Thứ Hai, 07/07/2025 15:37 (GMT+7)

Giáo dục kỹ năng sống cho trẻ em để ứng phó với các hành vi nguy hiểm

Thời gian qua, nhiều vụ trẻ em bị bạo lực, xâm hại đã xảy ra, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của các em, đây là thực trạng đau lòng, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt từ gia đình, cộng đồng và toàn xã hội.
Ảnh đại diện tin bài

Sự quan tâm, thấu hiểu từ cha mẹ là yếu tố then chốt giúp trẻ tránh khỏi các hành vi bạo lực.

Nhiều địa phương đã và đang đẩy mạnh truyền thông, giáo dục kỹ năng sống, giúp trẻ nhận biết và ứng phó với các hành vi nguy hiểm.

Ngày 22/6/2025, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận điều trị cho một bé gái 3 tháng tuổi bị xâm hại tình dục. Sự việc gây phẫn nộ trong dư luận xã hội, gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng trẻ em bị xâm hại. Trước đó, Bộ Y tế đã có công văn đề nghị ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về bảo vệ trẻ em; phòng chống xâm hại trẻ em sau hàng loạt các vụ việc đau lòng xảy ra.

Theo thống kê của Bộ Công an, năm 2024, cơ quan chức năng đã khởi tố 2.361 vụ xâm hại trẻ em, trong đó có 1.927 vụ xâm hại tình dục, chiếm 81,6%. Thống kê cho thấy, chỉ riêng ở Bệnh viện Hùng Vương (Thành phố Hồ Chí Minh) trong hai năm qua đã tiếp nhận gần 800 trường hợp “trẻ em sinh con”.

Một trong những nguyên nhân khiến trẻ dễ bị xâm hại là do thiếu kỹ năng sống, kỹ năng nhận biết nguy cơ và ứng phó với tình huống nguy hiểm, dẫn đến không phản kháng hoặc không tìm kiếm được sự giúp đỡ. Theo TS, BS Đỗ Minh Loan, Trưởng khoa Sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương: Việc giáo dục giới tính từ sớm rất quan trọng. Ở từng giai đoạn phát triển, trẻ cần được trang bị kiến thức phù hợp để biết cách bảo vệ bản thân, phòng tránh xâm hại tình dục, giảm nguy cơ mang thai ngoài ý muốn và các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Một nguyên nhân đáng lo ngại khác là trẻ thiếu sự quan tâm, chia sẻ từ chính người thân trong gia đình. Đáng buồn, nhiều vụ việc đau lòng cho thấy kẻ xâm hại thường là người quen, lợi dụng sự tin tưởng của gia đình nạn nhân để tiếp cận và thực hiện hành vi sai trái. Không ít trường hợp, do nhận thức hạn chế, thái độ bao che hoặc dung túng từ chính người thân của các em đã vô tình tiếp tay cho tội ác.

Ngoài ra, tình trạng bạo hành, bạo lực với trẻ em cũng xuất hiện nhiều trong những năm gần đây, chủ yếu trong gia đình hoặc tại các cơ sở nuôi dạy trẻ. Gần 90% số vụ bạo hành trẻ mầm non do báo chí phản ánh xảy ra tại các cơ sở ngoài công lập - nơi thiếu sự giám sát và đội ngũ giáo viên chưa đạt chuẩn...

Bạo lực đối với trẻ không chỉ dừng ở thể xác, mà còn bao gồm cả bạo lực ngôn từ, tinh thần, những lời xúc phạm, bôi nhọ gây tổn thương nghiêm trọng về tâm lý. Tình trạng này thể hiện rõ trên không gian mạng, nơi trẻ em ngày càng tiếp cận sớm với internet và mạng xã hội. Không ít vụ việc trẻ bị cô lập, dụ dỗ, lôi kéo rồi lăng mạ bằng ngôn từ độc hại trên mạng xã hội đã để lại hậu quả đau lòng. Bạo lực học đường cũng xuất hiện nhiều, trong đó bạo lực về tinh thần cũng đáng sợ không kém bạo lực thể xác.

Thời gian qua, nhiều địa phương đã tổ chức các hoạt động truyền thông, kêu gọi cộng đồng tăng cường bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, trọng tâm là trang bị kiến thức, kỹ năng phòng ngừa, phát hiện và tố cáo hành vi bạo lực, xâm hại.

