Khoa nhi BV Hồng Ngọc tiếp nhận nhiều ca biến chứng nặng do sởi
Theo TS.BS Nguyễn Thúy Giang (Phó Khoa Nhi - BVĐK Hồng Ngọc Phúc Trường Minh): “Chỉ trong tháng 3/2025, Khoa Nhi BV Hồng Ngọc đã thăm khám và điều trị cho gần 200 trẻ mắc sởi, số lượng tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, có đến hơn 30% bệnh nhi đã biến chứng nặng gây khó khăn và kéo dài thời gian điều trị, phần lớn những bệnh nhân này chưa tiêm đủ vắc-xin sởi theo khuyến cáo và đưa tới thăm khám muộn”.
Điển hình là trường hợp bé P.T.A (2 tuổi, Hà Nội), nhập viện trong tình trạng sốt cao liên tục trên 39°C, kèm ho khan, chảy mũi, phát ban vùng đầu, cổ và bụng. Chỉ trong vòng 48 giờ kể từ khi phát ban, bệnh nhi nhanh chóng xuất hiện dấu hiệu khó thở, SpO₂ giảm còn 92%, hình ảnh chụp X-quang phổi cho thấy tổn thương thâm nhiễm lan tỏa hai bên, được chẩn đoán viêm phổi, suy hô hấp do biến chứng của sởi. Bé được chuyển vào khu vực điều trị cách ly, theo dõi sát sao hô hấp và hỗ trợ cải thiện thở oxy liên tục, may mắn bé vượt qua giai đoạn nguy hiểm sau 2 ngày.
 |
Nhiều trẻ mắc sởi nhập viện trong tình trạng biến chứng nặng |
TS.BS Nguyễn Thúy Giang cho biết thêm: “Bệnh sởi có đặc điểm bùng phát theo chu kỳ khoảng 4–5 năm/lần. Sau mỗi đợt dịch, phần lớn trẻ em trong độ tuổi dễ mắc đã hình thành miễn dịch, nhờ vào việc từng mắc bệnh hoặc được tiêm phòng. Tuy nhiên, theo thời gian, thế hệ trẻ mới sinh ra sẽ tạo ra một “khoảng trống miễn dịch” nếu không được tiêm phòng đúng lịch. Khi số lượng trẻ chưa có miễn dịch cộng dồn lại đạt đến một ngưỡng nhất định, virus sởi lại có điều kiện thuận lợi để phát tán và gây ra một chu kỳ dịch mới. Đặc biệt, việc gián đoạn tiêm chủng trong đại dịch COVID-19 những năm gần đây khiến tỷ lệ tiêm chủng sởi ở nhiều địa phương không đạt ngưỡng 95% – mức cần thiết để đảm bảo miễn dịch cộng đồng – góp phần khiến dịch năm nay bùng phát sớm và lan rộng hơn.”
Phụ huynh và cơ sở y tế cần chủ động ứng phó với dịch sởi
BS khuyến cáo bố mẹ cần lưu ý đưa trẻ đi khám ngay nếu có những dấu hiệu sau: sốt cao liên tục, chảy nước mũi, ho khan, mắt đỏ, xuất hiện đốm trắng nhỏ trên niêm mạc má trong miệng, nổi ban sởi,… Ngoài ra để chủ động phòng ngừa, phụ huynh cần chủ động thực hiện các biện pháp: thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh thân thể, mũi, họng, mắt và răng miệng cho trẻ hàng ngày; giữ nhà cửa sạch sẽ, thông thoáng; khử trùng đồ chơi, dụng cụ học tập; bổ sung thực phẩm giàu vitamin A, C, D tăng sức đề kháng cho trẻ; tránh cho trẻ tiếp xúc với người mắc sởi hoặc nghi ngờ mắc bệnh; đặc biệt tiêm phòng sởi đầy đủ theo khuyến cáo của Bộ Y Tế.
Trước tình hình số ca mắc sởi gia tăng, Khoa Nhi - Bệnh viện Hồng Ngọc với 2 bệnh viện và 5 phòng khám đã trang bị đầy đủ vắc-xin phòng sởi, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu tiêm phòng cho trẻ em, đặc biệt là các đối tượng chưa tiêm đủ liều hoặc có nguy cơ cao. Bên cạnh đó, BVĐK Hồng Ngọc luôn đảm bảo tuân thủ 83 tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện từ Bộ Y Tế kết hợp nguyên tắc kiểm soát nhiễm khuẩn chặt chẽ theo Chứng chỉ Tiêu chuẩn Chăm sóc sức khỏe ACHSI (Úc), tăng cường biện pháp phân luồng, khử khuẩn, phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn trong thăm khám và điều trị bệnh nhi.
Cụ thể khoa Nhi đã thiết lập khu vực khám sàng lọc riêng biệt dành cho trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc sởi như sốt cao, phát ban, viêm kết mạc,… nhằm cách ly ngay từ đầu, tránh tiếp xúc với các bệnh nhi khác. Quy trình phân luồng khép kín, từ tiếp đón – khám – xét nghiệm – điều trị, đảm bảo kiểm soát tốt nguy cơ lây lan. Nhân viên y tế được yêu cầu sử dụng đầy đủ phương tiện phòng hộ cá nhân, khử khuẩn tay, bề mặt và không khí, chủ động nhắc nhở phụ huynh về lịch tiêm chủng. Khoa cũng tăng cường gấp 3 lần bác sĩ trực ban, bệnh nhi nội trú được thăm buồng tối thiểu 5 lần/ngày, theo dõi sát sao diễn biến bệnh, xử trí kịp thời, ngăn chặn biến chứng. Dù số lượng bệnh nhi tăng, mỗi phòng nội trú vẫn đảm bảo không quá 2 trẻ, hạn chế tối đa lây nhiễm chéo nội viện.
Nếu trẻ có dấu hiệu bất thường, liên hệ ngay hotline để được hỗ trợ:
KHOA NHI - BVĐK HỒNG NGỌC - 0947.616.006