Thứ Năm, 03/07/2025 20:39 (GMT+7)

Chưa sõi tiếng Việt đã nhồi tiếng Anh

Trong nhiều năm tư vấn cho phụ huynh khi tìm hiểu trường mầm non cho con, tôi nhận thấy: câu hỏi đầu tiên của phần lớn ba mẹ không phải về chương trình giáo dục, về các lĩnh vực cần phát triển của trẻ, mà thường là: “Trường mình song ngữ hay đơn ngữ? Có dạy tiếng Anh nhiều không?”
Ảnh đại diện tin bài

Khi tôi hỏi lại về việc vì sao tiếng Anh lại quan trọng đến vậy, một phụ huynh có con hai tuổi chia sẻ thành thực: Tôi chưa biết con mình có tiềm năng gì, chỉ sợ không cho bé học tiếng Anh sớm thì... "thua bạn thua bè".

Tâm lý này tôi gặp thường xuyên trong nhiều năm làm nghề. Tiếng Anh trở thành tiêu chí chọn trường đầu tiên; còn tiếng mẹ đẻ, khả năng chia sẻ cảm xúc, sự phát triển về nhận thức, bản sắc cá nhân, và các hoạt động giúp trẻ cảm nhận tình cảm gia đình, gìn giữ những giá trị truyền thống lại trở thành thứ yếu. Điều này khiến tôi luôn trăn trở: Phải chăng, trong nỗi lo của người lớn về "hội nhập", chúng ta đã quên rằng sự gắn kết, hạnh phúc và phát triển bền vững của trẻ vẫn bắt đầu từ chính những điều thân thuộc nhất: tiếng mẹ đẻ?

Nhưng nếu dừng lại thật sự để hỏi: ngôn ngữ dùng để làm gì?, chúng ta sẽ nhận ra, việc trẻ nhỏ nói được tiếng Anh sớm chưa chắc đã là một lợi thế, nếu ba chức năng quan trọng nhất của ngôn ngữ chưa được xây dựng đầy đủ bằng tiếng mẹ đẻ.

Ngôn ngữ không chỉ là công cụ truyền đạt thông tin. Đối với trẻ nhỏ, ngôn ngữ còn là nền tảng để hình thành bản sắc cá nhân, phát triển khả năng tư duy và tạo dựng kết nối xã hội. Ba chức năng cốt lõi này: văn hóa, giao tiếp và tư duy, chính là lý do khiến tiếng mẹ đẻ cần được nuôi dưỡng đầy đủ trước khi trẻ bước vào hành trình học ngôn ngữ thứ hai.

Thứ nhất, ngôn ngữ là nơi lưu giữ bản sắc văn hóa và cảm xúc cá nhân.

Tiếng mẹ đẻ là ngôn ngữ của những lời ru, những bữa cơm gia đình, những lần ba mẹ dỗ dành khi con khóc. Ngôn ngữ ấy gắn liền với ký ức, với cảm xúc, với những giá trị vô hình nhưng bền vững. Khi một đứa trẻ chưa cảm nhận đầy đủ các lớp nghĩa văn hóa trong ngôn ngữ mẹ đẻ, thì việc tiếp xúc với một ngôn ngữ khác sẽ giống như học bơi mà không biết đứng.

Nghiên cứu Language and Identity in Multilingual Education (Ngôn ngữ và Bản sắc trong Giáo dục Đa ngôn ngữ) của Finnish National Agency for Education (Cơ quan Giáo dục Phần Lan) năm 2018 chỉ rõ, trẻ em sử dụng tốt ngôn ngữ mẹ đẻ có cảm nhận bản sắc cá nhân rõ ràng hơn, dễ hòa nhập xã hội và ít rơi vào trạng thái hoang mang văn hóa. Tại Việt Nam, các nhà nghiên cứu ghi nhận rằng trẻ mầm non nói tiếng Việt chưa vững nhưng lại được kỳ vọng nói tiếng Anh trôi chảy thường gặp khó khăn trong diễn đạt cảm xúc, có xu hướng thu mình hoặc bắt chước một cách máy móc.

Vì vậy, điều quan trọng đầu tiên mà ngôn ngữ mang lại không phải là điểm TOEFL tương lai, mà là cảm giác "thuộc về" (sense of belongingness) - về gia đình, quê hương, và chính bản thân mình.

Thứ hai, giao tiếp là chức năng dễ nhìn thấy nhất của ngôn ngữ, nhưng cũng dễ bị hiểu sai nhất.

Một đứa trẻ nói được "Give me water" chưa chắc đã biết nói "Con yêu mẹ". Một bạn nhỏ có thể trả lời đúng bài hát tiếng Anh chưa chắc đã biết chia sẻ nỗi buồn của mình khi bị bạn từ chối chơi cùng.

