Sáng 4/7/2025, tại Hà Nội, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật (Bộ Tư pháp) đã tổ chức Hội thảo khoa học Góp ý Dự thảo Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi) năm 2025.
Hội thảo có sự tham dự của một số đại biểu Quốc hội; đại diện Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao; đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp; đại diện Sở Tư pháp, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Đoàn Luật sư; các chuyên gia, nhà khoa học đến từ Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ; đại diện lãnh đạo, công chức, các chức danh tư pháp các cơ quan, đơn vị Viện kiểm sát, công an, kho bạc, ngân hàng, tổ chức tín dụng, cơ quan đăng ký tài sản, đăng ký giao dịch bảo đảm, đấu giá, luật sư...
 |
Các đại biểu tham dự hội thảo. (Ảnh: Đại Lộc) |
Hội thảo tập trung trao đổi, thảo luận về những nhóm vấn đề chính như: (i) Trình tự, thủ tục theo hướng rút ngắn thời gian, giảm thiểu chi phí, nâng cao hiệu quả thi hành án dân sự; (ii) Đơn giản hóa thủ tục thi hành án và thủ tục hành chính; (iii) Đẩy mạnh thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động thi hành án dân sự; (iv) Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan điều tra, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân; (v) Các vấn đề khác để nâng cao công tác thi hành án dân sự, bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của công dân và đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, cải cách hành chính, cải cách tư pháp theo chỉ đạo của Đảng, Nhà nước...
Hoàn thiện pháp lý, đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng cường kiểm soát quyền lực và phòng chống tiêu cực
Phát biểu tại Hội thảo, ông Trương Thế Côn - Tổng Biên tập Tạp chí Dân chủ và Pháp luật (Bộ Tư pháp), cho biết: sau hơn một thập kỷ thực hiện, Luật Thi hành án dân sự (năm 2008) đã góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào pháp luật, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
 |
Ông Trương Thế Côn - Tổng Biên tập Tạp chí Dân chủ và Pháp luật (Bộ Tư pháp), phát biểu. (Ảnh: H.Trung) |
Tuy nhiên, trước yêu cầu đổi mới, cải cách tư pháp ngày càng sâu sắc; sự phát triển nhanh chóng của kinh tế-xã hội, cùng những thách thức mới từ hội nhập quốc tế, chuyển đổi số và yêu cầu tăng cường kỷ cương pháp luật đã và đang đặt ra nhiều vấn đề pháp lý mới, đòi hỏi phải sửa đổi toàn diện Luật Thi hành án dân sự (năm 2008).
Đặc biệt, việc sửa đổi lần này có ý nghĩa chính trị - pháp lý, nhằm thể chế hóa các chủ trương của Đảng và Nhà nước, trước hết là Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới (Nghị quyết số 27-NQ/TW); Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 của Bộ chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới.
Trong đó, nhấn mạnh yêu cầu đổi mới quy trình xây dựng pháp luật, mô hình tổ chức, hoạt động của các cơ quan Thi hành án dân sự, cải tiến quy trình, thủ tục, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi, giảm thiểu chi phí tuân thủ pháp luật cho người dân, doanh nghiệp và bảo vệ quyền con người, quyền công dân. hướng tới nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật và bảo vệ quyền con người, quyền công dân.
Vì vậy, trên tinh thần đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, dự thảo Luật Thi hành án dân sự (dự thảo Luật) được xây dựng theo hướng: Hoàn thiện cơ chế rút ngắn thời gian, giảm chi phí và thủ tục thi hành án; đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin; tăng cường cơ chế kiểm soát quyền lực, phòng chống tiêu cực; đẩy mạnh xã hội hóa một số hoạt động thi hành án.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Quy - Phó Trưởng Ban Pháp chế và Nhiệm vụ Thi hành án dân sự (Cục Quản lý thi hành án dân sự - Bộ Tư pháp), cho biết: Dự thảo Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi) gồm 5 Chương, 98 Điều.
