phương thức hoạt động. Xác định rõ mục tiêu hoạt động hàng quý, hàng năm để phấn đấu và chỉ đạo các cơ sở; Tổ chức và quản lý các cấp hội, hội viên thật chu đáo, đầy đủ; Xây dựng và phát triển đội ngũ hội viên tình nguyện viên xuất sắc; Kiểm soát và đánh giá hiệu quả công tác trợ giúp hàng năm; Chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi từ các tổ chức Hội khác và cộng đồng liên quan; Nhân rộng các điển hình tiên tiến trong Hội tới tất cả các địa phương; Lãnh đạo và cán bộ Trung ương Hội tích cực đi cơ sở hướng dẫn động viên; Lập nhóm zalo của Trung ương Hội và các thành viên để chỉ đạo trao đổi công tác và kinh nghiệm lẫn nhau./.