Mới đây, người bệnh phản ánh, vẫn có cơ sở y tế bắt buộc người bệnh xuất trình thẻ BHYT bằng giấy, trong khi BHXH Việt Nam thông báo đã kết nối dữ liệu và người dân hoàn toàn có thể dùng căn cước công dân có gắn chip thay thế.
|
Người bệnh khám bệnh tại cơ sở y tế. Ảnh: Tạ Nguyên |
Trả lời câu hỏi này, ông Lê Văn Phúc, Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam), cho biết, hiện người dân đi khám bệnh chỉ cần xuất trình thẻ BHYT qua app VssID hoặc căn cước công dân có gắn chip, không cần xuất trình thẻ BHYT giấy.
“Việc bệnh viện hay cơ sở y tế yêu cầu người bệnh xuất trình thẻ giấy là chưa đúng. Chúng tôi sẽ tiến thành thanh kiểm tra lại các cơ sở y tế trên vì sao lại bắt buộc người bệnh xuất trình thẻ BHYT bằng giấy. Hiện nay, chúng tôi cũng không cung cấp thẻ BHYT bằng giấy nữa”, ông Phúc cho biết.
Đối với việc chi trả tiền cho người bệnh có thẻ BHYT phải mua thuốc bên ngoài, ông Phúc cho biết, đây không phải là quy định mới. Thực tế, trước khi có Thông tư 22/2024 của Bộ Y tế quy định về thanh toán chi phí thuốc, thiết bị y tế trực tiếp cho người có thẻ BHYT đi khám, chữa bệnh, ngành bảo hiểm đã thực hiện chi trả cho một số người bệnh phải mua thuốc ngoài.
Tuy nhiên, ông Phúc khẳng định, hiện nay các cơ sở đã có đủ thuốc, việc đấu thầu thuốc cũng “thông” từ Trung ương đến địa phương, nên không có lý do gì người bệnh phải đi mua thuốc ngoài. Song song đó, Luật BHYT và Luật Khám bệnh, chữa bệnh quy định rõ trách nhiệm của cơ sở khám chữa bệnh là đảm bảo đầy đủ các điều kiện về khám chữa bệnh cho người bệnh..
“Như vậy, cơ sở khám chữa bệnh phải đảm bảo đầy đủ các thuốc và vật tư y tế cho người dân. Theo đó, việc thanh toán ngoài cho người bệnh chỉ nên xem là trường hợp đặc biệt…”- ông Phúc nhấn mạnh.
Năm 2024, số người tham gia BHXH đạt khoảng 20,11 triệu người, tăng 9,2% so với năm 2023, đạt tỉ lệ 42,71% so với lực lượng lao động (LLLĐ) trong độ tuổi.
Số người tham gia BHYT là 95,523 triệu người, tăng 2% so với năm 2023, đạt tỷ lệ 94,2% dân số tham gia BHYT. Số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) khoảng 16,093 triệu người, tăng 8,8% so với năm 2023, đạt khoảng 34,18% LLLĐ trong độ tuổi.