1. Khái niệm trẻ em khuyết tật và quyền của trẻ em khuyết tật
Trẻ em khuyết tật là những trẻ bị khiếm khuyết về mặt cấu trúc cơ thể, hay bị suy giảm về các chức năng của bản thân, do đó, trẻ bị hạn chế các khả năng hoạt động, cũng như khó khăn trong quá trình sinh hoạt và học tập, vụ chơi, lao động[1]. Các dạng khuyết tật ở trẻ gồm: Khuyết tật thính giác (khiếm thính), khuyết tật thị giác (khiếm thị), khuyết tật vận động, khuyết tật ngôn ngữ, khuyết tật trí tuệ và đa tật.
Trên phạm vi quốc gia cũng như quốc tế, hầu hết vẫn chưa đưa ra được một khái niệm thống nhất về quyền của trẻ em khuyết tật, có chăng chỉ gợi mở theo hướng liệt kê các quyền của trẻ em khuyết tật. Vì vậy, để đưa ra được khái niệm về quyền của trẻ em khuyết tật cần dựa trên các khái niệm về quyền, quyền con người, quyền trẻ em và quyền của người khuyết tật. Theo đó, quyền của trẻ em khuyết tật có thể được hiệu là một bộ phận của quyền con người, có quan hệ chặt chẽ với quyền con người. Theo đó, trẻ em khuyết tật được hưởng đầy đủ các quyền tự nhiên vốn có, trẻ được thực hiện hoặc không thực hiện các hoạt động một các tự nguyện mà không ai được phép cản trở, xâm phạm hay phân biệt đối xử chỉ vì lý do khuyết tật của trẻ.
2. Các quyền của trẻ em khuyết tật theo Công ước của Liên Hợp quốc và pháp luật Việt Nam hiện nay
2.1. Quyền của trẻ em khuyết tật theo Công ước của Liên Hợp quốc về quyền của người khuyết tật
Công ước của Liên Hợp quốc về quyền của người khuyết tật (Công ước) được Đại hội đồng Liên Hợp quốc thông qua ngày 13/12/2006, là công ước quốc tế toàn diện nhất về bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khuyết tật. Theo đó, Công ước có nhiều những quy định riêng liên quan đến trẻ em khuyết tật nhằm bảo đảm việc trẻ em khuyết tật được hưởng tất các các quyền của mình như bao trẻ em bình thường khác và còn được hưởng những lợi ích tối ưu của trẻ khuyết tật, cụ thể như sau:
- Điều 3 quy định: Tôn trọng khả năng phát triển của trẻ em khuyết tật và tôn trọng quyền của trẻ em khuyết tật trong việc bảo tồn bản sắc của trẻ em.
- Tại Điều 7 quy định về trẻ em khuyết tật như sau: (i) Các quốc gia thành viên của Công ước này cam kết thực hiện những biện pháp cần thiết để bảo đảm trẻ em khuyết tật được hưởng thụ đầy đủ quyền con người và các quyền tự do cơ bản như những trẻ em khác; (ii) Trong tất cả các hoạt động có liên quan tới trẻ em khuyết tật, thì những lợi ích tối ưu nhất của một trẻ khuyết tật phải được quan tâm hàng đầu; (iii) Các quốc gia thành viên của Công ước này cam kết bảo đảm trẻ em khuyết tật có quyền tự do bày tỏ ý kiến của mình về tất cả các vấn đề có liên quan tới trẻ em, quan điểm của các em sẽ được xem xét một cách thích đáng phù hợp với lứa tuổi và sự chín chắn của các em, giống như các trẻ em khác và sẽ có những hỗ trợ phù hợp với lứa tuổi và tình trạng khuyết tật để có thể thực hiện được quyền đó.
- Điều 8 quy định: Khuyến khích thái độ tôn trọng quyền của người khuyết tật ở tất cả các cấp trong hệ thống giáo dục, bao gồm cả trẻ em ở mọi lứa tuổi (khoản 2, mục b).
- Điều 18 quy định: Trẻ em khuyết tật phải được đăng ký khai sinh ngay sau khi sinh ra và có quyền được đặt tên từ khi sinh ra, có quyền nhập quốc tịch, và trong khả năng tối đa có quyền được biết cha mẹ mình là ai và được cha mẹ chăm sóc (khoản 2).