Trong nghiên cứu năm 2001, có tên Bilingual Children’s Mother Tongue: Why Is It Important for Education? (Tiếng mẹ đẻ của trẻ song ngữ: Vì sao quan trọng đối với giáo dục?), giáo sư Jim Cummins tại Đại học Toronto đã phân biệt rất rõ hai cấp độ ngôn ngữ. Một là ngôn ngữ giao tiếp bề mặt, thường phát triển nhanh nếu trẻ được tiếp xúc thường xuyên. Hai là ngôn ngữ học thuật và cảm xúc, cần thời gian, trải nghiệm và sự hướng dẫn tinh tế để hình thành. Cũng theo ông, nền tảng ngôn ngữ mẹ đẻ mạnh mẽ giúp trẻ dễ dàng chuyển giao sang ngôn ngữ thứ hai mà không bị rối loạn trong diễn đạt và tiếp thu.

Nói cách khác, nếu chỉ dạy trẻ nói được tiếng Anh mà không giúp con phát triển khả năng giao tiếp sâu sắc bằng tiếng Việt, thì nguy cơ lớn là trẻ sẽ có "hai cái miệng nhưng không có tiếng nói thật sự", một bằng tiếng Việt sơ sài và một bằng tiếng Anh chỉ đủ để chào hỏi, dẫn đến một hình thái "khuyết ngữ" (semi lingualism): không đủ mạnh mẽ trong bất kỳ ngôn ngữ nào để tư duy rõ ràng hoặc kết nối văn hóa sâu sắc.

Thứ ba, ngôn ngữ là công cụ của tư duy. Trẻ nhỏ học cách đặt câu hỏi, giải thích, tưởng tượng và phản biện đều thông qua việc dùng ngôn ngữ để sắp xếp suy nghĩ. Nếu không có từ để gọi tên cảm xúc, trẻ sẽ khó điều tiết hành vi vì khi không có cấu trúc ngôn ngữ vững chắc để diễn đạt, trẻ sẽ gặp khó khăn trong việc liên kết thông tin.

Nghiên cứu Building the Brain’s "Air Traffic Control" System: How Early Experiences Shape the Development of Executive Function (Xây dựng hệ thống 'điều phối không lưu' của não bộ: Những trải nghiệm đầu đời định hình sự phát triển của chức năng điều hành như thế nào) vào năm 2020 của Trung tâm Phát triển Trẻ em thuộc Đại học Harvard (Center on the Developing Child) đã cho thấy rằng những trải nghiệm ngôn ngữ đầu đời có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển các "chức năng điều hành" của não bộ, tức là khả năng ghi nhớ thông tin, biết tập trung vào điều quan trọng, chuyển sự chú ý từ việc này sang việc khác, và kiểm soát cảm xúc, hành động của mình. Khi trẻ được tiếp xúc với ngôn ngữ phong phú từ sớm, các kỹ năng này sẽ phát triển mạnh mẽ hơn. Ngược lại, nếu trẻ phải chịu thêm áp lực học một ngôn ngữ mới khi nền tảng tư duy chưa vững vàng, quá trình phát triển này có thể bị gián đoạn.

Tưởng tượng một đứa trẻ mới ba tuổi, chưa thể kể trọn vẹn một câu chuyện bằng tiếng mẹ đẻ, nhưng lại phải luyện nói tiếng Anh. Thay vì giúp trẻ thông minh hơn, điều này dễ khiến con hoang mang và phát triển chậm cả về mặt ngôn ngữ lẫn nhận thức.

Không ai phủ nhận rằng tiếng Anh là một kỹ năng quan trọng. Nhưng học sớm không có nghĩa là học tốt. Việc ép trẻ nói tiếng Anh khi chưa làm chủ tiếng mẹ đẻ chỉ khiến con mang thêm một gánh nặng không cần thiết. Nhiều nghiên cứu uy tín trên thế giới đã chứng minh rằng, ở tuổi mầm non, trẻ sẽ làm quen với tiếng Anh (hoặc ngôn ngữ thứ hai, ngoài tiếng mẹ đẻ) hiệu quả nhất khi được tiếp xúc qua âm nhạc, truyện kể và những tương tác nhẹ nhàng trong môi trường học tập thân thiện. Bên cạnh đó, điều quan trọng nhất vẫn là nuôi dưỡng tiếng mẹ đẻ trong những năm đầu đời, để từ đó xây nền vững chắc cho mọi sự phát triển về tư duy, cảm xúc và cả khả năng học ngôn ngữ thứ hai của trẻ sau này.

Những kỹ năng học thuật như suy luận, giải thích hay mô tả cần được phát triển bằng ngôn ngữ mà trẻ cảm thấy thoải mái và tự tin nhất. Và thường thì, ngôn ngữ đó chính là tiếng mẹ đẻ. Khi con bạn 5 tuổi, điều quan trọng không phải là con nói được bao nhiêu tiếng Anh, mà là con có nói được nỗi lòng mình, hiểu được giá trị gia đình, và đủ vốn từ để yêu thương bằng cả trái tim.

