Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm của trường hợp tiếp xúc với ca bệnh bạch hầu ở Thanh Hóa. Ảnh: Hoa Mai
Để tăng cường công tác phòng, chống dịch, không để lây lan kéo dài, trên diện rộng, Cục Y tế dự phòng đã có văn bản gửi Sở Y tế Thanh Hoá, đề nghị Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa tiếp tục chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 68/CĐ-TTg ngày 13/7/2024 về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh bạch hầu.
Sở Y tế Thanh Hóa đã tăng cường khẩn trương rà soát các trường hợp tiếp xúc gần với trường hợp mắc bệnh bạch hầu; giám sát phát hiện sớm các trường hợp nghi mắc bệnh tại ổ dịch và tại cộng đồng, lấy mẫu xét nghiệm xác định kịp thời trường hợp mắc bệnh, triển khai các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch, tổ chức điều tra và điều trị kháng sinh dự phòng cho tất cả các trường hợp tiếp xúc gần theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Cục Y tế dự phòng cũng đề nghị Sở Y tế Thanh Hóa rà soát, thống kê các đối tượng chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đầy đủ vắc xin phòng bệnh bạch hầu ở tất cả các xã, phường và tổ chức tiêm bổ sung, tiêm vét, nhất là tại các địa bàn có lưu hành bệnh bạch hầu và có tỷ lệ tiêm chủng thấp.
Đảm bảo vắc xin, thuốc kháng sinh điều trị dự phòng, huyết thanh kháng độc tố, hóa chất… để triển khai các hoạt động phòng, chống dịch. Trường hợp cần thiết, huy động nhân lực, cử các đội cơ động chống dịch, đội cấp cứu lưu động hỗ trợ cho các địa phương triển khai công tác phòng, chống dịch; kiểm soát nhiễm khuẩn và tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát, chỉ đạo tại các khu vực có nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Việc Thanh Hóa công bố dịch bạch hầu tại Mường Lát khi tại địa phương mới chỉ có 3 ca bạch hầu, lãnh đạo Cục Y tế dự phòng cho hay, việc công bố dịch bệnh nhóm B như bệnh bạch hầu do UBND tỉnh, thành quyết định, trên cơ sở đánh giá các yếu tố dịch tễ.
Theo quy định hiện hành (tại khoản 2 điều 2 Quyết định 02/2016/QĐ-TT) điều kiện công bố dịch bệnh truyền nhiễm đối với bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B gồm 3 điều kiện:
Một xã, phường, thị trấn được coi là có dịch khi có số người mắc bệnh vượt quá số mắc trung bình của tháng cùng kỳ 3 năm gần nhất.
Một huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh được coi là có dịch khi có từ 2 xã có dịch trở lên.
Một tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư được coi là có dịch khi có từ 2 huyện có dịch trở lên.
Để đánh giá, công bố dịch, ngay sau khi nhận được thông tin người bệnh được chẩn đoán mắc bệnh truyền nhiễm, sở y tế tại nơi người mắc bệnh truyền nhiễm cư trú có trách nhiệm tổ chức điều tra xác minh dịch.
Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi xác định có dịch, sở y tế nơi có dịch xảy ra có trách nhiệm báo cáo chủ tịch UBND tỉnh.
Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi nhận được báo cáo của sở y tế, chủ tịch UBND tỉnh nơi xảy ra dịch có trách nhiệm xem xét, quyết định việc công bố dịch nhóm B theo thẩm quyền.
PV