(SKTE) Theo đánh giá của WHO, Việt Nam vẫn đứng trong nhóm 26 nước còn thiếu hụt i-ốt. Chính phủ đã giao Bộ Y tế nghiên cứu, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 09/2016/NĐ-CP ngày 28/01/2016 để phù hợp với thực tiễn Việt Nam.
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: moh.gov.vn
Bộ Y tế vừa tổ chức hội thảo góp ý dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 09/2016/ND-CP ngày 28/01/2016 của Chính phủ ngày về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm.
Tham dự có đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO); Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF); Mạng lưới iốt toàn cầu (IGN); một số Bộ/ngành, đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế.
Tại hội thảo, các đại biểu nghe và thảo luận một số nội dung như: các bằng chứng quốc tế liên quan đến tác hại sức khỏe do thiếu vi chất và sự cần thiết bắt buộc tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm; các chiến lược can thiệp phòng, chống thiếu vi chất dinh dưỡng thành công và khuyến nghị đối với Việt Nam; thực trạng thiếu i-ốt toàn cầu và khuyến nghị bắt buộc tăng cường i- ốt vào mối ăn và sử dụng muối i-ốt trong chế biến thực phẩm; báo cáo tổng kết 7 năm thi hành Nghị định 09/2016/NĐ-CP ngày 28/01/2016 của Chính phủ; báo cáo đánh giá tác động chính sách bắt buộc tăng cường i-ốt vào muối, sắt, kẽm vào bột mỳ…
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu tại Hội thảo.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết: Sau 7 năm thực hiện Nghị định 09/2016/NĐ-CP, kết quả điều tra dinh dưỡng cho thấy tình trạng thiếu hụt vi chất dinh dưỡng ở cộng đồng vẫn còn cao.
Thiếu vi chất diễn ra một cách từ từ, âm thầm, dần dần mới biểu hiện ra ngoài. Vì thế, nó còn được gọi là nạn đói tiềm ẩn, là vấn đề chúng ta cần quan tâm để đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng, vi chất cho sự phát triển của con người. Qua đánh giá, việc thiếu hụt vi chất dinh dưỡng có thể khắc phục hiệu quả theo khuyến cáo của các tổ chức quốc tế để tăng cường iốt, sắt, kẽm, và vitamin khác.
Thực tế, lượng vi chất i-ốt, kẽm, sắt, vitamin A vẫn thiếu hụt trong cộng đồng. Theo đánh giá của WHO, Việt Nam vẫn đứng trong nhóm 26 nước còn thiếu hụt i-ốt. Chúng ta cần biện pháp can thiệp ở cộng đồng để đảm bảo người dân Việt không bị thiếu hụt vi chất, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên phát biểu.
Vì thế, Chính phủ đã giao Bộ Y tế nghiên cứu, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 09/2016/ND-CP ngày 28/01/2016 để phù hợp với thực tiễn Việt Nam.
TS.BS. Juliawati Untoro, Nhà khoa học, Hành động Đa ngành trong Hệ thống thực phẩm Khoa Dinh dưỡng và An toàn thực phẩm WHO cho biết: Tăng cường vi chất là một biện pháp can thiệp dựa trên bằng chứng, góp phần vào việc phòng ngừa và kiểm soát tình trạng thiếu hụt vi chất dinh dưỡng.
Việc tăng cường vi chất dinh dưỡng trong thực phẩm cung cấp lượng vi chất cần thiết cho hầu hết các cá nhân có nguy cơ thiếu hụt, mà không gây nguy cơ thừa vi chất hoặc tác dụng phụ cho cộng đồng nói chung hoặc các nhóm khác.
WHO khuyến nghị tăng cường vi chất thực phẩm trên quy mô lớn như một biện pháp can thiệp dựa trên bằng chứng, hiệu quả về chi phí và an toàn để chống lại tình trạng thiếu hụt vitamin và khoáng chất.
Đại diện WHO nhấn mạnh: Việc tăng cường vi chất trong thực phẩm có tác động lớn nhất đến sức khỏe cộng đồng khi nó là bắt buộc, nghĩa là được yêu cầu bởi luật pháp, và áp dụng cho các loại thực phẩm thiết yếu được tiêu thụ rộng rãi, do đó đảm bảo phạm vi bao phủ trên quy mô lớn.
Theo TS. Roland Kupka, Cố vấn dinh dưỡng khu vực, Văn phòng UNICEF khu vực châu Á Thái Bình Dương: tình trạng thiếu iốt, sắt, kẽm… ảnh hưởng nhiều đến trẻ em, bà mẹ, gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ.
I-ốt là nguyên nhân đáng kể gây suy giảm trí tuệ ở trẻ, nó cũng liên quan đến các nguy cơ sức khỏe khác như thai chết lưu, sảy thai ở phụ nữ. Thiếu sắt khiến thai nhi phát triển kém, thiếu kẽm sẽ gây suy yếu sự phát triển và tăng tỷ lệ mắc, nguy cơ mắc tiêu chảy, nhiễm trùng hô hấp cấp tính và tử vong ở trẻ em.
Thống kê cho thấy, mới chỉ có 27% muối ăn sử dụng trong các hộ gia đình tại Việt Nam có sử dụng i-ốt theo khuyến cáo. Các doanh nghiệp chế biến thực phẩm có sự ngập ngừng nhất định trong việc cho i-ốt vào muối, bánh mỳ.
PGS.TS. Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia đánh giá, tại Việt Nam, tình trạng thiếu i-ốt, sắt, kẽm, vitamin A huyết thanh còn là vấn đề có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng. Theo bà Mai, chúng ta phải tiếp tục theo dõi, làm các biện pháp để phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng. Trong đó có việc thực hiện bắt buộc tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm.
0