(SKTE) Đó câu hỏi khó dành cho mẹ cháu Anh Đức là cô giáo mầm non Nguyễn Thị Đoan Trang ở xã Nghĩa Đạo, thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh mà tôi viết về gia đình họ dưới đây.
Nghèo hiếm có khó tìm
Căn nhà của Nguyễn Thị Đoan Trang (sinh 1991) và con trai Nguyễn Anh Đức (sinh 2017) ở rìa làng Đông Lĩnh trông lụp xụp đến tội nghiệp so với những ngôi nhà xung quanh. Cả bốn bức tường đều vôi vữa bong tróc, lúc nào cũng chực đổ sập nên hai mẹ con phải chuyển lên nhà của ông ngoại và ở chung với cậu ruột trong căn phòng kê vừa hai chiếc giường. Trận bão Yagi vừa qua đã làm tốc toàn bộ mái che khiến cho căn nhà một tầng mái bằng nhỏ bé bị dột tứ bề. Tuy đã được xây cách đây gần 20 năm nhưng nó chưa một lần được quét vôi ve mà vẫn còn nguyên lớp vữa nay đã bạc phếch, cầu thang lên gác mái còn chưa làm tay vịn trông rất chênh vênh, ô cửa sổ che nắng mưa tạm bợ bằng tấm vải phai màu. Nhiều mảng tường không được trát kỹ nên theo thời gian đã ngấm nước mưa, mọc rêu loang lổ.
Hai mẹ con Anh Đức và cậu đứng trước căn nhà vừa bị bão làm tốc mái, dột và ngấm nước, từ lúc xây đến bây giờ gần 20 năm chưa được quét vôi...
Ông Nguyễn Văn Được (sinh 1966) và vợ là bà Vương Thị Tạ (mất 2018) có hai người con. Con gái đầu Nguyễn Thị Đoan Trang và con trai thứ Nguyễn Văn Hưng (sinh 1993). Cả ba người đều hiền lành đến mức cù lần, sức khỏe yếu nên chẳng làm nổi việc gì để có thu nhập ổn định. Điều đó khiến cho gia đình họ lúc nào cũng trong cảnh túng bấn, giật gấu vá vai. Khi phát hiện bị ung thư phổi bà Tạ cũng chỉ dám nằm bệnh viện tỉnh điều trị cho đỡ tốn kém và sau vài tháng thì quy tiên.
Vừa chậm lại vừa hay đau ốm, ông Được chẳng làm việc gì ra hồn nên chỉ thi thoảng thiếu người thì chủ thầu mới gọi đi phụ hồ, với 300 nghìn đồng một ngày công. Cậu con trai hơn 30 tuổi, mặc dù trông mặt mũi khá khôi ngô nhưng chẳng cô gái nào dám lấy vì cả cái đầu lẫn chân tay đều... chậm chạp, học mãi mới tốt nghiệp tiểu học, xe đạp xe máy không biết đi, xin làm những việc đơn giản chẳng ai nhận. Ba bố con có 5 sào rộng, mỗi năm làm 2 vụ lúa, mỗi vụ thu hoạch 6-7 tạ thóc là khá nhưng toàn phải thuê người làm từ cày, cấy cho đến gặt.
Nếu bây giờ bọn trộm cắp vào nhà họ thì có lẽ chẳng biết lấy đi thứ gì đáng tiền - gà, lợn thì chẳng còn, đồ đạc trong nhà từ cái chăn, cái màn, cái bàn, cái ghế, cái tủ cho đến cái tivi Trung Quốc thì toàn là đồ cũ người ta cho. Món đồ mới nhất trong nhà là cái bàn thờ mà gần đây được người cháu, vì làm không đúng kích cỡ nên khách hàng không nhận, bán rẻ và bán chịu cho ông chú để thay cho chiếc bàn thờ vốn là chiếc bàn học cũ chân thấp chân cao.
Căn nhà của hai mẹ con có nguy cơ sập nên họ phải chuyển lên nhà trên, ở chung với cậu ruột trong căn phòng đủ kê hai chiếc giường.
Hàng xóm cho biết, nhà ông Được mỗi khi thiếu tiền là mang thóc ra bán mà thóc thì chẳng có nhiều và giá cũng chẳng được bao nhiêu, hoặc phải đi vay mượn rồi trả dần. Mà cũng chỉ vay mượn những người trong họ hàng gần thôi chứ vay ngoài mà trả lãi mẹ đẻ lãi con thì có lẽ mấy bố con đã ra ngoài bờ đê ở từ lâu. Nói ngay như việc lợp lại mái nhà bị tốc vì cơn bão Yagi thì cũng phải đi vay chú em ruột 25 triệu và cũng chỉ dám lợp lại bằng fibro xi măng chứ lợp bằng tôn thì tốn kém gấp mấy. Dự tính, nếu mọi chi tiêu trong nhà chủ yếu trông vào đồng lương của cô con gái mới được vào làm biên chế, mấy bố con, ông cháu ăn uống tùng tiệm và dành dụm thì cũng phải mất năm rưỡi mới trả hết món nợ này. Đấy là nói trong điều kiện bình thường và không ai bị ốm đau đến mức phải nhập viện hay thuốc thang dài ngày.
