Thứ Hai, 07/10/2024 23:30 (GMT+7)

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc trẻ em khuyết tật

(SKTE) Thời gian qua, trẻ em nói chung trẻ em khuyết tật Việt Nam nói riêng ngày càng được Đảng và Nhà nước quan tâm, chăm sóc, bảo vệ thông qua các nghị quyết, luật, nghị định, quyết định, qui định, chỉ thị, đề án, chương trình được ban hành, sửa đổi… nhằm xây dựng hành lang pháp lý, làm cơ sở cho việc đảm bảo và thúc đẩy thực thi có hiệu quả các quyền của trẻ em khuyết tật, được sống, được chăm sóc, chữa bệnh, phục hồi chức năng, được ưu tiên hưởng các chính sách phúc lợi, giáo dục, dạy nghề và tạo việc làm hòa nhập xã hội.
Ảnh đại diện tin bài

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khai giảng năm học 2024 - 2025 tại trường phổ thông cơ sở Nguyễn Đình Chiểu. Ảnh: TTXVN

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khai giảng năm học 2024 - 2025 tại trường phổ thông cơ sở Nguyễn Đình Chiểu. Ảnh: TTXVN

Theo báo cáo của Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam cho biết, đến hết 31/12/2023 có trên 7 triệu người khuyết tật. Trong số này, trẻ khuyết tật chiếm khoảng 28,3%; người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng chiếm khoảng 28,9%; khoảng 10% người khuyết tật thuộc hộ nghèo và cận nghèo. Thời gian qua nhóm đối tượng này luôn nhận được sự quan tâm, chăm lo của Đảng và Nhà nước và cộng đồng xã hội.

Công tác người khuyết tật nói chung trẻ em khuyết tật nói riêng đã triển khai nhiều chủ trương, chính sách pháp luật, với nhiều chương trình hoạt động và các cam kết quốc tế chăm lo, bảo đảm quyền và phát huy vai trò của người khuyết tật, góp phần thúc đẩy tiến bộ, công bằng xã hội và phát triển bền vững. Có được kết quả như vừa qua, trước hết là nhận thức, trách nhiệm từ Trung ương đến các địa phương, các cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể các cấp đối với trẻ em khuyết tật được nâng cao, trẻ em khuyết tật ngày càng tự tin, thuận lợi hơn hoà nhập vào đời sống xã hội. Các cơ quan nhà nước triển khai nhiều hoạt động trợ giúp chăm lo cuộc sống của trẻ em khuyết tật, tạo cơ hội bình đẳng nhằm đáp ứng tốt hơn quyền lợi chính đáng, hợp pháp, động viên để trẻ em khuyết tật phát huy năng lực, vươn lên hòa nhập và có đóng góp cho xã hội.

Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á và quốc gia thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước quốc tế về quyền trẻ em (năm 1989), đồng thời là thành viên thứ 118 tham gia ký Công ước quốc tế về Quyền của Người khuyết tật (năm 2007). Với những cam kết ấy, vị trí, vai trò của người khuyết tật nói chung và trẻ em khuyết tật nói riêng ở Việt Nam đã có nhiều thay đổi; luật pháp của Việt Nam cũng tiến đến gần với chuẩn mực chung của pháp luật quốc tế về quyền của trẻ em khuyết tật.

Theo đó, Hiến pháp Việt Nam năm 2013 dành hẳn một chương quy định về quyền con người và các điều khoản cụ thể về quyền trẻ em, trong đó có trẻ em khuyết tật.

Luật Trẻ em năm 2016 đã đưa ra một khung pháp lý nền tảng nhằm đảm bảo thực hiện đầy đủ quyền cho mọi trẻ em với các điều khoản phù hợp hơn với Công ước về Quyền trẻ em.

Sự ra đời của Luật Người khuyết tật năm 2010 đánh dấu bước ngoặt quan trọng về địa vị của trẻ em khuyết tật trong xã hội; thể hiện nỗ lực, quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc hỗ trợ, giúp đỡ trẻ em khuyết tật hoà nhập với cộng đồng.

