Thứ Ba, 22/07/2025 10:29 (GMT+7)
Khám sức khỏe tiền hôn nhân:

Vì tương lai trọn vẹn của mỗi gia đình và thế hệ trẻ

Trong xã hội hiện đại, nhận thức về sức khỏe ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, việc khám sức khỏe tiền hôn nhân - một khâu chuẩn bị quan trọng trước khi bước vào cuộc sống gia đình vẫn chưa nhận được sự quan tâm đúng mức từ nhiều bạn trẻ.
Ảnh đại diện tin bài

Khám sức khỏe tiền hôn nhân là nền tảng quan trọng để xây dựng một cuộc sống gia đình hạnh phúc.

Một bước chuẩn bị cần thiết

Nhiều người vẫn quan niệm sai lầm rằng, chăm sóc sức khỏe tiền hôn nhân hay sức khỏe sinh sản chỉ cần thiết với phụ nữ đã lập gia đình hoặc chuẩn bị mang thai. Thế nhưng theo các chuyên gia y tế, khám sức khỏe tiền hôn nhân nên được thực hiện từ 3 - 6 tháng trước khi kết hôn. Đây là giai đoạn lý tưởng để các cặp đôi có thể chủ động chuẩn bị về mặt sức khỏe, tâm lý và lên kế hoạch sinh con một cách an toàn, khoa học.

Khám sức khỏe tiền hôn nhân không chỉ đơn thuần là kiểm tra khả năng sinh sản mà còn bao gồm nhiều bước quan trọng như khám lâm sàng tổng quát, xét nghiệm máu, đánh giá chức năng gan, thận, kiểm tra các bệnh lây truyền qua đường tình dục, tầm soát bệnh di truyền... Qua đó, bác sĩ có thể phát hiện những bất thường tiềm ẩn và tư vấn các phương án xử lý kịp thời.

Theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm có gần 41.000 trẻ em sinh ra mắc các bệnh lý di truyền hoặc dị tật bẩm sinh. Điều đáng lưu ý là phần lớn các cặp vợ chồng có con bị bệnh vẫn tưởng mình hoàn toàn khỏe mạnh nhưng thực tế họ mang gen bệnh lặn. Nếu không có sự sàng lọc, xét nghiệm và tư vấn trước hôn nhân, nguy cơ sinh con mắc bệnh di truyền hoặc dị tật sẽ tăng cao gây ra những hậu quả nặng nề về sức khỏe và tâm lý cho cả gia đình.

TS, bác sĩ Phan Chí Thành (Bệnh viện Phụ sản trung ương) nhấn mạnh, mục tiêu đầu tiên của khám tiền hôn nhân là bảo đảm cho các cặp đôi có thể sinh ra những đứa trẻ khỏe mạnh, tránh các trường hợp thai dị tật, sảy thai, thai lưu. Mục tiêu thứ hai là bảo vệ sức khỏe toàn diện của vợ chồng và mục tiêu thứ ba dù ít được đề cập nhưng rất quan trọng, đó là chuẩn bị tốt cho đời sống tình dục - một yếu tố ảnh hưởng sâu sắc đến hạnh phúc hôn nhân.

“Bỏ qua khâu khám sức khỏe tiền hôn nhân có thể dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. Có những phụ nữ mới ngoài 25 tuổi nhưng đã bị suy buồng trứng sớm do rối loạn nội tiết trong tuổi dậy thì không được điều trị. Có những cặp đôi cưới nhau 2 - 3 năm vẫn không có con, đến khi đi khám mới phát hiện tắc vòi trứng do viêm nhiễm phụ khoa hoặc phá thai không an toàn trước đó. Nhiều bạn trẻ phá thai liên tiếp vì chủ quan, đến lúc muốn có con thì khả năng mang thai tự nhiên không còn…” - TS, bác sĩ Phan Chí Thành dẫn chứng.

Hành động vì một thế hệ khỏe mạnh

Dù còn không ít rào cản nhưng tại Hà Nội, tỉ lệ các cặp đôi đi khám sức khỏe tiền hôn nhân đang tăng lên rõ rệt. Theo báo cáo của Chi cục Dân số, Trẻ em và Phòng chống tệ nạn xã hội Hà Nội, năm 2022 chỉ có 31,9% thanh niên đi nghe tư vấn, khám sức khỏe trước hôn nhân thì đến năm 2023, con số này đã tăng lên 53,7% và năm 2024 là 69,2%. Riêng 6 tháng đầu năm 2025, tỉ lệ này đã đạt đến 82% - một bước tiến gần chạm mục tiêu 85% mà ngành Dân số Thủ đô đề ra.