Đặc biệt, Tổng đài 111 - dịch vụ công đặc biệt theo Luật Trẻ em 2016 hoạt động 24/7, tiếp nhận và xử lý thông tin, tố giác nguy cơ xâm hại trẻ từ các cá nhân, tổ chức, cơ sở giáo dục và gia đình. Ông Nguyễn Công Hiệu, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ truyền thông (Cục Bà mẹ và Trẻ em, Bộ Y tế), cho biết: Những năm qua, Tổng đài 111 đã trở thành chỗ dựa an toàn cho trẻ em. Tùy theo nội dung, cán bộ tổng đài sẽ áp dụng phương thức xử lý phù hợp, như trao đổi qua mạng xã hội, gọi lại để xác minh thông tin; với các vụ việc nghiêm trọng như xâm hại, bạo hành, thông tin sẽ được chuyển ngay tới cơ quan chức năng có thẩm quyền để kịp thời xử lý.

KT (theo Thúy Quỳnh, nhandan.vn )
Đang rà soát để sửa sách giáo khoa sau sáp nhập tỉnh, thành
Đang rà soát để sửa sách giáo khoa sau sáp nhập tỉnh, thành

Bộ Giáo dục và Đào tạo thông tin về việc rà soát, điều chỉnh một số nội dung trong Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) nhằm bảo đảm tính phù hợp với thực tiễn và bối cảnh sáp nhập tỉnh, thành. Các đơn vị xuất bản đang rà soát, tiến hành sửa chữa sách giáo khoa, trình Bộ thẩm định thông qua theo quy trình.

Dự thảo Luật Thi hành án dân sự sửa đổi  Hoàn thiện pháp lý, đẩy mạnh chuyển đổi số, phòng chống tiêu cực, đẩy mạnh xã hội hóa
Dự thảo Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi): Hoàn thiện pháp lý, đẩy mạnh chuyển đổi số, phòng chống tiêu cực, đẩy mạnh xã hội hóa

Hội thảo khoa học Góp ý Dự thảo Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi) năm 2025, được tổ chức ngày 4/7 tại Bộ Tư Pháp, với các nội dung theo hướng: hoàn thiện cơ chế rút ngắn thời gian, giảm chi phí và thủ tục thi hành án; đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin; tăng cường cơ chế kiểm soát quyền lực, phòng chống tiêu cực; đẩy mạnh xã hội hóa một số hoạt động thi hành án.

Chưa sõi tiếng Việt đã nhồi tiếng Anh
Chưa sõi tiếng Việt đã nhồi tiếng Anh

Trong nhiều năm tư vấn cho phụ huynh khi tìm hiểu trường mầm non cho con, tôi nhận thấy: câu hỏi đầu tiên của phần lớn ba mẹ không phải về chương trình giáo dục, về các lĩnh vực cần phát triển của trẻ, mà thường là: “Trường mình song ngữ hay đơn ngữ? Có dạy tiếng Anh nhiều không?”

Dân số già, tuổi nghỉ hưu buộc phải trẻ lại
Dân số già, tuổi nghỉ hưu buộc phải trẻ lại

(SKTE) - Nghỉ hưu ở tuổi 60 không còn đồng nghĩa với an dưỡng khi dân số già hóa đang tăng nhanh và tuổi thọ tăng cao. Tại Việt Nam, già hóa dân số đang đặt ra bài toán mới: Tuổi già liệu có còn là lúc… nghỉ ngơi?

Logo Tạp chí Sức khỏe trẻ em
© Bản quyền 2024 Sức khỏe Trẻ em
Hotline: Hà Nội - (024) 37 765 156 / TP HCM - 0936813116
Logo Tạp chí Sức khỏe trẻ em
Tạp chí Sức khỏe Trẻ em
Địa chỉ: Số 51 Vũ Ngọc Phan, Hà Nội.
Điện thoại:  0988158008; 0971251286.
Email: suckhoetreem2024@gmail.com.
Giấy phép số 298/GP-BTTTT, ngày 6/10/2024 của Bộ Thông tin và Truyền thông.
STK: 0021000568719, Ngân hàng Vietcombank
Ghi rõ nguồn Sức khỏe Trẻ em khi phát hành lại thông tin từ website này.
Thiết kế bởi Tập đoàn Trí Nam
Tổng biên tập: TS. Trần Doãn Tiến.
Phó Tổng Biên tập: TS. Nguyễn Văn Minh.
Ủy viên Ban biên tập: Nguyễn Thanh Cao
P. Trưởng ban Thư ký tòa soạn: Lê Minh Nam.
Truyền thông - Quảng cáo: Hà Diệu Hiền , Giám đốc Trung tâm Truyền thông
Tổ chức sự kiện: Nguyễn Văn Mạnh , P. Giám đốc Trung tâm Media
Trị sự: Đoàn Thanh Hà, P. Trưởng ban Trị sự