Thứ Năm, 10/04/2025 11:26 (GMT+7)

Nguy hại khôn lường từ kẹo hình con mắt không kiểm định

(SKTE) - Loại kẹo dẻo có hình con mắt ghê rợn đang được bày bán tràn lan tại các cổng trường học và cửa hàng tạp hóa. Đây là mặt hàng không rõ nguồn gốc, không có tem nhãn, từng nhiều lần bị cơ quan chức năng cảnh báo.
Ảnh đại diện tin bài

Bác sĩ cảnh báo nhiều trẻ biến chứng nặng33 người bị ngộ độc sau bữa ăn trưa ở trường Đại học Đồng ThápLọc máu, chạy thận: Những điều cần biết

Tử vong vì ăn kẹo hình con mắt

Ngày 5/4, Sở Y tế TP Huế cho biết Trung tâm Y tế huyện Phú Lộc vừa có báo cáo nhanh liên quan trường hợp bé trai hóc dị vật dẫn đến tử vong trên địa bàn. Nạn nhân là bé trai N.T.T.D. (3 tuổi, trú xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc, TP Huế).

Theo người nhà, vào ngày 4/4, sau khi nhai loại kẹo dẻo có hình con mắt thường được bán trước nhiều cổng trường, bé D. xuất hiện hiện tượng tím tái, nghẹn, hôn mê. Bé D. được đưa vào Trung tâm Y tế huyện Phú Lộc - cơ sở Chân Mây để cấp cứu.

Tại đây, các bác sĩ ghi nhận trẻ hôn mê, lay gọi không đáp ứng, đồng tử giãn, SpO2 0%, không có nhịp tim, huyết áp không đo được. Qua hồi sức tích cực hơn một giờ nhưng không thành, các bác sĩ đã giải thích tình hình cho gia đình. Cháu bé sau đó được đưa về nhà để lo hậu sự.

Trước đó vào tháng 1/2024, khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa vừa tiếp nhận ca bệnh trẻ nhập viện trong tình trạng ngừng tuần hoàn, suy hô hấp, hôn mê sau khi ăn kẹo dẻo hình con mắt bán ở cổng trường.

Theo lời kể của bà ngoại cháu bé, khoảng 8h sáng ngày 5/1, bé được bà đưa đến trường đi học. Đến cổng trường, bà có vào hàng tạp hóa để mua sữa cho bé uống. Lúc này, trẻ đòi bà mua thêm kẹo, bà đồng ý và trẻ chọn loại kẹo dẻo hình con mắt.

Khi vào lớp dạy, cô giáo thấy trẻ gục mặt xuống bàn và lại gần thì phát hiện trẻ nằm bất động, tím tái, khó thở. Ngay lập tức, trẻ được chuyển đến Bệnh viện Tâm Đức (Thanh Hóa), gắp dị vật là miếng kẹo dẻo cắn dở và được chuyển lên Bệnh viện Nhi Thanh Hóa.

Không ít trường hợp được ghi nhận, trẻ em bị hóc dị vật do chính loại kẹo này gây ra. Theo tìm hiểu, loại kẹo dẻo có hình con mắt "kinh dị" này là mặt hàng được bày bán khá nhiều ở cổng trường học và các hàng tạp hóa, được nhiều trẻ em yêu thích. Vị của nó giống loại kẹo dẻo chip chip tuổi thơ ngày xưa nhưng loại này có hình dáng đặc biệt, nhân dẻo và có mùi thơm hơn. Tuy nhiên, hầu hết không ai biết được nguồn gốc xuất xứ của loại kẹo này.

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết, đây là loại kẹo không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có tem nhãn đã được cảnh báo nhiều lần.

Việc sử dụng các mặt hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc rất nguy hại cho sức khỏe. Đặc biệt trong các loại kẹo dành cho trẻ em thường sử dụng nhiều phụ gia, màu thực phẩm để trở nên bắt mắt, thu hút sự chú ý của trẻ nhỏ. Dù vậy, những chất phụ gia, màu thực phẩm không rõ nguồn gốc, liều lượng có nguy cơ gây các bệnh về đường tiêu hóa, dị ứng, hoặc nếu sử dụng trong thời gian dài, có thể gây ra ung thư. Nghiêm trọng hơn, trẻ có thể bị hóc dị vật dẫn đến tình trạng đáng tiếc có thể xảy ra.

Kẹo hình con mắt vẫn tiếp tục được bày bán dù không có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ. 

Thận trọng với thực phẩm 3 không

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, cha mẹ cần quan tâm giáo dục con em mình về những tác hại của thực phẩm "3 không" đối với sức khỏe.

Trên thực tế, có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị ngộ độc do ăn kẹo lạ. Nếu trẻ ăn phải kẹo kém chất lượng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bé có nguy cơ bị ngộ độc do virus, vi khuẩn, nấm mốc hoặc vi trùng khác.