Tuy nhiên, để duy trì và lan tỏa tỉ lệ này ra các địa phương khác trên cả nước cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa truyền thông, chính quyền và hệ thống y tế. Bác sĩ Mai Xuân Phương, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông - Giáo dục, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (nay là Cục Dân số, Bộ Y tế) cho rằng, rào cản lớn nhất hiện nay không phải là chi phí mà nằm ở nhận thức của giới trẻ. Nhiều bạn trẻ chưa hiểu hết lợi ích của khám tiền hôn nhân hoặc không biết phải đi đâu để khám, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Ngoài ra, áp lực công việc, sự ngại ngần chia sẻ về các vấn đề sức khỏe cá nhân cũng là lý do khiến nhiều người bỏ qua cơ hội kiểm tra sức khỏe trước khi cưới. Chính những hạn chế này đã khiến nhiều trường hợp đáng tiếc không được phát hiện và can thiệp kịp thời gây tổn thương lớn về sức khỏe, tâm lý cho các cặp đôi.

Để nâng cao tỉ lệ khám sức khỏe tiền hôn nhân, các chuyên gia đề xuất nhiều giải pháp thực tiễn và hiệu quả. Theo ông Vũ Duy Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Dân số, Trẻ em và Phòng, chống tệ nạn xã hội Hà Nội, cần đổi mới và đa dạng hóa các hoạt động truyền thông, phù hợp với từng vùng miền, văn hóa và phong tục tập quán nhằm thu hút sự quan tâm của nhiều nhóm đối tượng khác nhau. Đồng thời, đưa nội dung khám sức khỏe tiền hôn nhân vào chương trình giáo dục giới tính trong trường học, giúp học sinh, sinh viên có kiến thức cơ bản và nhận thức đúng về vấn đề này từ khi còn trẻ. Mặt khác, tăng cường truyền thông qua mạng xã hội, nơi giới trẻ tiếp cận thông tin nhanh và nhiều nhất hiện nay. Đây là kênh hiệu quả để lan tỏa kiến thức và xóa bỏ những định kiến sai lầm.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia còn cho rằng, cần thiết lập các dịch vụ khám sức khỏe tiền hôn nhân thân thiện, dễ tiếp cận và chi phí hợp lý, giúp người dân yên tâm và thuận tiện trong việc chủ động kiểm tra sức khỏe. Tư vấn miễn phí qua điện thoại, ứng dụng y tế, các trung tâm y tế xã/phường giúp cặp đôi được giải đáp thắc mắc, định hướng đúng về việc khám tiền hôn nhân. Những giải pháp này không chỉ giúp các bạn trẻ hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của khám sức khỏe tiền hôn nhân mà còn giúp họ chủ động chuẩn bị sức khỏe một cách toàn diện trước khi bước vào hôn nhân.

“Với sự phát triển của y học hiện đại, nhiều bệnh lý có thể được phát hiện và can thiệp kịp thời nếu được tầm soát trước khi kết hôn. Việc khám sức khỏe tiền hôn nhân không chỉ giúp tiết kiệm chi phí điều trị trong tương lai mà còn là cách thể hiện sự trân trọng dành cho bản thân, người bạn đời và cả những đứa con tương lai” - ông Vũ Duy Hưng phân tích.

Khám tiền hôn nhân là bước chuẩn bị không thể thiếu cho một cuộc sống gia đình khỏe mạnh, an toàn và bền vững. Sự gia tăng tích cực tỉ lệ khám trước hôn nhân tại các thành phố lớn như Hà Nội cho thấy tín hiệu khả quan trong nhận thức của giới trẻ. Tuy nhiên, để biến khám tiền hôn nhân trở thành thói quen phổ biến trên toàn quốc cần có sự chung tay của toàn xã hội, từ chính quyền, ngành Y tế đến từng cá nhân. Một gia đình hạnh phúc bắt đầu từ sự chuẩn bị chu đáo và sức khỏe tiền hôn nhân chính là nền móng vững chắc nhất để xây dựng tương lai trọn vẹn, góp phần nâng cao chất lượng dân số.

Xuân Lộc (hanoimoi.vn )
Bạo lực gia đình từ việc xâm phạm quyền nhân thân của trẻ em trên mạng Pháp luật vẫn còn khoảng trống
Bạo lực gia đình từ việc xâm phạm quyền nhân thân của trẻ em trên mạng: Pháp luật vẫn còn 'khoảng trống'

Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, mạng xã hội, cùng sự quan tâm của công chúng tới đời tư, hình ảnh trẻ em đã khiến không ít vụ việc xâm phạm quyền riêng tư, danh dự trẻ em nhức nhối nhiều năm qua. Đáng nói, trong hệ thống pháp luật Việt Nam hiện hành, đặc biệt là Luật Trẻ em 2016 và Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022, vẫn còn tồn tại không ít khoảng trống khiến quyền trẻ em vẫn chưa được bảo vệ đầy đủ và hiệu quả.

