Thứ Bảy, 15/02/2025 15:43 (GMT+7)

7 hiểu lầm tai hại về bệnh cúm khiến bạn có thể gặp nguy hiểm tính mạng

Cúm chỉ là cảm lạnh nặng, không có triệu chứng cúm thì không lây bệnh, kháng sinh là thuốc trị cúm... Đó là những hiểu nhầm về bệnh cúm của không ít người, mặc dù trong thời gian gần đây, báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng đã ‘ngập tràn’ thông tin về căn bệnh cúm mùa.
Ảnh đại diện tin bài

Nhiều người vẫn còn hiểu sai về bệnh cúm.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực sức khỏe bà mẹ, trẻ emMột bệnh viên liên tiếp có 7 trẻ nhập viện vì đuối nước

Bác sĩ Phạm Thái Anh (bệnh viện Bắc Thăng Long) cho biết, cúm là một trong những bệnh truyền nhiễm phổ biến, nhưng có một sự thật là đang giữa thời điểm bùng phát của bệnh cúm, nhiều người trong chúng ta vẫn hiểu nhầm về căn bệnh này.

Cúm chỉ là cảm lạnh nặng

Hầu hết các trường hợp cúm có thể tự khỏi sau 2- 7 ngày mà không cần can thiệp y tế. Đây chính là điều khiến nhiều người cho rằng cúm chỉ là cảm lạnh nặng. Tuy nhiên, dù phần lớn người bệnh có thể hồi phục mà không gặp biến chứng, vẫn có những trường hợp diễn biến nghiêm trọng.

Cúm là bệnh do virus cúm gây ra, khác với cảm lạnh thông thường. Mặc dù bệnh cúm với cảm lạnh có nhiều triệu chứng khá giống nhau nhưng các triệu chứng cúm thường đến nhanh hơn và bạn có nhiều khả năng bị sốt cao hơn, mệt mỏi, đau đầu, đau nhức cơ bắp, ho, rùng mình và cảm giác nóng lạnh. 

Cúm không chỉ gây khó chịu ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống mà còn có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, nhiễm trùng huyết, suy hô hấp, viêm cơ tim, viêm tai giữa và viêm xoang. Trong đó, viêm phổi là biến chứng phổ biến và nghiêm trọng nhất. Virus cúm tấn công niêm mạc đường hô hấp tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập, làm tăng nguy cơ bội nhiễm. Ví dụ, nếu bệnh nhân nhiễm đồng thời virus cúm và vi khuẩn phế cầu, nguy cơ tử vong có thể cao gấp 8 lần so với chỉ nhiễm cúm đơn thuần. Một số nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc biến chứng cúm, bao gồm: Người trên 65 tuổi; Người có bệnh nền như tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch, thận...; Phụ nữ mang thai; Trẻ em dưới 5 tuổi.

Mắc cúm để hệ miễn dịch được làm quen

Nhiều người cho rằng nhiễm cúm có thể giúp hệ miễn dịch trở nên mạnh mẽ hơn bằng cách ‘huấn luyện’ cơ thể chống lại bệnh tật. Đây chính là một sai lầm khác trong quan niệm về bệnh cúm. Khi mắc cúm, cơ thể chỉ tạo ra kháng thể bảo vệ trong thời gian ngắn nhưng vẫn có nguy cơ tái nhiễm với các chủng virus khác. Hơn nữa, hệ miễn dịch không phải lúc nào cũng duy trì sự bảo vệ tối ưu, đặc biệt đối với người lớn tuổi, phụ nữ mang thai hoặc những người mắc các bệnh nền. Tình trạng căng thẳng kéo dài cũng có thể làm suy yếu hệ miễn dịch, khiến cơ thể dễ bị tổn thương hơn trước virus cúm.

Ngoài ra, không có nghiên cứu khoa học nào chứng minh rằng việc nhiễm cúm sẽ giúp hệ miễn dịch hoạt động hiệu quả hơn. Vì vậy chúng ta không nên cho rằng bệnh cúm là một thử thách có lợi cho hệ miễn dịch.

Có thể nhận biết về bệnh cúm mà không cần xét nghiệm cúm

GS.TS Phan Trọng Lân (Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương) khẳng định, việc phân biệt cúm với các bệnh hô hấp khác chỉ có thể xác định chính xác qua xét nghiệm. Cúm có triệu chứng như sốt, ho, đau nhức cơ thể, nhức đầu, nghẹt mũi tương tự nhiều bệnh viêm đường hô hấp khác, nên khó nhận biết bằng triệu chứng thông thường.

Để có kết quả xét nghiệm chính xác, thời điểm thích hợp để lấy mẫu xét nghiệm là sau khi đã mắc bệnh khoảng 2-3 ngày. Trong giai đoạn này, nồng độ virus cúm trong cơ thể thường cao nhất, làm tăng khả năng phát hiện chính xác. Nếu thực hiện xét nghiệm sớm hơn, virus cúm có thể đang trong thời gian ủ bệnh, nồng độ virus chưa đủ để nhận biết dẫn tới kết quả xét nghiệm không chính xác.

Người khỏe mạnh không cần tiêm vắc xin phòng cúm hoặc không cần tiêm hàng năm

Các chuyên gia y tế khẳng định, cúm có thể biến chứng ở người khỏe mạnh, không có bệnh nền. Các nghiên cứu cho thấy, những người đã tiêm vắc xin cúm có nguy cơ phải vào viện chăm sóc đặc biệt (ICU) thấp hơn 26% và nguy cơ tử vong do cúm thấp hơn 31% so với người chưa tiêm.