Chuyên gia cho biết, nghiên cứu cho thấy một số loại kẹo có thể là nguồn chứa chì độc hại. Lượng chì vượt quá mức quy định trong thực phẩm có thể nằm trong vỏ kẹo, hay thậm chí là thành phần của kẹo (chẳng hạn như trong bột ớt làm nên nhiều loại kẹo Mexico). Việc trẻ ăn kẹo hoặc chỉ liếm/chạm vào giấy gói kẹo cũng có thể gây ngộ độc cho bé. Ngay cả khi vỏ kẹo không chứa chì thì nó cũng có thể bị nhiễm bẩn, khiến chì tích tụ từ bên ngoài giấy gói có thể lọt vào kẹo.

Mặc dù những học sinh bị ngộ độc do ăn kẹo lạ trong thời gian gần đây được cho là không phải do ma túy, tuy nhiên, trước đó đã xảy ra nhiều trường hợp bệnh nhân bị ngộ độc bánh, kẹo nghi chứa chất cấm này. Bánh quy cần sa, kẹo mút cần sa là một ví dụ điển hình, với thành phần chứa tinh dầu cần sa và bột hạt cần sa. Dạng ma túy này tạo ảo giác và gây kích thích....

Đây là những rủi ro có thể gặp phải khi ăn các loại kẹo bánh trôi nổi, không rõ nguồn gốc. Đó là chưa nói đến khả năng hóc dị vật và các nguy cơ khác do sản phẩm không có bao bì để cảnh báo, cũng không có thành phần, địa chỉ nhà sản xuất....

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh khuyên, nhà trường nên kiểm soát, tạo cuộc vận động và xây dựng phong trào vệ sinh, an toàn thực phẩm, học sinh toàn trường không ăn quà vặt không rõ nguồn gốc. Còn cơ quan chức năng cần tiếp tục vào cuộc quyết liệt hơn nữa trong việc kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các loại thực phẩm mất an toàn bày bán trước cổng trường.

Cha mẹ chỉ nên mua cho con những loại thực phẩm có nhãn mác, được quản lý theo tiêu chuẩn chất lượng, thương hiệu rõ ràng, vừa đảm bảo sức khỏe cũng như tránh điều đáng tiếc có thể xảy ra.

Danh Hưng
Bác sĩ cảnh báo nhiều trẻ biến chứng nặng
Bác sĩ cảnh báo nhiều trẻ biến chứng nặng

Số ca mắc sởi trên toàn quốc tăng nhanh, nhiều ca biến chứng nặng. Tuy nhiên, nhờ tinh thần chủ động và tuân thủ chỉ đạo của Bộ Y tế, các bệnh viện, đặc biệt là Bệnh viện Hồng Ngọc, đã triển khai hiệu quả công tác điều trị và kiểm soát nhiễm khuẩn, giúp trẻ hồi phục nhanh và hạn chế lây nhiễm chéo.

Ngành giáo dục tiên phong hưởng ứng Tháng hành động vì an toàn thực phẩm
Ngành giáo dục tiên phong hưởng ứng Tháng hành động vì an toàn thực phẩm

(SKTE) - Hưởng ứng “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2025, ngành giáo dục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho học sinh, giáo viên, cán bộ quản lý và nhân viên nhà bếp tại các bếp ăn tập thể, căng tin trường học về lựa chọn thực phẩm lành mạnh, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Các bài tập vận động tại nhà cho trẻ thừa cân
Các bài tập vận động tại nhà cho trẻ thừa cân

Trẻ em hiện nay thường “lười” tập thể dục do “nghiện” ti vi, điện thoại, thiếu không gian vui chơi... Do đó, phụ huynh có thể tìm các bài tập thể dục đơn giản dễ tập ngay tại nhà, phù hợp cả với các gia đình có diện tích nhà nhỏ hẹp để khuyến khích trẻ vận động.

Logo Tạp chí Sức khỏe trẻ em
© Bản quyền 2024 Sức khỏe Trẻ em
Hotline: Hà Nội - (024) 37 765 156 / TP HCM - 0936813116
Logo Tạp chí Sức khỏe trẻ em
Tạp chí Sức khỏe Trẻ em
Địa chỉ: Số 51 Vũ Ngọc Phan, Hà Nội.
Điện thoại:  0988158008; 0971251286.
Email: suckhoetreem2024@gmail.com.
Giấy phép số 298/GP-BTTTT, ngày 6/10/2024 của Bộ Thông tin và Truyền thông.
STK: 0021000568719, Ngân hàng Vietcombank
Ghi rõ nguồn Sức khỏe Trẻ em khi phát hành lại thông tin từ website này.
Thiết kế bởi Tập đoàn Trí Nam
Tổng biên tập: TS. Trần Doãn Tiến.
Phó Tổng Biên tập: TS. Nguyễn Văn Minh.
Ủy viên Ban biên tập: Nguyễn Thanh Cao
P. Trưởng ban Thư ký tòa soạn: Lê Minh Nam.
Truyền thông - Quảng cáo: Hà Diệu Hiền , Giám đốc Trung tâm Truyền thông
Tổ chức sự kiện: Nguyễn Văn Mạnh , P. Giám đốc Trung tâm Media
Trị sự: Đoàn Thanh Hà, P. Trưởng ban Trị sự