Các chính sách, chế độ trợ cấp xã hội, trợ giúp y tế, giáo dục, học nghề, giải quyết việc làm, hoạt động văn hóa, thể dục thể thao… cũng được Đảng, Nhà nước quan tâm ban hành để hỗ trợ trẻ em khuyết tật được tiếp cận với các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục tại cộng đồng.

Triển khai các chính sách, đề án đối với trẻ em khuyết tật, các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan hữu quan đã ban hành nhiều công văn, quyết định, kế hoạch hướng dẫn các địa phương, cơ sở, tổ chức thực thi các chính sách; giải quyết những khó khăn, vướng mắc… trong quá trình thực hiện.

Những cam kết chính trị cùng sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Đảng và Nhà nước; sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ban, ngành từ Trung ương tới cơ sở đã giúp cải thiện cuộc sống của hàng triệu trẻ em nói chung và trẻ em khuyết tật nói riêng.

Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam trao quà cho trẻ em khuyết tật tại Chương trình Thắp sáng niềm tin cho em lần thứ IX - năm 2024. Ảnh: Hồng Minh

Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam trao quà cho trẻ em khuyết tật tại Chương trình Thắp sáng niềm tin cho em lần thứ 9 - năm 2024. Ảnh: Hồng Minh

Việc đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động trợ giúp người khuyết tật đã huy động được sự tham gia của nhiều cơ quan, tổ chức và đông đảo các tầng lớp nhân dân, trong đó có các tổ chức tôn giáo, nhân đạo, từ thiện. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên cũng có nhiều hình thức hỗ trợ, tạo điều kiện để các tổ chức đẩy mạnh hoạt động chăm sóc, trợ giúp trẻ em khuyết tật…

Bên cạnh một số kết quả đạt được, hiện nay vẫn còn một số cấp uỷ đảng, chính quyền, một bộ phận cán bộ và người dân nhận thức chưa đầy đủ, xem công tác người khuyết tật là hoạt động nhân đạo, từ thiện, là trách nhiệm của ngành lao động - thương binh và xã hội. Trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật đối với trẻ em khuyết tật còn chậm, chưa toàn diện hiệu quả hoạt động chưa cao. Tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử với người khuyết tật nói chung, trẻ em khuyết tật nói riêng, chưa quan được tâm đầy đủ, thiếu sâu sát vẫn còn xảy ra.

Trẻ em khuyết tật ở Việt Nam còn gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống nên rất cần đến sự quan tâm, bảo vệ và chăm sóc của Nhà nước và xã hội về mặt vật chất và tinh thần như những trẻ bình thường. Trẻ khuyết tật cũng cần được đối xử bình đẳng như bao trẻ em bình thường khác tránh sự kì thị, xa lánh của cộng đồng, xã hội điều đó giúp trẻ xóa đi rào cản tự ty, mặc cảm bản thân.

Thực tế là phần lớn người khuyết tật và trẻ em khuyết tật ở Việt Nam thuộc đối tượng hộ nghèo, gia đình chính sách, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Do đó việc chăm sóc sức khỏe, học tập, tham gia các hoạt động xã hội của trẻ khuyết tật đều bị hạn chế nên trẻ khuyết tật có nguy cơ bị bạo hành, lạm dụng rất cao.

Vẫn còn trẻ em khuyết tật chưa được tiếp cận hoặc tiếp cận chưa đầy đủ các chính sách trợ giúp của Nhà nước về y tế, giáo dục, dạy nghề, việc làm… Mức trợ cấp xã hội cho người khuyết tật chậm được điều chỉnh. Số trẻ em khuyết tật được nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội còn ít, cơ sở vật chất thiếu thốn. Tình trạng cơ sở nuôi dưỡng trẻ em khuyết tật tự phát còn tồn tại, tính pháp lý không được bảo đảm.

Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế nêu trên là nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền các cấp chưa đầy đủ về công tác trẻ em khuyết tật, xem đó là hoạt động nhân đạo, từ thiện, không phải trách nhiệm của mình. Công tác tuyên truyền, quán triệt, triển khai các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về người khuyết tật nói chung, trẻ em khuyết tật nói riêng chưa được quan tâm đúng mức. Một số chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến trẻ em khuyết tật chưa được thể chế hoá kịp thời, đồng bộ, thống nhất. Công tác quản lý nhà nước, nhất là việc bố trí nguồn lực để thực hiện chính sách còn khó khăn, công tác quản lý, công tác thanh tra, kiểm tra trẻ em khuyết tật còn hạn chế. Việc huy động các nguồn lực xã hội cho công tác trẻ em khuyết tật chưa được phát huy.

Để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy trách nhiệm của cả hệ thống chính trị đối với công tác trẻ em khuyết tật, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ trọng tâm của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh hạnh phúc… nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của con người Việt Nam” [1], lấy giá trị cốt lõi là chăm lo xây dựng con người vì con người với những chỉ số hạnh phúc ngày càng cao.

Theo đó, yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền các cấp và toàn xã hội tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:

1. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp uỷ, tổ chức đảng, các cơ quan, tổ chức và xã hội trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chăm sóc trẻ em khuyết tật. Bảo vệ trẻ em nói chung và trẻ em khuyết tật nói riêng là mục tiêu lớn của Đảng và Nhà nước của toàn xã hội.

Đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tạo chuyển biến sâu sắc về nhận thức, trách nhiệm trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân về công tác người khuyết tật nói chung trẻ em khuyết tật nói riêng. Quán triệt nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng và Chỉ thị số 39-CT/TW, ngày 01/11/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật. Bảo đảm để trẻ em khuyết tật thực hiện được đầy đủ quyền của mình. Không phân biệt đối xử, đảm bảo lợi ích tốt nhất trong các quyết định liên quan đến trẻ em khuyết tật.

Hỗ trợ, tạo điều kiện phát huy năng lực của trẻ em khuyết tật và các tổ chức người khuyết tật để làm tốt vai trò đại diện, tập hợp, đoàn kết, là cầu nối giữa người khuyết tật với Đảng, Nhà nước, hướng tới một xã hội không rào cản đối với người khuyết tật nói chung trẻ em khuyết tật nói riêng.

2. Tiếp tục thể chế chủ trương, quan điểm của Đảng; sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật về trẻ em khuyết tật bảo đảm thống nhất, đồng bộ, khả thi, phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội đất nước và các cam kết quốc tế, góp phần hoàn thiện hệ thống chính sách xã hội và an sinh xã hội, thực hiện mục tiêu công bằng xã hội. Thể chế hóa Luật Người khuyết tật nhất là qui định trẻ em khuyết tật và Luật Trẻ em về quyền của trẻ em nói chung và quyền trẻ em khuyết tật nói riêng, Nghị định số 20/2021/NĐ-CP, quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và Đề án hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục tại cộng đồng giai đoạn 2018 – 2025...

Nâng dần mức trợ cấp xã hội phù hợp với các mức sống trong xã hội, khả năng ngân sách nhà nước; có chính sách tăng số lượng trẻ em khuyết tật tham gia mạng lưới an sinh xã hội; tạo điều kiện thuận lợi để trẻ em khuyết tật tiếp cận các chính sách giáo dục, học nghề, việc làm, tín dụng, bảo trợ xã hội, hoạt động văn hoá, thể dục, thể thao, giải trí, du lịch, đi lại.

Xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả chương trình trợ giúp trẻ em khuyết tật; khuyến khích trẻ em khuyết tật có khả năng học tập, lao động khắc phục khó khăn, vươn lên sống độc lập, hoà nhập xã hội. Xây dựng tiêu chuẩn các cơ sở hạ tầng thiết yếu phù hợp cuộc sống của trẻ em khuyết tật, tạo cơ hội bình đẳng cho trẻ em khuyết tật.

Hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích chỉnh hình, phục hồi chức năng cho trẻ em khuyết tật, đặc biệt là trẻ em khuyết tật nặng ở các trung tâm chỉnh hình phục hồi chức năng, kết hợp với phục hồi chức năng ở cộng đồng theo một quy trình liên thông. Cần tạo điều kiện hỗ trợ trẻ em khuyết tật nặng được chỉnh hình và phục hồi chức năng.

Hoàn thiện cơ chế, chính sách trợ giúp trẻ em khuyết tật có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn học nghề, tạo việc làm tại gia đình và nơi cư trú. Xây dựng các mô hình hỗ trợ trẻ em khuyết tật có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn học nghề gắn với tạo việc làm, liên kết với doanh nghiệp, vận động các nhà tài trợ hỗ trợ thử nghiệm mô hình này ở một số địa phương.

3. Phát huy vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức xã hội nghề nghiệp, người dân, cán bộ, công chức, viên chức các cấp, các ngành phối hợp chăm sóc trẻ em khuyết tật đối với các tổ chức của trẻ em khuyết tật, đẩy mạnh xã hội hoá hoạt động trợ giúp trẻ em khuyết tật. Nâng cao hiệu quả các cuộc vận động, các phong trào chăm lo, giúp đỡ trẻ em khuyết tật; tăng cường quan hệ phối hợp trong các hoạt động trợ giúp trẻ em khuyết tật; lồng ghép các cuộc vận động, các phong trào thi đua gắn với việc chăm lo đời sống trẻ em khuyết tật ngày càng tốt hơn.

Khuyến khích, kêu gọi vận động các nhà tài trợ trong và ngoài nước trợ giúp sản xuất dụng cụ chỉnh hình, phẫu thuật và phục hồi chức năng cho trẻ em khuyết tật nặng. Khuyến khích nhận nuôi dưỡng trẻ khuyết tật trong các cơ sở bảo trợ xã hội của Nhà nước về nuôi dưỡng tại cộng đồng thông qua các hình thức gia đình hoặc cá nhân nhận nuôi dưỡng, nhận đỡ đầu, nhận nuôi con nuôi và chăm sóc tại Nhà xã hội.

4. Tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức, mô hình trẻ em khuyết tật theo đúng pháp luật với phương châm “Tăng cường đoàn kết, chủ động vươn lên, bình đẳng, hoà nhập với cộng đồng”. Đề cao trách nhiệm và sự chủ động của các tổ chức của trẻ em khuyết tật trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ, các phong trào, các cuộc vận động trong người khuyết tật. Thường xuyên giới thiệu, tuyên truyền để nhân rộng trong cả nước những tấm gương tiêu biểu vượt khó vươn lên của trẻ em khuyết tật, những cách làm hay trong hoạt động của các tổ chức của trẻ em khuyết tật.

Đầu tư nguồn lực cho các trung tâm bảo trợ xã hội, trung tâm dạy nghề cho trẻ khuyết tật, khắc phục tình trạng trang thiết bị còn thiếu và cũ, đầu tư nhỏ lẻ thiếu đồng bộ, sử dụng hạn chế.

Xây dựng mô hình điểm Nhà xã hội chăm sóc trẻ em khuyết tật có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở cấp xã. Nhà xã hội là một mô hình mới về chăm sóc trẻ em, do ủy ban nhân dân cấp xã quản lý, cử cán bộ kiêm nhiệm hoặc sử dụng tình nguyện viên quản lý Nhà xã hội. Đối với Nhà xã hội, ngân sách địa phương hỗ trợ một phần chi phí chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em, còn lại kinh phí chủ yếu huy động từ cộng đồng. Ngân sách Trung ương hỗ trợ xây dựng Nhà xã hội trong thời gian triển khai thí điểm.

5. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của cấp uỷ, tổ chức đảng và các cơ quan chuyên môn trong thực hiện đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với trẻ em khuyết tật. Đổi mới công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về trẻ em khuyết tật. Khắc phục nạn bạo hành, ngược đãi bị lạm dụng, lợi dụng thể xác của trẻ khuyết tật phục vụ lợi ích của một người hay nhóm người trong xã hội. Thực hiện đúng và đầy đủ các chính sách trợ cấp xã hội, trợ giúp y tế, giáo dục, kết hợp với vận động cộng đồng hỗ trợ và chăm sóc trẻ em khuyết tật. Công tác thanh tra, kiểm tra nhằm chăm lo giúp đỡ trẻ em khuyết tật được đối xử công bằng, bình đẳng như những trẻ bình thường khác về mọi mặt nhất là chăm sóc sức khỏe, học tập hòa nhập cộng đồng.

6. Việc quy hoạch hệ thống trung tâm hỗ trợ giáo dục hòa nhập và cơ sở giáo dục chuyên biệt cần sớm được nghiên cứu và hoàn chỉnh. Tạo cho trẻ khuyết tật có những sân chơi, các hoạt động dành riêng cho người khuyết tật.

Tăng cường, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên trực tiếp giảng dạy, trang bị đầy đủ các kiến thức cơ bản liên quan đến trẻ khuyết tật trong khi những đặc điểm tâm sinh lý, kiến thức về dạng tật và mức độ khuyết tật có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao chất lượng học tập của trẻ.

Tạo điều kiện cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tiếp cận các dịch vụ văn hóa. Cần mở các lớp học, khu năng khiếu, ấn phẩm văn hóa và chương trình thể thao riêng, xuất bản các tác phẩm văn hóa phục vụ độc giả là trẻ em khiếm thị, sản xuất bộ phim hoạt hình và xây dựng mô hình điểm trường năng khiếu có trẻ em khuyết tật theo học.

Triển khai thí điểm việc chuyển đổi phương thức chăm sóc tập trung trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại các cơ sở bảo trợ xã hội của Nhà nước sang chăm sóc tập trung tại mô hình “gia đình quy mô nhỏ” ở các cơ sở bảo trợ xã hội của Nhà nước.

Thực hiện tập huấn cán bộ làm công tác chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đặc biệt là cán bộ ở cấp cơ sở, về nội dung, phương pháp chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn dựa vào cộng đồng, công tác xã hội, phương pháp và kỹ năng công tác xã hội.

Trẻ em khuyết tật ở Việt Nam cần lắm sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự chung tay của các tổ chức, các cá nhân giúp đỡ bảo vệ, chăm sóc và trợ giúp, tạo điều kiện để trẻ khuyết tật có thể hòa nhập với cộng đồng xã hội một cách tự tin.

-------------------------------------------------

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội XIII tập 2, trang 336, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật

0
Quy định về độ tuổi nhập học đối với trẻ khuyết tật
Quy định về độ tuổi nhập học đối với trẻ khuyết tật

(SKTE) - Theo các văn bản pháp luật hiện hành, bao gồm Thông tư liên tịch số 42/2013/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH-BTC và Thông tư số 28/2020/TT-BGDĐT, trẻ khuyết tật được hưởng nhiều chính sách ưu tiên, đặc biệt là trong việc quy định độ tuổi nhập học.

Bảo vệ trẻ em trên không gian mạng Giải pháp từ thực tiễn
Bảo vệ trẻ em trên không gian mạng: Giải pháp từ thực tiễn

Khẳng định vai trò ngày càng quan trọng của bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng, các nhà trường, ngành Giáo dục địa phương đã có nhiều giải pháp quyết liệt, hiệu quả nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng cho học sinh, giúp các em tự bảo vệ mình.