Vì thế, dù ít nguy cơ biến chứng, người khỏe mạnh vẫn có thể mắc cúm và lây lan cho người xung quanh. Bên cạnh đó, tiêm vắc xin giúp tạo ‘miễn dịch cộng đồng’. giúp hạn chế sự lây lan của virus, bảo vệ gián tiếp cho cả những người chưa tiêm hoặc chưa thể tiêm vắc xin như trẻ sơ sinh, người dị ứng vắc xin. Đồng thời, việc giảm sự lây truyền virus cúm có giá trị trong việc giảm tỷ lệ lây nhiễm ở những nơi không thể tránh khỏi việc tiếp xúc gần với người khác trong môi trường công cộng như bệnh viện, trường học…

Ngoài ra, bạn cần nhớ rằng, virus cúm biến đổi liên tục. Đây là lý do mà vắc xin cúm được cập nhật mỗi năm để phù hợp với chủng virus đang lưu hành. Do đó, để bảo vệ cơ thể khỏi căn bệnh cúm và các biến chứng nguy hiểm, cần tiêm vắc xin cúm hằng năm. Thời gian lý tưởng là trước mùa dịch (tháng 10-12).

Không có triệu chứng thì không lây bệnh

Ngay cả khi bạn cảm thấy khỏe, hầu hết người trưởng thành nhiễm virus cúm đều có khả năng lây nhiễm cho người khác thậm chí trước cả khi xuất hiện các triệu chứng bệnh và tới tận 7 ngày sau khi bạn đã ‘gục ngã’ vì bệnh cúm. Do đó, bạn nên thực thi 2 thói quen văn minh sau để ngăn việc nhiễm hoặc lây truyền cúm: Nếu cảm thấy không khỏe, bạn hãy nghỉ ngơi ở nhà, tránh nơi tụ tập đông người để phòng việc lây lan virus cho người khác. Nếu thấy có các triệu chứng như cúm, bạn luôn phải đeo khẩu trang và che miệng cũng như mũi khi ho hoặc hắt hơi. Trong mùa cúm như hiện nay, bạn lại càng phải đặc biệt ghi nhớ 2 điều đó.

Kháng sinh là thuốc điều trị cúm

Khi bị cúm, người dân không tự ý mua kháng sinh dùng bởi lẽ kháng sinh không có tác dụng với cúm mà có nhiều tác hại trong trường hợp này- ThS.BS. Đồng Phú Khiêm - Phó Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết.

Kháng sinh chỉ tiêu diệt vi khuẩn, không có tác dụng với virus cúm. Lạm dụng kháng sinh làm tăng nguy cơ kháng thuốc. Người dân cũng không tự ý uống thuốc kháng virus, ví dụ như Tamiflu, để điều trị cúm bởi đây là thuốc phải uống theo chỉ định của bác sĩ.

Ăn uống đủ chất và bổ sung vitamin C là đủ để ‘kháng cự’ với bệnh cúm

Mặc dù dinh dưỡng tốt hỗ trợ hệ miễn dịch, nhưng không ngăn ngừa được virus cúm. Cách phòng bệnh hiệu quả nhất vẫn là tiêm vaccine ngừa cúm mỗi năm và hình thành những thói quen lành mạnh trong cuộc sống hàng ngày như rửa tay thường xuyên và đeo khẩu trang khi tới các nơi công cộng.

PV
Khám, điều trị miễn phí các bệnh về răng miệng cho trẻ bại não
Khám, điều trị miễn phí các bệnh về răng miệng cho trẻ bại não

Sáng 17/4, Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột (thành phố Buôn Ma Thuột) phối hợp với Chi hội Hội Gia đình trẻ bại não Việt Nam tỉnh Đắk Lắk tổ chức Chương trình nhân đạo “Khám, chữa bệnh và tư vấn chăm sóc răng miệng cho trẻ bại não” trên địa bàn.

Sữa giả gây hại sức khỏe thế nào
Sữa giả gây hại sức khỏe thế nào?

(SKTE) - Với gần 600 sản phẩm sữa giả được phát hiện, trong đó có nhiều loại sữa được người dân sử dụng nhiều năm qua đặt ra câu hỏi lớn về tác hại của sữa giả với sức khỏe.

Logo Tạp chí Sức khỏe trẻ em
© Bản quyền 2024 Sức khỏe Trẻ em
Hotline: Hà Nội - (024) 37 765 156 / TP HCM - 0936813116
Logo Tạp chí Sức khỏe trẻ em
Tạp chí Sức khỏe Trẻ em
Địa chỉ: Số 51 Vũ Ngọc Phan, Hà Nội.
Điện thoại:  0988158008; 0971251286.
Email: suckhoetreem2024@gmail.com.
Giấy phép số 298/GP-BTTTT, ngày 6/10/2024 của Bộ Thông tin và Truyền thông.
STK: 0021000568719, Ngân hàng Vietcombank
Ghi rõ nguồn Sức khỏe Trẻ em khi phát hành lại thông tin từ website này.
Thiết kế bởi Tập đoàn Trí Nam
Tổng biên tập: TS. Trần Doãn Tiến.
Phó Tổng Biên tập: TS. Nguyễn Văn Minh.
Ủy viên Ban biên tập: Nguyễn Thanh Cao
P. Trưởng ban Thư ký tòa soạn: Lê Minh Nam.
Truyền thông - Quảng cáo: Hà Diệu Hiền , Giám đốc Trung tâm Truyền thông
Tổ chức sự kiện: Nguyễn Văn Mạnh , P. Giám đốc Trung tâm Media
Trị sự: Đoàn Thanh Hà, P. Trưởng ban Trị sự