- Điều 23 quy định về quyền được tôn trọng gia đình và tổ ấm cụ thể như sau: (i) Người khuyết tật kể cả trẻ em có quyền duy trì khả năng sinh sản của họ, trên cơ sở bình đẳng như người khác; (ii) Trong mọi trường hợp thì lợi ích tối ưu nhất của trẻ em sẽ được ưu tiên hàng đầu, các quốc gia thành viên của Công ước này cam kết đưa ra những hỗ trợ phù hợp cho người khuyết tật trong việc thực hiện nghĩa vụ nuôi dạy con cái; (iii) Các quốc gia thành viên của Công ước này cam kết bảo đảm trẻ em khuyết tật có quyền bình đẳng đối xử với cuộc sống gia đình, nhằm thừa nhận những quyền này và ngăn ngừa sự giấu diếm, cấm đoán, ruồng bỏ và cách ly trẻ em khuyết tật, các quốc gia thành viên của Công ước này cam kết cung cấp các thông tin và dịch vụ hỗ trợ đầy đủ, kịp thời cho trẻ em khuyết tật và gia đình trẻ em khuyết tật; (iv) Trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng không được phép cách ly một đứa trẻ khỏi bố mẹ vì lý do khuyết tật của trẻ đó hoặc của một trong hai hoặc của hai bố mẹ; (v) Các quốc gia thành viên của Công ước này cam kết nỗ lực để có giải pháp chăm sóc thay thế trẻ em khuyết tật trong một gia đình lớn hơn… khi mà gia đình của trẻ khuyết tật không thể chăm sóc và nuôi dưỡng các em.
- Khoản 2 Điều 24 quy định: Người khuyết tật không bị loại khỏi hệ thống giáo dục chung vì lý do bị khuyết tật vì rằng trẻ em khuyết tật không bị loại trừ khỏi chương trình giáo dục tiểu học miễn phí và bắt buộc hoặc chương trình trung học cơ sở vì lý do bị khuyết tật;
- Khoản 5 mục d Điều 30 quy định: Bảo đảm rằng trẻ em khuyết tật được tiếp cận bình đẳng như những đứa trẻ khác vào các hoạt động thể thao, vui chơi, giải trí, kể cả các hoạt động thể thao, vui chơi giải trí trong hệ thống giáo dục.
Như vậy, Công ước đã nêu rõ một số quyền đặc biệt của trẻ em khuyết tật, đồng thời quy định nghĩa vụ của các quốc gia thành viên Công ước trong việc thực hiện các cam kết nhằm bảo đảm các quyền lợi của trẻ em khuyết tật.
2.2. Các quyền của trẻ em khuyết tật theo pháp luật Việt Nam hiện nay
Trên cơ sở ghi nhận sự bình đẳng, không phân biệt đối xử trong Hiến pháp và các văn bản quy phạm pháp luật, trẻ em khuyết tật sẽ được hưởng tất cả các quyền mà pháp luật quy định. Theo đó, Điều 35 Luật Trẻ em năm 2016 về quyền của trẻ em khuyết tật quy định: “Trẻ em khuyết tật được hưởng đầy đủ các quyền của trẻ em và quyền của người khuyết tật theo quy định của pháp luật; được hỗ trợ, chăm sóc, giáo dục đặc biệt để phục hồi chức năng, phát triển khả năng tự lực và hòa nhập xã hội”. Dưới đây là phân tích về một số quyền tiêu biểu của trẻ em khuyết tật.
Thứ nhất, về quyền được giáo dục:
Ngay trong Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định Nhà nước ta luôn “tạo điều kiện để người khuyết tật và người nghèo được học văn hóa và học nghề”. Theo đó, trẻ em khuyết tật cũng có quyền được giáo dục như các trẻ em bình thường khác và được hưởng đầy đủ quyền này mà không có bất kỳ một sự phân biệt đối xử nào. Có thể thấy, trẻ khuyết tật cũng có nhu cầu học tập nhưng do khiếm khuyết cơ thể nên việc học tập của trẻ trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Vì vậy, Nhà nước ta luôn tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ khuyết tật được học tập thông qua các quy định riêng biệt mang tính ưu tiên dựa trên cơ sở khắc phục khiếm khuyết của trẻ như: Được nhập học ở độ tuổi cao hơn so với độ tuổi quy định đối với giáo dục phổ thông; được miễn, giảm học phí, chi phí đào tạo; được xét cấp học bổng, hỗ trợ phương tiện, đồ dùng học tập…
Tuy nhiên, do mỗi trẻ khuyết tật lại có những khiếm khuyết khác nhau nên Luật Người khuyết tật năm 2010 cũng đưa ra ba phương thức giáo dục khác nhau giành riêng cho trẻ em khuyết tật do ba, mẹ hoặc người giám hộ lựa chọn dựa trên sự phù hợp với cá nhân trẻ khuyết tật, đó là: Giáo dục hòa nhập, giáo dục bán hòa nhập và giáo dục chuyên biệt. Với các quy định như vậy, có thể thấy về cơ bản pháp luật Việt Nam phù hợp với quy định của pháp luật quốc tế.
