Mức độ nguy hiểm của viêm cầu thận cấp ở trẻ
Viêm cầu thận cấp tính là tình trạng viêm lan tỏa không sinh mủ tại tất cả các vị trí thận của hai thận. Bệnh gặp phổ biến ở trẻ nhỏ từ 3 - 8 tuổi. Nguyên nhân chủ yếu của bệnh được xác định do nhiễm liên cầu khuẩn nhóm A, tụ cầu, phế cầu, ký sinh trùng, một số loại virus như viêm gan B, sởi, quai bị, thủy đậu...
Ngoài ra, bệnh cũng có thể hình thành do người bệnh mắc lupus hệ thống, viêm quanh các vi mao mạch, ngộ độc muối kim loại nặng, hoặc quá mẫn cảm với một số loại thuốc như sulfamid, penicillin...
Viêm cầu thận cấp không chỉ là một bệnh đơn thuần mà là hội chứng cầu thận cấp. Do bệnh cảnh lâm sàng thường giống nhau nhưng những tổn thương mô bệnh học lại rất đa dạng. Khởi nguồn của bệnh không chỉ do liên cầu mà còn có sau nhiễm tụ cầu, virus, phế cầu. Hội chứng viêm cầu thận cấp còn có biểu hiện thứ phát sau các bệnh ban dạng thấp, viêm quanh động mạch dạng nút, lupus ban đỏ hệ thống.
Viêm cầu thận bán cấp và viêm cầu thận cấp ác tính được xem như viêm cầu thận thể tiến triển nhanh do bệnh có diễn biến nhanh, tỷ lệ tử vong sớm do suy thận. Tiên lượng suy thận mạn giai đoạn cuối nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách.
Viêm cầu thận cấp tính ở trẻ có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm
ThS.BS Ngô Thị Cam cho biết, trong nhiều trường hợp, sự nguy hiểm của viêm cầu thận cấp chính là bệnh thường diễn tiến một cách thầm lặng, không có triệu chứng lâm sàng nên người bệnh không biết mình bị bệnh. Tuy nhiên, bệnh cũng có thể biểu hiện rầm rộ với các triệu chứng như phù hai chân, tiểu ra máu, tiểu ít (thiểu niệu, vô niệu), sốt nhẹ, chán ăn, buồn nôn, đau tức vùng bụng...
Khi xuất hiện các dấu hiệu trên, cha mẹ cần kịp thời đưa trẻ đến cơ sở y tế thăm khám để được chẩn đoán chính xác bệnh. Viêm cầu thận nếu không được điều trị kịp thời, trẻ có thể đối diện với các biến chứng nghiêm trọng như:
Suy thận cấp: Tình trạng chức năng thận suy giảm nhanh chóng, đột ngột. Nếu không xử trí kịp thời có thể khiến chức năng thận không hồi phục, tiến triển suy thận mạn và đe dọa tính mạng.
Suy thận mạn: Tình trạng chức năng thận bị suy giảm một cách rõ rệt, gần như không còn khả năng phục hồi. Quá trình điều trị suy thận mạn diễn ra rất phức tạp và tốn kém. Ở giai đoạn cuối, bệnh nhân cần được duy trì lọc máu, hoặc ghép thận... dễ dàng khiến người bệnh mệt mỏi, khó kiên trì điều trị đến cuối cùng.
Tăng huyết áp, co giật toàn thân dẫn tới tử vong: Khi bị tăng huyết áp kịch phát, trẻ có thể bị đột quỵ, phù não cấp hay bệnh não huyết áp cao, biểu hiện là nhức đầu, buồn nôn, chóng mặt, mờ mắt, hôn mê, co giật toàn thân và nặng nề nhất dẫn đến tử vong.
Suy tim cấp: Trước tình trạng viêm cầu thận cấp, thận không đào thải ra ngoài được đe dọa đến tính toàn vẹn của tế bào cơ tim. Một khi não không đủ máu nuôi sẽ dẫn đến rối loạn tri giác, trẻ lơ mơ, mê man và hôn mê. Đồng thời, máu cũng giảm tưới đến thận, làm nặng thêm tình trạng suy thận cấp.
Phù phổi cấp: Phù phổi cấp là một hậu quả của tình trạng cao huyết áp đột ngột kéo dài gây ra tại phổi. Ban đầu, trẻ có biểu hiện khó thở, thở nhanh và thở co kéo ngực bụng. Khi diễn tiến nặng dần, trẻ suy hô hấp cấp, môi tím tái, thở ngáp và miệng trào bọt hồng. Trong tình huống này, nếu không được hồi sức kịp thời bằng cách đặt ống thở và thở máy, trẻ có nguy cơ tử vong rất cao.
Viêm cầu thận mạn: Biểu hiện lâm sàng là phù từng đợt, tăng huyết áp, protein niệu, hồng cầu niệu thường xuyên, lâu dần dẫn đến suy thận mạn ngày càng nặng và cuối cùng là bệnh thận giai đoạn cuối.
|
Viêm cầu thận cấp nguy hiểm đến tính mạng trẻ em |
Cách điều trị viêm cầu thận cấp
Bệnh viêm cầu thận cấp có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Tuy nhiên, trẻ em bị viêm thận cấp cần thay đổi chế độ dinh dưỡng lẫn thói quen sống lành mạnh để phục hồi chức năng thận. Phương pháp được áp dụng với những người viêm cầu thận có tiên lượng tốt và triệu chứng tương đối nhẹ.
Trong trường hợp, người bệnh viêm cầu thận cấp gặp tình trạng bí tiểu nhiều, gây bất tiện trong cuộc sống có thể sử dụng thuốc lợi tiểu. Tuy nhiên, người bệnh cần đến thăm khám với bác sĩ để được chỉ định thuốc và phác đồ điều trị phù hợp với tình trạng cơ thể người bệnh. Nếu trẻ em bị viêm cầu thận cấp tính do các bệnh nhiễm trùng, cần phải sử dụng kháng sinh diệt liên cầu khuẩn trước rồi mới điều trị bằng chế độ dinh dưỡng sau.
Để loại bỏ liên cầu khuẩn, ngăn ngừa nguy cơ tái phát viêm cầu thận cấp ở trẻ nhỏ, bác sĩ có thể kê đơn điều trị kháng sinh cho trẻ. Cha mẹ cần tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn dùng thuốc của bác sĩ, không lạm dụng thuốc để ngăn ngừa biến chứng có thể xảy ra.
Song song đó, cha mẹ lưu ý cho trẻ nghỉ ngơi, tránh vận động mạnh trong thời gian điều trị. Chế độ dinh dưỡng được khuyến nghị cho trẻ trong giai đoạn này đó là ăn nhạt, uống nhiều nước, tăng cường tiêu thụ thực phẩm chứa nhiều pipid và glucid như trứng, sữa, phomai, các loại hạt, ngũ cốc...
Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong quá trình cải thiện và nâng cao sức khỏe thận. Bệnh viêm cầu thận cấp có thể phòng ngừa bằng cách uống nhiều nước và áp dụng chế độ ăn ít muối. Việc ăn mặn và thiếu nước được biết là một trong những thói quen hàng đầu tăng cao nguy cơ bị các bệnh về thận, bao gồm viêm cầu thận cấp.