Thứ Năm, 29/05/2025 18:42 (GMT+7)

Hành lang pháp lý mới cho chính sách dân số trong kỷ nguyên hiện đại

Hơn sáu thập kỷ qua, công tác dân số luôn được xác định là một trong những nhiệm vụ chiến lược hàng đầu, gắn liền với sự phát triển bền vững của đất nước.
Ảnh đại diện tin bài

Nét ngây thơ và nụ cười trong sáng của những đứa trẻ vùng cao. Ảnh: Phan Tuấn Anh/TTXVN

Người giữ lửa giữa trùng khơiLiên tiếp phát hiện các cơ sở kinh doanh hàng lậu, hàng giả ở Thổ TangHành trình 20 năm kiến tạo những điểm chạm nhân ái

Trước những thách thức dân số mới trong kỷ nguyên hiện đại, việc xây dựng Luật Dân số không chỉ cần thiết mà là yêu cầu cấp bách, nhằm chuyển trọng tâm chính sách sang “dân số và phát triển”, tận dụng cơ hội vàng và ứng phó hiệu quả với những chuyển động sâu sắc của cơ cấu dân số.

Đặt nền móng cho sự phát triển bền vững

 Những năm qua, công tác dân số tại Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần đáng kể vào việc tăng thu nhập bình quân đầu người, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao bình đẳng giới và tiến bộ xã hội, cũng như bảo vệ tài nguyên - môi trường. Việt Nam là một trong những quốc gia thực hiện thành công các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ vào năm 2015 và đang từng bước tiến tới thực hiện hiệu quả Chương trình nghị sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc đến năm 2030. Những thành tựu này là nền tảng vững chắc để Việt Nam chuyển trọng tâm chính sách từ “Kế hoạch hóa gia đình” sang “Dân số và Phát triển”.

Với dân số trên 100 triệu người, Việt Nam đang trong giai đoạn “dân số vàng” kể từ năm 2007 - giai đoạn lực lượng lao động trong độ tuổi chiếm tỷ trọng cao, tạo dư địa lớn cho phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, thời cơ này không kéo dài mãi mãi. Nếu không có các chính sách phù hợp, cơ hội “vàng” có thể nhanh chóng biến thành gánh nặng khi dân số già hóa nhanh và nguồn lao động dần suy giảm.

Kể từ năm 2006, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế (khoảng 2,1 con/phụ nữ). Tuy nhiên, xu hướng hiện nay cho thấy mức sinh đang tiếp tục giảm sâu, chỉ còn 1,91 con/phụ nữ vào năm 2024 - mức thấp nhất trong lịch sử. Đặc biệt, tại các vùng kinh tế trọng điểm như Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, mức sinh giảm xuống mức rất thấp (1,48 - 1,62), trong khi đó, nhiều khu vực khó khăn lại có mức sinh cao vượt ngưỡng (2,34 ở Trung du và miền núi phía Bắc). Sự chênh lệch này dẫn đến mất cân bằng nghiêm trọng về quy mô, cơ cấu và chất lượng dân số giữa các vùng, đe dọa tới ổn định và phát triển bền vững.

Theo đánh giá của các chuyên gia, nếu xu thế này tiếp tục kéo dài, Việt Nam có thể đối mặt với việc chấm dứt thời kỳ dân số vàng vào năm 2039, đi kèm với hàng loạt hệ lụy: thiếu hụt lao động trong tương lai, gia tăng gánh nặng an sinh xã hội, mất cân đối quỹ bảo hiểm và lãng phí hệ thống hạ tầng xã hội đã đầu tư.

Tiến sĩ Phạm Vũ Hoàng, Phó Cục trưởng Cục Dân số cho biết, công tác dân số hiện nay đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức: xu hướng mức sinh xuống thấp, chênh lệch đáng kể giữa các vùng, đối tượng; mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn ở mức cao; già hóa dân số nhanh, sớm trở thành quốc gia dân số già; chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng dân số chậm được cải thiện; quản lý di cư và phân bố dân số còn bất cập, việc tiếp cận những dịch vụ cơ bản của người di cư còn hạn chế.