Thứ hai, về quyền được hưởng bảo trợ xã hội: Bảo trợ xã hội là sự giúp đỡ của Nhà nước, xã hội và cộng đồng dành cho các đối tượng gặp phải rủi ro, bất hạnh vì nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến không đủ khả năng tự lo liệu cho cuộc sống tối thiểu của bản thân và gia đình. Trẻ khuyết tật là một trong các nhóm đối tượng đó. Vì vậy, Luật Người khuyết tật năm 2010 đã dành riêng Chương VIII để quy định về nội dung bảo trợ xã hội cho người khuyết tật nói chung và trẻ em khuyết tật nói riêng. Theo đó, chế độ bảo trợ xã hội cho trẻ em khuyết tật chủ yếu bao gồm: Chế độ trợ cấp, hỗ trợ cho trẻ khuyết tật và chế độ nuôi dưỡng trẻ khuyết tật tại các cơ sở bảo trợ xã hội.
Thứ ba, về quyền được chăm sóc sức khỏe:
Theo quy định tại Điều 14 Luật Trẻ em năm 2016 và tinh thần của Luật Người khuyết tật năm 2010 thì nội dung chế độ chăm sóc sức khỏe cho trẻ em khuyết tật gồm ba hoạt động sau: Chăm sóc sức khỏe ban đầu; khám, chữa bệnh và phục hồi chức năng.
Đối với hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu: Theo quy định tại Điều 21 Luật Người khuyết tật năm 2010, trẻ khuyết tật được giáo dục, tuyên truyền, phổ biến kiến thức về chăm sóc sức khỏe; được tham gia chương trình giáo dục đặc biệt; được thực hiện các biện pháp phòng ngừa và can thiệp sớm nhằm nhận ra dấu hiệu sớm nhất của khuyết tật để kịp thời chuẩn đoán và điều trị có hiệu quả.
Đối với hoạt động khám, chữa bệnh: Trẻ khuyết tật được tạo điều kiện để thực hiện quyền khám chữa bệnh một cách bình đẳng, được ưu tiên khám, chữa bệnh dưới các hình thức như miễn phí, giảm phí, ưu tiên về thứ tự khám, chữa bệnh…
Đối với hoạt động phục hồi chức năng: Đây là nội dung đặc thù và đặc biệt quan trọng dành riêng cho trẻ em khuyết tật. Trẻ khuyết tật có thể phục hồi thông qua các cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng như: Viện chỉnh hình, phục hồi chức năng; Trung tâm chỉnh hình, phục hồi chức năng…; phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng - Đây là hình thức phục hồi mà trẻ có thể thực hiện ngay tại nơi với những người mà trẻ khuyết tật cùng sinh sống nhằm tạo sự bình đẳng về cơ hội và hòa nhập cộng đồng cho trẻ.
Thứ tư, quyền được tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí:
Điều 4 Luật Người khuyết tật năm 2010 cũng khẳng định: Trẻ khuyết tật có quyền tham gia bình đẳng vào các hoạt động xã hội, được tiếp cận các dịch vụ văn hóa, thể thao, du lịch… phù hợp với dạng tật và mức độ tiếp cận. Trẻ khuyết tật có thể tham gia vào các hoạt động này trên hai phương diện: Thưởng thức các hoạt động do người khác thực hiện hoặc chính bản thân họ chủ động thực hiện các hoạt động tập luyện, biểu diễn, sáng tác, thi đấu thể thao… Có thể thấy, việc thưởng thức các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí giúp cho trẻ khuyết tật có cơ hội mở mang trí tuệ, nhận thức, tăng cường sự hiểu biết, tích lũy kinh nghiệm sống, góp phần cải thiện đời sống tinh thần của trẻ. Còn việc tham gia trực tiếp vào các hoạt động xã hội sẽ giúp trẻ khuyết tật cải thiện sức khỏe, giải tỏa căng thẳng, rèn luyện cho trẻ các kỹ năng như: Khéo léo, dẻo dai…
Quyền được tham gia vào các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí của trẻ khuyết tật là một trong những quyền đặc biệt quan trọng. Nhờ đó, trẻ khuyết tật có cơ hội được tiếp xúc, giao lưu, bộc lộ khả năng để khẳng định mình, nhanh chóng hòa nhập cộng đồng.