Theo Lê Thanh Hải
Dân số già, tuổi nghỉ hưu buộc phải trẻ lại
Dân số già, tuổi nghỉ hưu buộc phải trẻ lại

(SKTE) - Nghỉ hưu ở tuổi 60 không còn đồng nghĩa với an dưỡng khi dân số già hóa đang tăng nhanh và tuổi thọ tăng cao. Tại Việt Nam, già hóa dân số đang đặt ra bài toán mới: Tuổi già liệu có còn là lúc… nghỉ ngơi?

Bế mạc Hội Báo toàn quốc 2025 - Dấu ấn mốc son lịch sử 100 năm Báo chí
Bế mạc Hội Báo toàn quốc 2025 - Dấu ấn mốc son lịch sử 100 năm Báo chí

(SKTE) - Sau 3 ngày diễn ra tại Thành phố Hà Nội, Hội Báo toàn quốc năm 2025 đã bế mạc vào chiều 21/6, với chủ đề "Báo chí Việt Nam - Trung thành, Sáng tạo, Bản lĩnh, Đổi mới vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc". Đây là dấu ấn mốc son lịch sử 100 năm Báo chí, nhiều hình ảnh ấn tượng và ý nghĩa tại sự kiện. Ban Tổ chức đã trao giải cho các đơn vị, cơ quan báo chí tham gia.

Báo chí góp phần đưa chính sách vào đời sống
Báo chí góp phần đưa chính sách vào đời sống

Ngoài vai trò đưa thông tin đến với độc giả, công chúng, báo chí ngày nay còn giữ vai trò là kênh kết nối, đưa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với nhân dân, đồng thời thông tin phản hồi, phản biện những khó khăn, vướng mắc và là diễn đàn ý kiến của người dân, doanh nghiệp đến với Đảng, Nhà nước.

Kiểm soát chặt chẽ trong quản lý thuế
Kiểm soát chặt chẽ trong quản lý thuế

Gian lận thuế từ “thô sơ” như kê khai thiếu doanh thu, chi phí không có thật, cho đến các thủ đoạn tinh vi như lập công ty “ma” để mua bán hóa đơn giá trị gia tăng, gian lận hoàn thuế, hay chuyển giá giữa các công ty trong tập đoàn đa quốc gia. Đặc biệt, trong thời đại thương mại điện tử phát triển mạnh, các doanh nghiệp còn sử dụng các nền tảng số và giao dịch xuyên biên giới để tránh nghĩa vụ thuế. Không chỉ gây thất thu ngân sách, gian lận thuế còn làm suy giảm niềm tin vào sự công bằng và minh bạch của hệ thống pháp luật.

Người trẻ bị suy thận mạn do uống thuốc không rõ nguồn gốc, được quảng cáo trên mạng
Người trẻ bị suy thận mạn do uống thuốc không rõ nguồn gốc, được quảng cáo trên mạng

Theo nhận định của các chuyên gia y tế, đáng lo ngại nhất hiện nay trong điều trị suy thận mạn là số lượng bệnh nhân phải chạy thận gia tăng và ngày càng trẻ hóa. Một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thực trạng này là người bệnh tự ý sử dụng các loại thuốc không rõ nguồn gốc, thường được quảng cáo tràn lan trên mạng, truyền miệng trong dân gian khiến tình trạng bệnh càng trầm trọng hơn.

Logo Tạp chí Sức khỏe trẻ em
© Bản quyền 2024 Sức khỏe Trẻ em
Hotline: Hà Nội - (024) 37 765 156 / TP HCM - 0936813116
Logo Tạp chí Sức khỏe trẻ em
Tạp chí Sức khỏe Trẻ em
Địa chỉ: Số 51 Vũ Ngọc Phan, Hà Nội.
Điện thoại:  0988158008; 0971251286.
Email: suckhoetreem2024@gmail.com.
Giấy phép số 298/GP-BTTTT, ngày 6/10/2024 của Bộ Thông tin và Truyền thông.
STK: 0021000568719, Ngân hàng Vietcombank
Ghi rõ nguồn Sức khỏe Trẻ em khi phát hành lại thông tin từ website này.
Thiết kế bởi Tập đoàn Trí Nam
Tổng biên tập: TS. Trần Doãn Tiến.
Phó Tổng Biên tập: TS. Nguyễn Văn Minh.
Ủy viên Ban biên tập: Nguyễn Thanh Cao
P. Trưởng ban Thư ký tòa soạn: Lê Minh Nam.
Truyền thông - Quảng cáo: Hà Diệu Hiền , Giám đốc Trung tâm Truyền thông
Tổ chức sự kiện: Nguyễn Văn Mạnh , P. Giám đốc Trung tâm Media
Trị sự: Đoàn Thanh Hà, P. Trưởng ban Trị sự