Nhằm giải quyết toàn diện các vấn đề dân số hiện nay, Bộ Y tế đang chủ trì xây dựng Dự thảo Luật Dân số - một bước chuyển mình chiến lược trong công tác hoạch định chính sách dân số quốc gia.

Điều dưỡng viên Khoa Sơ sinh chăm sóc cho trẻ sinh non. Ảnh: TTXVN 

Trước đây, Việt Nam chưa có Luật Dân số, chỉ có Pháp lệnh Dân số được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành lần đầu năm 2003, có hiệu lực từ ngày 1/7/2003. Việc xây dựng Luật Dân số là một bước chuyển quan trọng, nâng cấp khuôn khổ pháp lý từ Pháp lệnh lên Luật, thể hiện rõ hơn tầm quan trọng của công tác dân số trong chiến lược phát triển quốc gia.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, việc xây dựng Luật Dân số thay thế Pháp lệnh Dân số hiện này là rất cần thiết nhằm tạo cơ sở pháp lý thể chế hóa các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng về công tác dân số trong tình hình mới, trực tiếp là Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết số 21-NQ/TW Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới; có các biện pháp ứng phó với tốc độ già hoá dân số nhanh trong thời gian tới, tận dụng hiệu quả lợi thế của thời kỳ cơ cấu dân số vàng phục vụ sự phát triển bền vững của đất nước; hướng đến năm 2045 Việt Nam là nước có dân số chất lượng tốt, lực lượng lao động đông đảo, thu nhập cao... nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. 

Dự thảo Luật Dân số hướng tới ba trụ cột chính là duy trì vững chắc mức sinh thay thế trên toàn quốc, đặc biệt là điều chỉnh theo vùng và nhóm dân cư để tránh mất cân đối quy mô dân số, giảm thiểu hệ lụy già hóa và đảm bảo phát triển nguồn nhân lực bền vững; nâng cao chất lượng dân số ngay từ đầu đời, thông qua phổ cập tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân, mở rộng tầm soát - chẩn đoán - điều trị trước sinh và sơ sinh, phòng ngừa các bệnh tật di truyền và khiếm khuyết, đồng thời tăng cường giáo dục dinh dưỡng, sức khỏe tinh thần, phát triển toàn diện trẻ em; xây dựng các chính sách thích ứng với giai đoạn dân số già, đảm bảo an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, góp phần giữ ổn định xã hội và giảm gánh nặng lên hệ thống y tế - bảo hiểm trong tương lai.

Đổi mới tư duy từ kiểm soát sang phát triển dân số

 Một trong những điểm đột phá của dự thảo Luật lần này là chuyển trọng tâm từ “kế hoạch hóa gia đình” sang “dân số và phát triển” - một bước tiến về tư duy và hành động. Luật không còn đơn thuần kiểm soát số lượng sinh mà hướng đến điều tiết mức sinh hợp lý, đảm bảo công bằng dân số giữa các vùng, đối tượng, kết hợp với chính sách phát triển con người toàn diện.

Đặc biệt, dự thảo Luật đã đề xuất nhiều chính sách mới mang tính đột phá, có tiềm năng tạo ra những thay đổi tích cực sâu rộng trong xã hội. Trước hết, dự thảo đề xuất trao quyền sinh con cho các cặp vợ chồng, cho phép họ tự quyết định số con và thời điểm sinh con phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và nguyện vọng cá nhân - không còn bị ràng buộc bởi các quy định cứng nhắc như trước. Đây là một bước tiến lớn thể hiện sự tôn trọng tự do cá nhân và tính chủ động của mỗi gia đình trong việc xây dựng cuộc sống riêng.

Trước đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã ban hành Hướng dẫn 15 sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong Hướng dẫn 05 về thực hiện Quy định 69 của Bộ Chính trị, liên quan việc kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên vi phạm. Với thay đổi này, từ ngày 20/3/2025, Đảng viên sinh con thứ ba không còn bị kỷ luật. Việc sinh con thứ ba cũng không còn là hành vi vi phạm để xem xét xử lý kỷ luật Đảng. 