Không dám ước mơ quá cao xa
Có tư chất nhất nhà và được bố mẹ cho ăn học đến nơi đến chốn là cô con gái. Tốt nghiệp cao đẳng sư phạm mẫu giáo rồi học liên thông lên Đại học sư phạm Hà Nội 2, nhưng nhiều năm nay Trang chỉ đi nấu ăn cho mấy trường mẫu giáo với mức thu nhập bọt bèo theo hợp đồng thời vụ. Rất may là từ đầu năm học 2024, Trang được nhận vào dạy chính thức ở Trường mầm non Nguyệt Đức, cách nhà khoảng chục km, với mức lương 5 triệu đồng/tháng.
Ông ngoại Nguyễn Văn Được và hai cậu cháu. Chăn màn, quần áo rét chất đống trong góc nhà, gầm bàn thờ vì thiếu tủ.
Trang ly hôn với chồng khi bụng mang dạ chửa rồi một mình nuôi con. Lúc Anh Đức gần 2 tuổi, thấy con mãi không biết đi, hay quấy khóc, phá phách, cả đêm vật vã không ngủ, Trang cho con đi bệnh viện khám thì mới biết Anh Đức bị hội chứng Down kèm theo biểu hiện tự kỷ tăng động giảm chú ý. Vì vậy, hàng ngày, trừ Chủ nhật, Trang chở con và em trai lên Trung tâm Cứu trợ trẻ em tàn tật thị xã Thuận Thành cách nhà 6 km để con được châm cứu, xoa bóp và bấm huyệt, rồi mới đi đến chỗ làm. Anh Đức, mặc dù năm nay đã 7 tuổi, nhưng lúc nào cũng phải có người thân đi cùng thì mới chịu ở lại chữa trị. Đến trưa thì có bác bảo vệ của Trung tâm lại chở hai cậu cháu về nhà. Chi phí đưa đón này mỗi tháng cũng tốn ngót triệu đồng.
Cũng may là mọi chữa trị cho trẻ em khuyết tật ở Trung tâm Cứu trợ trẻ em tàn tật thị xã Thuận Thành đều miễn phí, chứ nếu không thì cả ba bố con nhịn miệng cũng không đủ trả chi phí điều trị cho Anh Đức, kể cả khi mẹ cháu có việc làm ổn định như bây giờ. “Từ khi đến Trung tâm, thể trạng của cháu đỡ hơn rất nhiều. Cháu đã đi vững, đỡ quấy phá, ngủ tốt hơn, nói được mấy câu đơn giản như: ông, bà, mẹ, đi chơi, đi ngủ, bật quạt,...” – Trang cho biết.
Nhưng cứ dừng điều trị một thời gian thì những biểu hiện bệnh lý của Đức Anh trước đây lại tái phát. Điều đó nghĩa là cháu sẽ phải điều trị lâu dài, thậm chí là suốt đời. “Hiện tại, Trung tâm vẫn điều trị miễn phí cho trẻ em khuyết tật. Một số trường hợp người khuyết tật đến tuổi trưởng thành có hoàn cảnh gia đình khó khăn thì Hội Đông y huyện sẽ xem xét điều trị miễn phí” – bác sỹ Nguyễn Huy Quảng, giám đốc Trung tâm Cứu trợ trẻ em tàn tật thị xã Thuận Thành kiêm chủ tịch Hội Đông y huyện Thuận Thành, cho biết.
Đáng buồn là cả bố ruột lẫn gia đình bên nội ở ngay làng bên nhưng từ bao năm nay chưa một lần thăm hỏi hay chu cấp cho giọt máu rơi rớt của mình một đồng cắc để đỡ đần cho người mẹ chân yếu tay mềm. Trước đây, gia đình cháu còn trong diện hộ nghèo của xã, vào các dịp lễ còn được tặng quà nhưng vài năm nay đã bị cắt tiêu chuẩn này. Khoản trợ cấp trẻ khuyết tật mỗi tháng vài trăm ngàn đồng dù ít ỏi nhưng cũng gọi là thêm thắt cho bữa ăn của Anh Đức.
Việc châm cứu, xoa bóp và bấm huyệt đã giúp cải thiện rất nhiều thể trạng của Đức Anh nhưng cháu sẽ phải gắn bó cả đời với nơi đây nếu còn được điều trị miễn phí.
Trước khi chia tay, Trang nói với tôi về một ước muốn nhỏ nhoi của mình: “Nhà cháu bây giờ chỉ lo làm được cái nhà vệ sinh tự hoại nữa thôi, chứ không cần gì nữa đâu, chú ạ”. Khi tôi hỏi lại: “Chẳng lẽ cháu không muốn trả món nợ vừa vay để lợp lại mái, xây lại căn nhà của hai mẹ con, sửa lại cái chuồng, mua thêm mấy con lợn nái về nuôi để sau này có thêm khoản tiền trang trải những lúc cần thiết, chăm lo cho con, cho bố và em trai?”, Trang chỉ ngân ngấn nước mắt và im lặng. Có lẽ, điều đó quá xa vời, ngoài tầm mơ ước của người mẹ đơn thân nhưng vóc dáng gầy còm như một cô bé 13-14 tuổi vốn đã quen với gia cảnh túng thiếu từ lúc lọt lòng.
Các nhà hảo tâm gần xa, nếu có động lòng trắc ẩn và muốn giúp đỡ gia đình cháu Nguyễn Anh Đức, xin chuyển tiền vào tài khoản 2607215039587 Ngân hàng Agribank, Nguyễn Thị Đoan Trang. Địa chỉ: làng Đông Lĩnh, xã Nghĩa Đạo, thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Điện thoại: 0961-945-897.
Bài và ảnh: Dương Nguyên Khải