Như vậy, trẻ em khuyết tật ngoài được hưởng các quyền trẻ em quy định tại Mục 1, Chương II, Luật Trẻ em năm 2016 thì còn được hưởng một số quyền của người khuyết tật và được nhận sự hỗ trợ, chăm sóc đặc biệt để phục hồi chức năng, hòa nhập cộng đồng.
3. Một số giải pháp bảo đảm quyền của trẻ em khuyết tật
Trong quá trình triển khai thi hành Luật Trẻ em năm 2016 và Luật Người khuyết tật năm 2010, công tác bảo đảm quyền của trẻ em khuyết tật đã được Đảng, Nhà nước và xã hội thật sự quan tâm, tạo điều kiện và đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn tồn tại những hạn chế, khó khăn, thách thức. Nguyên nhân của những hạn chế này là do: (i) Bản thân trẻ khuyết tật do những khiếm khuyết trên cơ thể nên gặp khó khăn trong việc truyền tải nhu cầu, mong muốn của bản thân mình tới cộng đồng; (ii) Công tác vận động, tuyên truyền cho cá nhân, tổ chức, xã hội cho chính trẻ khuyết tật và gia đình trẻ còn chưa mạnh mẽ, chưa sâu rộng dẫn đến tình trạng nhiều trẻ khuyết tật, gia đình có trẻ khuyết tật ở vùng sâu, vùng xa vùng nông thôn, miền núi còn chưa biết đến nội dung những chính sách, ưu đãi dành cho bản thân trẻ khuyết tật; (iii) Ngân sách nhà nước đầu tư cho trẻ em khuyết tật còn hạn chế, gặp nhiều khó khăn trong việc phân bổ ngân sách trung ương, huy động ngân sách địa phương; (iv) Hệ thống pháp luật về quyền của trẻ em khuyết tật chưa thực sự hoàn thiện, có nhiều nội dung của luật đã không còn phù hợp với hoàn cảnh thực tế của trẻ em khuyết tật hiện nay; (v) Chính quyền địa phương các cấp, các ngành chưa dành sự quan tâm đúng mức đến nhóm đối tượng này, vì thế, tình trạng trẻ khuyết tật bị phân biệt đối xử, bị miệt thị, lạm dụng, bạo lực, lãng quên vẫn xảy ra gây nhiều khó khăn cho quá trình bảo vệ quyền và lợi ích của trẻ khuyết tật.
Do đó, việc bảo đảm quyền của trẻ em khuyết tật đang đặt ra nhiều thách thức và cần đưa ra những giải pháp hoàn thiện. Dưới đây là một số giải pháp cần áp dụng trong thời gian tới để nâng cao việc bảo vệ quyền của trẻ em khuyết tật, cụ thể:
Một là, tích cực thể chế hóa quan điểm của Đảng, chính sách của Nhà nước về trẻ em khuyết tật; công tác chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện Luật Người khuyết tật năm 2010.
Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan trung ương và các địa phương cần thực hiện tốt và đồng bộ công tác chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện Luật Người khuyết tật năm 2010 và các quy định khác về trẻ em khuyết tật. Các bộ, ngành và các địa phương cần quan tâm kịp thời ban hành các văn bản, quyết định cá biệt để xử lý và hướng dẫn xử lý những vấn đề bức xúc, vướng mắc hoặc tháo gỡ những khó khăn; đồng thời duy trì tốt công tác phối hợp giữa các bộ, ngành trong việc tổ chức thực hiện chính sách đối với trẻ em khuyết tật. Đây là điều kiện quan trọng góp phần thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về người khuyết tật, trẻ em khuyết tật. Hằng năm, các cơ quan, bộ, ngành cần tổ chức kiểm tra việc thực hiện chính sách đối với trẻ em khuyết tật ở các địa phương, các cơ sở chăm sóc trẻ em khuyết tật.
Hai là, tăng cường xây dựng, hoàn thiện pháp luật về trẻ em khuyết tật.