Giáo sư Nguyễn Đình Cử, Nguyên Viện trưởng Viện Dân số và Các vấn đề xã hội nhận định, việc không xử lý kỷ luật đảng viên sinh con thứ ba là một chủ trương cấp thiết và đúng đắn, đặc biệt trong bối cảnh mức sinh chung đang giảm sâu, nhất là ở các vùng thành thị. Quy định này sẽ góp phần cải thiện, ngăn đà giảm sinh hiện nay và mở đường cho việc sửa đổi các quy định khác, tạo nên quy định đồng bộ trong hệ thống chính trị.

Bên cạnh đó, để khuyến khích mức sinh hợp lý tại những khu vực đang đối mặt với tình trạng mức sinh thấp - như các khu công nghiệp, khu chế xuất, vùng đô thị lớn - dự thảo luật cũng đề xuất chính sách việc ưu tiên mua nhà ở xã hội với phụ nữ sinh đủ 2 con. Đây là giải pháp vừa mang tính khuyến khích, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho các gia đình trẻ cân bằng giữa công việc và trách nhiệm nuôi dưỡng con cái.

Chăm sóc người cao tuổi tại Viện dưỡng lão Tâm An, thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN 

Đối với người cao tuổi - một nhóm dân số đang gia tăng nhanh chóng tại Việt Nam, dự thảo Luật cũng thể hiện sự quan tâm thiết thực khi đề xuất mua bảo hiểm y tế cho người cao tuổi chưa có thẻ, nhằm bảo đảm họ được tiếp cận đầy đủ dịch vụ y tế, giảm gánh nặng chi phí chăm sóc sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống khi về già.

Đáng chú ý, dự thảo Luật cũng đưa ra các điều khoản tăng mức xử phạt hành chính đối với những hành vi vi phạm trong lĩnh vực dân số, qua đó nâng cao tính răn đe và kỷ cương, đồng thời thúc đẩy nhận thức và ý thức tuân thủ pháp luật trong toàn xã hội.

Tất cả những đổi mới trên cho thấy, dự thảo Luật Dân số là điều kiện tiên quyết để Việt Nam có thể "bắt nhịp" với những thay đổi sâu sắc trong kỷ nguyên mới. Chưa bao giờ bài toán dân số lại trở nên đa chiều, phức tạp và có sức ảnh hưởng rộng lớn như hiện nay - từ kinh tế, y tế, giáo dục cho đến an sinh xã hội, an ninh và ổn định chính trị. Trong bối cảnh đất nước đang bước vào giai đoạn chuyển đổi cơ cấu dân số mạnh mẽ, với các xu hướng như già hóa dân số, giảm mức sinh, mất cân bằng giới tính khi sinh và biến động di cư, việc có một hành lang pháp lý mới – hiện đại, linh hoạt và phù hợp với thực tiễn - là vô cùng cần thiết.

Báo cáo thẩm định Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Dân số của Bộ Tư pháp trình Chính phủ đánh giá hồ sơ dự thảo Luật Dân số do Bộ Y tế đề xuất bước đầu đã có một số nội dung chính sách cụ thể, nổi trội và khác biệt so với pháp luật hiện hành nhằm thực hiện những mục tiêu của Luật Dân số trong việc giải quyết các vấn đề dân số hiện nay.

Dân số ngày nay không còn là một con số đơn thuần, mà là nguồn lực trung tâm quyết định năng lực cạnh tranh quốc gia. Việc xây dựng Luật Dân số không chỉ nhằm giải quyết các vấn đề hiện tại, còn là "chìa khóa chính sách" để mở ra tương lai: chuẩn bị nguồn lao động chất lượng cao cho nền kinh tế số, thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và hiện thực hóa khát vọng trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.

Thanh Huyền (TTXVN)
Dân số già, tuổi nghỉ hưu buộc phải trẻ lại
Dân số già, tuổi nghỉ hưu buộc phải trẻ lại

(SKTE) - Nghỉ hưu ở tuổi 60 không còn đồng nghĩa với an dưỡng khi dân số già hóa đang tăng nhanh và tuổi thọ tăng cao. Tại Việt Nam, già hóa dân số đang đặt ra bài toán mới: Tuổi già liệu có còn là lúc… nghỉ ngơi?

Khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần quốc tế trong sáng cho thế hệ trẻ
Khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần quốc tế trong sáng cho thế hệ trẻ

Ngày 22/7, tại Nghĩa trang Liệt sỹ Đức Cơ (xã Đức Cơ, tỉnh Gia Lai), Ban Vận động Liên hiệp Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam - Lào - Campuchia phối hợp với Doanh nghiệp xã hội Word of Life Việt Nam và chính quyền địa phương tổ chức lễ tưởng niệm, tri ân các anh hùng, liệt sỹ đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc và nghĩa vụ quốc tế cao cả.

Lối sống ít vận động khiến bệnh thoát vị đĩa đệm ngày càng trẻ hoá
Lối sống ít vận động khiến bệnh thoát vị đĩa đệm ngày càng trẻ hoá

Thoát vị đĩa đệm từng được coi là bệnh của tuổi trung niên hay người lao động nặng, nhưng hiện nay, bệnh đang có xu hướng trẻ hóa. Đáng báo động, các bệnh viện ghi nhận nhiều trường hợp mắc bệnh khi mới ngoài 20 tuổi, thậm chí ở lứa tuổi học đường nhập viện trong tình trạng nguy kịch.

Hà Nội yêu cầu tăng cường ứng phó bão số 3, trực ban 24 24, đảm bảo an toàn cho người dân, cơ sở hạ tầng
Hà Nội yêu cầu tăng cường ứng phó bão số 3, trực ban 24/24, đảm bảo an toàn cho người dân, cơ sở hạ tầng

(SKTE) - Trước diễn biến rất mạnh, nhanh và nguy hiểm của cơn bão số 3 (bão Wipha), Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký ban hành Công điện yêu cầu các sở, ngành, địa phương trên địa bàn Thành phố khẩn trương triển khai các biện pháp chủ động ứng phó với thiên tai, đảm bảo an toàn cho người dân và cơ sở hạ tầng.

Bão số 3 mạnh cấp 12, hướng thẳng vào khu vực từ Quảng Ninh đến Nghệ An
Bão số 3 mạnh cấp 12, hướng thẳng vào khu vực từ Quảng Ninh đến Nghệ An

Tính đến 13h ngày 21/7, bão số 3 (Wipha) đã mạnh thêm 1 cấp, cấp 10, giật cấp 12, cách Hưng Yên khoảng 280km, cách Ninh Bình khoảng 310km về phía Đông Đông Bắc. Di chuyển theo hướng Tây Tây Nam với tốc độ 10-15km/h. Dự báo, trong 24h tới, vùng núi phía Đông Bắc: do tương tác giữa gió đông bắc và địa hình cánh cung, mưa sẽ gia tăng tại khu vực này; vùng núi Thanh Hóa - Nghệ An: là vùng trọng điểm mưa lớn, được xác định là “tâm mưa” do đặc điểm địa hình ở phía bắc dãy Trường Sơn.

Logo Tạp chí Sức khỏe trẻ em
© Bản quyền 2024 Sức khỏe Trẻ em
Hotline: Hà Nội - (024) 37 765 156 / TP HCM - 0936813116
Logo Tạp chí Sức khỏe trẻ em
Tạp chí Sức khỏe Trẻ em
Địa chỉ: 42 Ngô Thì Nhậm, Hà Nội.
Điện thoại:  0988158008; 0971251286.
Email: suckhoetreem2024@gmail.com.
Giấy phép số 298/GP-BTTTT, ngày 6/10/2024 của Bộ Thông tin và Truyền thông.
STK: 0021000568719, Ngân hàng Vietcombank
Ghi rõ nguồn Sức khỏe Trẻ em khi phát hành lại thông tin từ website này.
Thiết kế bởi Tập đoàn Trí Nam
Tổng biên tập: TS. Trần Doãn Tiến.
Phó Tổng Biên tập: TS. Nguyễn Văn Minh.
Ủy viên Ban biên tập: Nguyễn Thanh Cao
P. Trưởng ban Thư ký tòa soạn: Lê Minh Nam.
Truyền thông - Quảng cáo: Hà Diệu Hiền , Giám đốc Trung tâm Truyền thông
Tổ chức sự kiện: Nguyễn Văn Mạnh , P. Giám đốc Trung tâm Media
Trị sự: Đoàn Thanh Hà, P. Trưởng ban Trị sự