Thứ Tư, 09/07/2025 08:43 (GMT+7)

Đừng để nỗi buồn của con lớn lên trong im lặng

Trầm cảm ở trẻ em không ồn ào, không dễ nhận ra nhưng nếu không được lắng nghe và chữa lành kịp thời, nó có thể cướp đi cả tuổi thơ lẫn tương lai của con.
Ảnh đại diện tin bài

Nhiều bậc cha mẹ mải miết bươn chải kiếm tiền, lo cho con cái đủ đầy về vật chất, học hành trường lớp tử tế, nhưng lại vô tình thiếu đi thứ mà con thật sự cần nhất đó là sự quan tâm và thấu hiểu về tinh thần. Không ít đứa trẻ hôm nay lớn lên trong áp lực học tập nặng nề, kỳ vọng thành tích cao ngất từ cha mẹ, cộng thêm sức ép vô hình từ bạn bè, mạng xã hội. Tất cả khiến các em dễ rơi vào trạng thái căng thẳng, buồn bã kéo dài mà không biết chia sẻ cùng ai.  

Những dấu hiệu cha mẹ dễ bỏ qua

Khác với người lớn, trầm cảm ở trẻ em và tuổi vị thành niên thường không bộc lộ rõ ràng. Có em sẽ trở nên im lặng bất thường, thu mình trong phòng, tránh giao tiếp với mọi người. Có em lại dễ nổi nóng, cáu kỉnh, bất cần hoặc bướng bỉnh. Một số trẻ mất hứng thú với những thứ từng yêu thích như chơi thể thao, gặp gỡ bạn bè, tham gia các hoạt động ngoại khóa.

Thói quen ăn uống, giấc ngủ cũng thay đổi, có em ăn rất ít, sụt cân nhanh chóng, hoặc ngược lại ăn vô độ, ngủ li bì hoặc mất ngủ kéo dài. Nhiều trẻ than mệt mỏi, đau đầu, đau bụng mà khám không ra bệnh. Đặc biệt, khi tình trạng nặng hơn, trẻ có thể tự làm đau bản thân, thậm chí nghĩ đến cái chết như một cách giải thoát.

Những dấu hiệu này dễ bị nhầm lẫn với sự nổi loạn tuổi teen hoặc bị gán nhãn lười biếng, vô kỷ luật. Thay vì lắng nghe, thấu hiểu, nhiều cha mẹ lại quát mắng, phạt con, vô tình làm con khép mình lại sâu hơn.

Nguyên nhân từ đâu?

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến trầm cảm ở trẻ em và thanh thiếu niên. Áp lực học tập, thi cử, kỳ vọng thành tích luôn đứng đầu danh sách. Nhiều em phải chạy đua với lịch học thêm dày đặc từ sáng đến tối, không còn thời gian nghỉ ngơi, vui chơi, phát triển kỹ năng mềm hay đơn giản là được làm điều mình thích.

Gia đình thiếu gắn kết cũng là yếu tố nguy cơ. Những gia đình thường xuyên căng thẳng, cha mẹ mâu thuẫn, ly hôn hoặc quá bận rộn, con thiếu người chia sẻ, thiếu điểm tựa tinh thần. Bên cạnh đó, bạo lực học đường, bắt nạt trên mạng xã hội, những lời miệt thị ngoại hình, điểm số, giới tính… cũng có thể âm thầm hủy hoại tâm lý trẻ.

Cha mẹ cần làm gì?

Nhiều nghiên cứu cho thấy, gia đình chính là hàng rào bảo vệ đầu tiên và quan trọng nhất với sức khỏe tinh thần của trẻ. Hãy bắt đầu bằng những việc nhỏ nhất: Dành thời gian chất lượng cho con. Thay vì chỉ hỏi “Hôm nay con được mấy điểm?”, hãy hỏi “Hôm nay ở trường con có chuyện gì vui?”, “Có gì làm con lo lắng không?”, “Bạn bè, thầy cô có điều gì con muốn chia sẻ?”.

Quan trọng nhất, hãy lắng nghe mà không phán xét. Trẻ cần cảm thấy mình được tin tưởng, được tôn trọng, được cha mẹ hiểu và đứng về phía mình. Khi trẻ nói về nỗi buồn, sợ hãi hay lo âu, đừng vội chối bỏ hay gạt đi bằng những câu kiểu “Con còn bé biết gì”, “Ráng lên rồi sẽ qua”, “Toàn chuyện vớ vẩn”. Với các em, đó có thể là cả thế giới. Nếu phát hiện các dấu hiệu trầm cảm kéo dài (ít nhất từ 2 tuần trở lên), cha mẹ nên đưa con đến gặp bác sĩ tâm thần nhi hoặc chuyên gia tâm lý. Trầm cảm không thể tự khỏi và để càng lâu thì điều trị càng khó.

