Hướng dẫn này được Bộ Y tế đưa vào cẩm nang tránh mua phải thuốc giả phát hành ngày 21/4, trong bối cảnh 21 sản phẩm thuốc giả bị thu giữ, trong đó có 4 loại được xác định là giả mạo thuốc đã được cấp phép lưu hành, gồm: Tetracyclin, Clorocid, Pharcoter và Neo-Codion. 16 sản phẩm còn lại không trùng khớp với bất kỳ loại thuốc nào nằm trong danh mục đã được Bộ Y tế cấp giấy phép đăng ký lưu hành.
Để hạn chế nguy cơ trở thành nạn nhân của thuốc giả, Bộ Y tế đưa ra một số khuyến cáo quan trọng.
Mua thuốc tại nơi uy tín: Chỉ mua thuốc ở các nhà thuốc, quầy thuốc được cấp phép, có uy tín và địa chỉ rõ ràng. Không mua từ nguồn không rõ ràng như chợ, hàng rong hoặc qua các trang mạng xã hội, livestream...
Kiểm tra bao bì và thông tin trên vỏ thuốc: Bao bì phải nguyên vẹn, không rách, mờ hoặc có dấu hiệu bị chỉnh sửa; Kiểm tra các thông tin như: tên thuốc, số lô, ngày sản xuất, hạn sử dụng, số đăng ký, tên nhà sản xuất. Các thông tin này phải rõ ràng, không tẩy xóa.
So sánh với bao bì chính hãng (nếu có) để phát hiện sự khác biệt về màu sắc, chữ in, hoặc logo; quan sát màu sắc, kích thước, ký hiệu trên viên thuốc, hộp thuốc. Nếu có sự khác biệt so với lần sử dụng trước hoặc so với mô tả chính hãng, không nên sử dụng.
Sử dụng ứng dụng quét mã vạch/mã QR để kiểm tra thông tin sản phẩm (trường hợp có in mã vạch/mã QR trên vỏ hộp, mã không quét được hoặc thông tin không khớp, hãy nghi ngờ).
Yêu cầu hóa đơn và chứng từ: Khi mua thuốc, yêu cầu hóa đơn mua hàng để đảm bảo nguồn gốc. Hóa đơn cũng là cơ sở để khiếu nại nếu phát hiện thuốc giả.
Chú ý giá cả bất thường: Thuốc giả thường được bán với giá rẻ bất thường để thu hút người mua. Nếu giá quá thấp so với thị trường, cần cẩn trọng.
Tìm hiểu thông tin từ nguồn chính thức: Tra cứu thông tin thuốc trên website của Cục Quản lý Dược (dav.gov.vn) hoặc các trang web uy tín của nhà sản xuất. Tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi mua. Đối với thuốc kê đơn chỉ mua thuốc theo đơn thuốc của bác sĩ.
Cảnh giác với thuốc bán online: Kể từ ngày 1/7/2025, khi Luật số 44/2024 sửa đổi bổ sung một số điều của Luật dược có hiệu lực thi hành thì một số thuốc (thuốc không kê đơn) mới được kinh doanh (bán lẻ) theo phương thức thương mại điện tử trên sàn giao dịch thương mại điện tử, ứng dụng thương mại điện tử bán hàng, website thương mại điện tử bán hàng có chức năng đặt hàng trực tuyến.
Sau ngày 1/7/2025, trường hợp mua thuốc qua mạng, chỉ mua thuốc trên các trang web được cấp phép bán thuốc trực tuyến được phép; không mua qua các nền tảng mạng xã hội hoặc người bán cá nhân không rõ danh tính.
Hạn chế mua thuốc theo lời quảng cáo: Tránh tin vào các lời quảng cáo "thần dược" hoặc thuốc không rõ nguồn gốc được rao bán qua mạng hoặc truyền miệng.
Báo cáo nếu nghi ngờ: Nếu phát hiện dấu hiệu thuốc giả, báo ngay cho cơ quan chức năng như Sở Y tế, Cục Quản lý Dược hoặc công an địa phương để xử lý. Nếu đã mua phải thuốc giả, ngừng sử dụng ngay và liên hệ cơ sở y tế để được tư vấn. Việc sử dụng thuốc giả có thể gây nguy hiểm nghiêm trọng đến sức khỏe.
 |
Danh mục 16 thuốc chưa được cấp số đăng ký. Ảnh: Bộ Y tế |
Cách tra cứu thông tin số đăng ký và mẫu nhãn thuốc đã được cấp phép
Bước 1:Truy cập hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Cục Quản lý Dược, mục Đăng ký thuốc, tra cứu số đăng ký, tại địa chỉ: https://dichvucong.dav.gov.vn/congbothuoc/index
Bước 2:Tra cứu giấy đăng ký thuốc, nguyên liệu làm thuốc lưu hành tại Việt Nam, nhập thông tin thuốc cần tìm (có thể tra cứu theo tên thuốc, cơ sở sản xuất, cơ sở đăng ký, số đăng ký lưu hành thuốc, ...)
Bước 3: Đối chiếu và kiểm tra kết quả, hệ thống sẽ cung cấp: Thông tin đầy đủ về thuốc tại các cột tên thuốc, số đăng ký, dạng bào chế, hoạt chất, hàm lượng, cơ sở đăng ký, sản xuất. Xem mẫu nhãn, hướng dẫn sử dụng thuốc.
Nếu kết quả tra cứu cho kết quả hiển thị các thông tin nêu trên, thì loại thuốc tra cứu đã được cấp phép lưu hành. Ngược lại, kết quả tra cứu không hiển thị thông tin đã nêu thì có thể xác định loại thuốc tra cứu không được cấp đăng ký lưu hành. Đây có thể là thuốc giả.
Theo các bác sĩ, thuốc giả che giấu triệu chứng, làm chậm chẩn đoán, điều trị, nguy cơ gây biến chứng nguy hiểm, nhất là ở bệnh tim mạch, tiểu đường, xương khớp. Như Tetracyclin là một trong những kháng sinh phổ biến dùng điều trị các nhiễm trùng da, tiết niệu, hô hấp. Khi người bệnh dùng Tetracyclin giả - tức là không có hoạt chất kháng sinh, hoặc chứa tạp chất - vi khuẩn sẽ không bị tiêu diệt mà tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Vi khuẩn không bị kiểm soát sẽ sinh sôi nhanh, lan vào máu, phổi hoặc các cơ quan nội tạng là lúc nhiễm khuẩn huyết xảy ra, tỷ lệ tử vong cao nếu không được xử lý kịp thời.