Hành vi xâm hại trẻ em ngày càng phức tạp
Ghi nhận về thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, kỷ luật mang tính bạo lực vẫn còn phổ biến ở Việt Nam. Các hành vi xâm hại trẻ em xảy ra trong cộng đồng, nhà trường và trong chính gia đình có tính chất phức tạp, nghiêm trọng.
Theo tổ chức Giám sát mạng Internet, hiện nay các nội dung lạm dụng tình dục trẻ em trực tuyến có dấu hiệu gia tăng. Trong số những hình ảnh tìm thấy thì độ tuổi từ 3-6 tuổi chiếm 50%, 7-10 tuổi chiếm 20%. Theo các nội dung thì những đứa trẻ bị kẻ lạm dụng từ xa và bị ép buộc thực hiện các hành vi.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân dẫn đến tội phạm xâm hại tình dục phần lớn là do thiếu sự quan tâm, quản lý, giáo dục của gia đình. Có nhiều trường hợp con em bỏ nhà đi vài ba ngày nhưng cha mẹ cũng không quan tâm, hay biết. Thậm chí có trường hợp các em đưa nhau về tại nhà và có quan hệ tình dục nhưng cha mẹ cũng không chú ý, can thiệp.
Do khả năng nhận thức và tự bảo vệ của trẻ em còn nhiều hạn chế, vì vậy gia đình, nhà trường cần phải trang bị cho con em mình biết cách thức phòng vệ. Đồng thời, quan tâm, tìm hiểu những mối quan hệ của các em để có biện pháp chủ động phòng ngừa.
|
Tập huấn kỹ năng phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em cho đội ngũ cán bộ chỉ huy Đội và thiếu nhi nòng cốt |
Theo đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo đơn vị tổ chức 38 lớp truyền thông về bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại, tại nạn thương tích cho 14.500 học sinh tại các trường học. Sở Giáo dục và Đào tạo đã triển khai Cuộc thi “Sáng kiến bảo đảm an toàn trường học, phòng chống bạo lực học đường và lao động trẻ em năm 2024” cho tất cả đối tượng học sinh tiểu học, THCS, THPT và lựa chọn 15 sản phẩm dự thi cấp quốc gia.
Sở Thông tin và Truyền thông đã xây dựng 5 chuyên đề phát thanh phòng chống xâm hại, tai nạn thương tích, đuối nước ở trẻ em; hướng dẫn các biện pháp bảo vệ trẻ em trên không gian mạng... gửi phát trên hệ thống truyền thanh cơ sở, hệ thống truyền thanh cơ sở cấp xã đã thực hiện 30 lượt, tuyên truyền về công tác bảo vệ trẻ em, các kỹ năng phòng ngừa, ngăn chặn nguy cơ tổn hại cho trẻ em.
Về phía Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, đơn vị đã tổ chức 10 sự kiện truyền thông tại trường học và cộng đồng, trong đó 9 cuộc truyền thông, 1 phiên tòa giả định về nội dung phòng, chống mua bán người và thúc đẩy di cư an toàn cho 5.550 cán bộ, hội viên phụ nữ, đoàn viên thanh niên tham gia.
Đồng thời, các huyện, thành phố, thị xã đã chủ động triển khai các hoạt động truyền thông, tập huấn về bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Tiêu biểu, như huyện Kỳ Anh tổ chức 39 chương trình tuyên truyền pháp luật an toàn giao thông; phòng chống ma túy; phòng chống đuối nước, tai nạn thương tích, bạo lực học đường, tuyên truyền và ký cam kết về quản lý, sử dụng pháo theo Nghị định 137/2020/NĐ-CP.
Thành phố Hà Tĩnh tổ chức 18 buổi nói chuyện chuyên đề, tọa đàm, sinh hoạt các câu lạc bộ, 19 buổi sinh hoạt, tuyên truyền tập huấn kỹ năng phòng chống tai nạn thương tích, phòng chống đuối nước, phòng chống bạo lực, phòng chống xâm hại, tuyên truyền Luật Trẻ em... cho trẻ em và cha, mẹ, người chăm sóc trẻ. Đồng thời, tổ chức phát thanh 1.180 chương trình phát thanh, truyền hình, phát thanh măng non tại các thôn, xóm, tổ dân phố.
Tăng cường phối hợp, tổ chức hoạt động tập huấn
Với việc triển khai hàng loạt hoạt động tuyên truyền, Hà Tĩnh đã từng bước nâng cao được nhận thức, trách nhiệm của các sở, ngành, địa phương đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em
Điển hình, như lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em cấp tỉnh năm 2024 do UBND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức tại Trường Tiểu học thị trấn Đức Thọ với chủ đề “Hành động thiết thực, ưu tiên nguồn lực trẻ em”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Lê Ngọc Châu đã đề nghị các cấp, ngành tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, trong đó có việc đẩy mạnh và đa dạng các hình thức tuyên truyền về lĩnh vực trẻ em phù hợp với từng nhóm đối tượng, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức, kỹ năng chăm sóc, bảo vệ trẻ em cho cộng đồng và gia đình. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ trẻ em; xử lý nghiêm, kịp thời các cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về bảo vệ trẻ em, vi phạm quyền trẻ em.
Mới đây, Trung tâm Công tác xã hội - Giáo dục nghề nghiệp cho người khuyết tật Hà Tĩnh phối hợp với Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Thạch Hà đã tổ chức lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội trên địa bàn. Tham gia tập huấn, hơn 200 cán bộ, nhân viên, cộng tác viên công tác xã hội trên địa bàn huyện Thạch Hà đã được truyền tải nội dung chuyên đề phòng chống bạo hành, xâm hại trẻ em.
|
Các em được giải quyết những tình huống cụ thể, hướng dẫn biện pháp phòng tránh xâm hại qua các buổi tập huấn |
Tại buổi tập huấn, giảng viên đã chia sẻ những tình huống từ thực tiễn, cung cấp các kiến thức bổ ích, kỹ năng cần thiết để các cán bộ, nhân viên, cộng tác viên xã hội tìm ra cách giải quyết, xử lý khi trẻ em có dấu hiệu bị bạo lực, xâm hại. Đây là hoạt động ý nghĩa góp phần nâng cao kiến thức, kỹ năng phát huy vai trò trách nhiệm của nhân viên công tác xã hội khi tham gia trợ giúp, giải quyết tình huống nhằm giảm thiểu tối đa số vụ bạo lực, xâm hại trẻ em ngay tại địa phương.
Tiếp nối chuỗi hoạt động, thời gian tới, tỉnh Hà Tĩnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh thông tin, truyền thông, giáo dục, vận động xã hội nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về bảo vệ trẻ em của chính quyền các cấp, các tổ chức, gia đình, nhà trường, cộng đồng xã hội. Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, tập huấn cung cấp, trang bị kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em các cấp, cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và trẻ em về phòng, chống bạo lực, xâm hại, tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em.