Vừa qua, tại hội thảo Đổi mới sáng tạo phát triển ngành y dược, tăng cường tiếp cận y tế chất lượng cao cho người dân do Báo Đầu tư tổ chức, ông Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết năm 2024 là năm then chốt với việc rà soát, sửa đổi các luật và quy định quan trọng định hình hoạt động của ngành y dược.
Ông Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế, phát biểu tại hội thảo.
Tháng 10 tới đây, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược sẽ tiếp tục được Quốc hội thảo luận, xem xét. Nếu được thông qua, Luật Dược sửa đổi sẽ đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, bệnh viện và người bệnh.
"Việt Nam đang nhập khẩu 80%, nhưng có tiềm lực lớn về vùng nguyên liệu. Nguồn nhân lực, con người cũng rất sẵn sàng. Theo các quy định sửa đổi, chúng tôi đề xuất những ưu tiên cho việc sản xuất thuốc tại Việt Nam, bao gồm việc ưu tiên cấp giấy phát hành, ưu tiên nằm trong danh sách thuốc được ban hành…"- ông Tuyên nói.
Bộ Y tế đang rà soát, sửa đổi Luật Dược để trình Quốc hội xem xét với định hướng thu hút đầu tư phát triển các hoạt động nghiên cứu phát triển công nghệ, sản xuất hoặc chuyển giao công nghệ để sản xuất dược chất, thuốc mới, thuốc biệt dược gốc, thuốc hiếm, thuốc chuyên khoa đặc trị, thuốc generic có dạng bào chế công nghệ cao, sinh phẩm tương tự... của các tập đoàn dược phẩm nước ngoài tại Việt Nam nhằm chủ động, phát triển bền vững sản xuất trong nước.
Theo lãnh đạo Bộ Y tế, hội thảo này là cơ hội để Bộ Y tế tìm hiểu, tiếp nhận các ý kiến để việc hoàn thiện các văn bản định hướng như sửa đổi Luật Dược và các văn bản hướng dẫn để đảm bảo tính phù hợp, khả thi và đúng chủ trương của Chính phủ. Đồng thời, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu phát triển công nghệ, sản xuất hoặc chuyển giao công nghệ sản xuất nguyên liệu làm thuốc, thuốc gốc, thuốc chất lượng cao.
Chia sẻ bên lề hội thảo, PGS-TS Lê Văn Truyền, Chủ tịch Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc (Bộ Y tế), cho biết sửa đổi Luật Dược lần này có thể đạt được mục tiêu là thể chế hóa được các chủ trương chính sách của Chính phủ để phát triển ngành dược từ nay đến năm 2030, đặc biệt đến 2045.
Ngành công nghiệp dược Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng cao trong 10 năm qua. Hiện thị trường thuốc Việt khoảng 7,5 tỉ USD, bình quân tiêu thụ thuốc 70 USD/đầu người, tăng gấp 10 lần so với năm 2000. Việt Nam đang thuộc nhóm quốc gia có tổng giá trị thị trường dược phẩm và mức tăng trưởng ngành dược nhanh nhất thế giới.
PGS Truyền nhận định tới đây ngành dược sẽ có sự thay đổi cấu trúc thị trường dược phẩm từ thuốc hóa dược sang thuốc sinh học, sinh học tương tự bởi những sản phẩm này mới giải quyết được tận gốc của bệnh tật. Dự báo, thị phần thuốc sinh học, sinh học tương tự sẽ chiếm khoảng một nửa thị trường dược phẩm toàn cầu.
Các chuyên gia trong lĩnh vực dược phẩm cho rằng để huy động các tập đoàn dược phẩm đa quốc gia hợp tác tại Việt Nam cần có chính sách thông thoáng để thu hút đầu tư.
Cùng đó, doanh nghiệp trong nước cần hiện đại hóa dây chuyền, công nghệ bào chế các sản phẩm chất lượng cao dưới dạng thuốc y học cổ truyền hoặc dạng bào chế hiện đại theo tiêu chuẩn GMP để sản xuất quy mô lớn, hướng đến xuất khẩu.