Xây dựng môi trường tinh thần lành mạnh cho con

Hãy tạo cho con một môi trường gia đình ấm áp, an toàn, khuyến khích con chia sẻ và bày tỏ cảm xúc. Đừng chỉ coi trọng điểm số mà hãy nhìn vào nỗ lực của con. Tôn trọng sở thích, ước mơ riêng của trẻ. Cho con quyền được nghỉ ngơi, được chơi, được mắc sai lầm mà không sợ bị trừng phạt.

Cha mẹ cũng nên là tấm gương về cân bằng cảm xúc. Một người lớn thường xuyên căng thẳng, nổi nóng, lo âu sẽ dễ truyền năng lượng tiêu cực cho con. Hãy học cách chăm sóc sức khỏe tinh thần cho cả gia đình – từ những buổi dã ngoại, bữa cơm đầy đủ thành viên, cho đến việc hạn chế thiết bị điện tử, dành thời gian thật sự nhìn vào mắt nhau.

Đừng để con phải gồng mình gánh những tổn thương tinh thần trong cô độc. Trầm cảm không chừa một ai, nhưng cha mẹ có thể là lá chắn yêu thương mạnh mẽ nhất. Đừng đợi đến khi con gục ngã mới giật mình tiếc nuối. Bắt đầu từ hôm nay, hãy ở bên con, lắng nghe con, để con không còn phải trầm cảm mà không ai hay biết.

KT (theo kienthuc.net.vn )
Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tri ân những người trẻ đồng hành lan tỏa mỹ thuật Việt
Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tri ân những người trẻ đồng hành lan tỏa mỹ thuật Việt

Ngày 27/6, tại Hà Nội, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức Lễ trao quà tri ân Những người bạn yêu thích và tương tác nhiều nhất trên mạng xã hội Facebook (Fanpage của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam) và chủ nhân những video clip về Bảo tàng, được công chúng yêu thích nhất trên Tiktok. Sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 59 năm thành lập Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Chàng trai Vàng Olympic hóa học quốc tế của Vĩnh Phúc
Chàng trai 'Vàng' Olympic hóa học quốc tế của Vĩnh Phúc

Nhiều ngày sau khi giành được Huy chương Vàng Olympic Hóa học quốc tế Abu Rayhan Biruni năm 2025 được tổ chức tại Cộng hòa Uzbekistan, em Trịnh Đức Anh, 12 chuyên Hóa, Trường Trung học phổ thông Chuyên Vĩnh Phúc vẫn chưa hết bồi hồi, xúc động, tự hào vì đã góp phần mang vinh quang về cho Tổ quốc. Trịnh Đức Anh là một trong 4 thí sinh đội tuyển Việt Nam tham dự kỳ thi năm nay.

Gốm Lái Thiêu hồi sinh qua bàn tay sáng tạo của người trẻ
Gốm Lái Thiêu hồi sinh qua bàn tay sáng tạo của người trẻ

Từ vùng đất Lái Thiêu, nơi từng rực lửa lò nung giữa lòng Nam Bộ, dòng gốm mộc mạc, tinh tế một thời đang được người trẻ tiếp nối. Không chỉ là hiện vật trưng bày, gốm Lái Thiêu trở thành câu chuyện sống động, nối dài qua những bàn tay sáng tạo, giữ lại hồn quê giữa nhịp sống hiện đại.

Em sợ trả lời sai bị phạt
'Em sợ trả lời sai bị phạt'

Dưới sân trường, cô giáo hỏi học sinh có thích đọc sách không. Kỳ lạ thay, không em nào trả lời. Hỏi nhỏ một em, em bảo: 'Em sợ trả lời sai bị phạt'.

Logo Tạp chí Sức khỏe trẻ em
© Bản quyền 2024 Sức khỏe Trẻ em
Hotline: Hà Nội - (024) 37 765 156 / TP HCM - 0936813116
Logo Tạp chí Sức khỏe trẻ em
Tạp chí Sức khỏe Trẻ em
Địa chỉ: Số 51 Vũ Ngọc Phan, Hà Nội.
Điện thoại:  0988158008; 0971251286.
Email: suckhoetreem2024@gmail.com.
Giấy phép số 298/GP-BTTTT, ngày 6/10/2024 của Bộ Thông tin và Truyền thông.
STK: 0021000568719, Ngân hàng Vietcombank
Ghi rõ nguồn Sức khỏe Trẻ em khi phát hành lại thông tin từ website này.
Thiết kế bởi Tập đoàn Trí Nam
Tổng biên tập: TS. Trần Doãn Tiến.
Phó Tổng Biên tập: TS. Nguyễn Văn Minh.
Ủy viên Ban biên tập: Nguyễn Thanh Cao
P. Trưởng ban Thư ký tòa soạn: Lê Minh Nam.
Truyền thông - Quảng cáo: Hà Diệu Hiền , Giám đốc Trung tâm Truyền thông
Tổ chức sự kiện: Nguyễn Văn Mạnh , P. Giám đốc Trung tâm Media
Trị sự: Đoàn Thanh Hà, P. Trưởng ban Trị sự