Việt Nam đạt được nhiều tiến bộ đáng kể trong nâng cao tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ em
Việt Nam đạt được nhiều tiến bộ đáng kể trong nâng cao tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ em

(SKTE)- Ngày 16/7, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam thông tin, số liệu ước tính về tỷ lệ tiêm chủng bao phủ quốc gia (WUENIC) ở Việt Nam do hai tổ chức trên thu thập và công bố cho thấy Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ đáng kể trong công tác bảo vệ trẻ em khỏi các bệnh phòng ngừa được bằng vaccine.

Xác lập mô hình tăng trưởng mới cho Việt Nam Đẩy mạnh khoa học công nghệ, phát triển kinh tế hiệu quả, bền vững
Xác lập mô hình tăng trưởng mới cho Việt Nam: Đẩy mạnh khoa học công nghệ, phát triển kinh tế hiệu quả, bền vững

(SKTE) - Sáng 15/7/2025, tại Hà Nội, Diễn đàn "Xác lập mô hình tăng trưởng mới cho Việt Nam giai đoạn giai đoạn 2026–2030, định hướng đến năm 2045", đã diễn ra. Các chuyên gia về kinh tế, doanh nghiệp, đã cùng thảo luận, đánh giá mô hình tăng trưởng kinh tế thời gian qua; đồng thời trao đổi về những nội dung, xác lập mô hình tăng trưởng mới, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số, kinh tế xanh, phát triển kinh tế hiệu quả và bền vững...

Ứng dụng công nghệ cao trong phòng cháy, chữa cháy rừng
Ứng dụng công nghệ cao trong phòng cháy, chữa cháy rừng

Ông Nguyễn Văn Nam, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ngãi thông tin, thời gian qua, hoạt động lâm nghiệp của tỉnh đạt được một số kết quả nhất định, nổi bật là công tác bảo vệ vốn rừng hiện có, duy trì độ che phủ rừng đến năm 2024 đạt hơn 59%. Cùng với đó, công tác phối hợp tuần tra, truy quét tại các điểm nóng về phá rừng, khai thác rừng, vận chuyển lâm sản trái phép được thực hiện thường xuyên nên tình hình vi phạm Luật Lâm nghiệp được kiểm soát, các vụ vi phạm được phát hiện và xử lý kịp thời.

Đang rà soát để sửa sách giáo khoa sau sáp nhập tỉnh, thành
Đang rà soát để sửa sách giáo khoa sau sáp nhập tỉnh, thành

Bộ Giáo dục và Đào tạo thông tin về việc rà soát, điều chỉnh một số nội dung trong Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) nhằm bảo đảm tính phù hợp với thực tiễn và bối cảnh sáp nhập tỉnh, thành. Các đơn vị xuất bản đang rà soát, tiến hành sửa chữa sách giáo khoa, trình Bộ thẩm định thông qua theo quy trình.

Logo Tạp chí Sức khỏe trẻ em
© Bản quyền 2024 Sức khỏe Trẻ em
Hotline: Hà Nội - (024) 37 765 156 / TP HCM - 0936813116
Logo Tạp chí Sức khỏe trẻ em
Tạp chí Sức khỏe Trẻ em
Địa chỉ: 42 Ngô Thì Nhậm, Hà Nội.
Điện thoại:  0988158008; 0971251286.
Email: suckhoetreem2024@gmail.com.
Giấy phép số 298/GP-BTTTT, ngày 6/10/2024 của Bộ Thông tin và Truyền thông.
STK: 0021000568719, Ngân hàng Vietcombank
Ghi rõ nguồn Sức khỏe Trẻ em khi phát hành lại thông tin từ website này.
Thiết kế bởi Tập đoàn Trí Nam
Tổng biên tập: TS. Trần Doãn Tiến.
Phó Tổng Biên tập: TS. Nguyễn Văn Minh.
Ủy viên Ban biên tập: Nguyễn Thanh Cao
P. Trưởng ban Thư ký tòa soạn: Lê Minh Nam.
Truyền thông - Quảng cáo: Hà Diệu Hiền , Giám đốc Trung tâm Truyền thông
Tổ chức sự kiện: Nguyễn Văn Mạnh , P. Giám đốc Trung tâm Media
Trị sự: Đoàn Thanh Hà, P. Trưởng ban Trị sự