Cần cân nhắc sửa đổi, bổ sung Luật Người khuyết tật năm 2016 theo hướng quy định riêng về quyền của trẻ em khuyết tật vì đây là đối tượng đặc thù, rất dễ bị tổn thương. Ngoài ra, cần ban hành những văn bản dưới Luật nhằm cụ thể hóa các chính sách của Đảng và Nhà nước dành cho nhóm đối tượng này. Những văn bản đó tập trung hướng vào các chính sách dành cho trẻ em khuyết tật trong các lĩnh vực như: Giáo dục, sức khỏe, bảo trợ xã hội… thông qua việc tham khảo ý kiến của chính trẻ và gia đình có trẻ khuyết tật để bảo đảm đáp ứng đúng đầy đủ, chính xác nhu cầu, mong muốn của trẻ em khuyết tật.
Bên cạnh đó, pháp luật cũng cần có những quy định về chế tài cụ thể đối với những hành vi vi phạm quyền của trẻ em khuyết tật. Tùy vào mức độ và đối tượng vi phạm mà các biện pháp chế tài đó phải bảo đảm tính phù hợp, đa dạng, linh hoạt đủ tính nghiêm khắc, răn đe đối với các hành vi vi phạm quyền của trẻ em khuyết tật.
Ba là, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về việc bảo đảm quyền của trẻ em khuyết tật.
Việc tuyên truyền này phải được thực hiện với quy mô rộng lớn trên phạm vi cả nước, chú trọng vào các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Đối tượng hướng đến là tất cả cá nhân, cơ quan, tổ chức trong xã hội, từ đó thúc đẩy sự quan tâm, chia sẻ, có hành động thiết thực để chăm sóc, bảo vệ, giáo dục nhóm trẻ em khuyết tật. Hơn nữa, công tác tuyên truyền còn giúp trẻ khuyết tật và gia đình có trẻ khuyết tật xóa đi mặc cảm tự ti, tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội. Từ đó, thay đổi suy nghĩ của mọi người về trẻ em khuyết tật, hình thành ý thức tôn trọng, coi trẻ em khuyết tật là chủ thể bình đẳng như những trẻ em bình thường khác. Đây là nội dung đặc biệt quan trọng, nhờ đó trẻ khuyết tật sẽ nhận được cái nhìn thông cảm, sẻ chia, giúp đỡ từ cộng đồng, tạo động lực cho các em phấn đấu vượt qua mặc cảm, tự ti, nhành chóng hòa nhập công đồng.
Bốn là, tăng cường biện pháp huy động sự tham gia của người dân, đặc biệt chính bản thân gia đình có trẻ em khuyết tật vào việc bảo vệ quyền của trẻ em khuyết tật[2].
Đảng và Nhà nước ta cần có chính sách khuyến khích tạo điều kiện cho người dân tham gia vào mọi hoạt động trợ giúp trẻ em khuyết tật, các đề án về trợ giúp trẻ em khuyết tật. Đặc biệt là sự phối hợp của gia đình có người khuyết tật và trẻ em khuyết tật từ việc xác định đối tượng, đến việc lập kế hoạch triển khai thực hiện ở xã, phường, thị trấn để quản lý nguồn lực, giám sát, đánh giá. Gia đình được xem là nơi đầu tiên và cũng là nơi đóng vai trò quan trọng nhất trong việc hỗ trợ trẻ em khuyết tật khắc phục khó khăn, vươn lên tạo lập cuộc sống, hòa nhập cộng đồng. Vì vậy, bên cạnh chính sách hỗ trợ trực tiếp cho trẻ em khuyết tật cần phải hướng tới việc hỗ trợ cho hộ gia đình có trẻ em khuyết tật, nhằm giúp cho đối tượng này được chăm sóc tốt hơn, qua đó lợi ích của trẻ em khuyết tật được bảo đảm một cách bền vững và lâu dài.
Ngoài ra, để trẻ em khuyết tật có thể hưởng đầy đủ các quyền như trẻ em bình thường khác và hòa nhập với gia đình, cộng đồng và xã hội theo đúng khả năng của mình cần xây dựng những trung tâm chăm sóc trẻ em khuyết tật theo mô hình tổng hợp đan xen các hoạt động bao gồm: Hoạt động giáo dục đặc biệt, giáo dục chuyên biệt, giáo dục hòa nhập; hướng nghiệp và đào tạo nghề, chăm sóc y tế; phục hồi chức năng, hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao; chăm sóc nuôi dưỡng để các em có kỹ năng sống, có một nghề để tái hòa nhập với gia đình, cộng đồng và trở thành những thành viên có ích cho xã hội./.