Thành phố khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thế giới theo Nghị quyết 57
Thành phố khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thế giới theo Nghị quyết 57

Cùng với việc tổ chức các phiên kết nối cung cầu công nghệ giữa doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp của nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, Hải Phòng còn tổ chức chương trình làm việc tại nước ngoài để tạo ra các mối quan hệ hợp tác hiệu quả về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Hy vọng mới cho người bệnh chấn thương cột sống nghiêm trọng
Hy vọng mới cho người bệnh chấn thương cột sống nghiêm trọng

Bệnh viện Bạch Mai vừa lập cột mốc mới trong y học Việt Nam khi điều trị thành công ca gãy cột sống cổ phức tạp bằng phương pháp phẫu thuật nội soi. Đây là lần đầu tiên kỹ thuật này được thực hiện tại Việt Nam, mở ra hy vọng mới cho những người bệnh trẻ gặp chấn thương cột sống nghiêm trọng.

Nỗi khổ của người dân chạy cả trăm cây số xin sửa tên bệnh Lại tiếp tục nghiên cứu rà soát và hướng dẫn
Nỗi khổ của người dân chạy cả trăm cây số xin sửa tên bệnh: Lại tiếp tục nghiên cứu rà soát và hướng dẫn

(SKTE) - Theo lãnh đạo Sở Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) Quảng Nam, đơn vị cùng với Sở Y tế hướng dẫn địa phương rà soát, xem xét giải quyết những trường hợp thuộc diện được hưởng hỗ trợ theo Nghị quyết 29 nhưng gặp vướng mắc khi ghi tên bệnh trong hồ sơ bệnh án không trùng với tên trong danh mục 42 tên bệnh hiểm nghèo.

Hỗ trợ đồng bào vùng cao tiếp cận với dịch vụ trợ giúp pháp lý
Hỗ trợ đồng bào vùng cao tiếp cận với dịch vụ trợ giúp pháp lý

Trợ giúp pháp lý là chính sách quan trọng của Nhà nước nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân, đặc biệt là người yếu thế. Tuy nhiên, việc tiếp cận các dịch vụ pháp lý vẫn còn hạn chế do rào cản về ngôn ngữ và địa lý. Để xóa bỏ rào cản này, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Điện Biên và chính quyền địa phương đã không ngừng nỗ lực truyền thông, cung cấp dịch vụ pháp lý, giúp người dân hiểu rõ hơn về quyền lợi của mình. Nhờ vậy, người dân, đặc biệt là các nhóm yếu thế được bảo vệ quyền lợi hợp pháp và củng cố niềm tin vào hệ thống pháp luật.

Logo Tạp chí Sức khỏe trẻ em
© Bản quyền 2024 Sức khỏe Trẻ em
Hotline: Hà Nội - (024) 37 765 156 / TP HCM - 0936813116
Logo Báo điện tử Thừa Thiên Huế
Tạp chí Sức khỏe Trẻ em
Địa chỉ: Số 51 Vũ Ngọc Phan, Hà Nội.
Điện thoại:  0988158008; 0971251286.
Email: suckhoetreem2024@gmail.com.
Giấy phép số 298/GP-BTTTT, ngày 6/10/2024 của Bộ Thông tin và Truyền thông.
STK: 0021000568719, Ngân hàng Vietcombank
Ghi rõ nguồn Sức khỏe Trẻ em khi phát hành lại thông tin từ website này.
Thiết kế bởi Tập đoàn Trí Nam
Chịu trách nhiệm nội dung:
Tổng biên tập: TS. Trần Doãn Tiến.
Phó Tổng Biên tập: TS. Nguyễn Văn Minh.
Ủy viên Ban biên tập, Trưởng VP đại diện phía Nam: TS. Nguyễn Chí Tân.
Trưởng ban thư ký Tòa soạn: Phạm Việt Hưng.
Giám đốc Trung tâm Truyền thông: Hà Diệu Hiền
P. Trưởng ban Trị sự: Lê Minh Nam.
Ghi rõ nguồn Sức khỏe Trẻ em khi phát hành lại thông tin từ website này.
Thiết kế bởi Tập đoàn Trí Nam