Dự thảo sửa đổi 66 điều, bổ sung 13 điều và bãi bỏ 44 điều, 33 khoản/điểm của luật hiện hành; rút ngắn quy trình, thời gian, giảm thiểu tối đa chi phí tuân thủ pháp luật, đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thi hành án.
 |
Bà Nguyễn Thị Kim Quy - Phó Trưởng Ban Pháp chế và Nhiệm vụ Thi hành án dân sự (Cục Quản lý thi hành án dân sự - Bộ Tư pháp), phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: H.Trung) |
Cần xem xét mở rộng sự tham gia của khu vực tư nhân, xã hội hóa một số hoạt động
Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận về hai nhóm chủ đề chính: Nhóm các vấn đề liên quan đến sửa đổi trình tự, thủ tục theo hướng rút ngăn thời gian, giảm thiểu chi phí, nâng cao chất lượng, hiệu quả thi hành án dân sự và vấn đề xã hội hóa hoạt động thi hành án dân sự.
Đại diện Cục Quản lý Thi hành án dân sự cho biết, thực hiện yêu cầu, nhiệm vụ về hoàn thiện cơ chế nâng cao chất lượng, hiệu quả thi hành án dân sự theo hướng rút ngắn thời gian, giảm thiểu chi phí theo Nghị quyết số 27-NQ/TW; đồng thời nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, vướng mắc, bất cập từ thực tiễn công tác thi hành án dân sự, dự thảo Luật có trọng tâm sửa đổi, bổ sung các quy định về trình tự, thủ tục thi hành án dân sự.
Về vấn đề xã hội hóa hoạt động Thi hành án dân sự, tại Chương III dự thảo Luật đã quy định về Thừa hành viên và Văn phòng Thi hành án dân sự.
Tại Phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 6/2025, Chính phủ đã thống nhất với đề xuất của Bộ Tư pháp về việc đổi tên Văn phòng Thừa phát lại -thành Văn phòng Thi hành án dân sự và Thừa phát lại thành Thừa hành viên. Để phù hợp với phạm vi, tính chất hoạt động của tổ chức này, bảo đảm thực hiện có hiệu quả chủ trương xã hội hóa công tác thi hành án dân sự và phù hợp với quy định tại Điều 7 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện hành;
Đồng thời, cần mở rộng sự tham gia của khu vực tư nhân, trên cơ sở có điều kiện nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 27-NQ/TW, Nghị quyết 68-NQ/TW ngày 04/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.
Bên cạnh đó, tại hội thảo, một số ý kiến cũng đề xuất, cân nhắc việc đổi tên Văn phòng Thừa phát lại - thành Văn phòng Thi hành án dân sự, bởi Văn phòng này còn thực hiện một số nhiệm vụ khác (như lập vi bằng); hay có nhiều đại biểu băn khoăn đề nghị nghiên cứu kỹ lưỡng về quy định thẩm quyền của Thừa hành viên (thừa phát lại), bởi họ thuộc khu vực tư (không phải là công chức, viên chức nhà nước)..., nên cần lưu ý đến quy định trách nhiệm để tránh việc lạm quyền.
 |
Bà Phạm Huyền - Phó Trưởng phòng Kiểm sát Thi hành án dân sự, Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội, trình bày ý kiến. (Ảnh: H.Trung) |
Phát biểu tại hội thảo, bà Phạm Huyền - Phó Trưởng phòng Kiểm sát Thi hành án dân sự, Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội, cho biết: Đề nghị bổ sung quy định rõ thời hạn trả lời của các cơ quan thi hành án cho Viện Kiểm sát khi có yêu cầu cung cấp tài liệu hoặc tự kiểm tra hồ sơ, cụ thể là trong vòng 30 ngày theo đúng Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân.
Theo bà Phạm Huyền, cần giải thích thuật ngữ "cơ quan thi hành án dân sự" là gì, và "người được giao nhiệm vụ tổ chức thi hành án" là ai, để đảm bảo sự phổ cập và dễ hiểu cho người dân.
Về vấn đề nhiệm vụ và quyền hạn của Thừa hành viên, bà Phạm Huyền - Phó trưởng Phòng Kiểm sát Thi hành án dân sự, Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội, cũng đề nghị bổ sung các điều khoản quy định rõ ràng về nguyên tắc và đạo đức nghề nghiệp của thừa hành viên, cũng như những điều mà thừa hành viên không được làm, tương tự như quy định đối với chấp hành viên.
Bà Phạm Huyền bày tỏ ý kiến, cho rằng: "Thừa hành viên được áp dụng các biện pháp bảo đảm thi hành án và cưỡng chế thi hành án, thu giữ tài sản. Vậy ai sẽ là người ra quyết định cho các thừa hành viên thực hiện nhiệm vụ này, nhất là khi tổ chức này chỉ là một doanh nghiệp tư nhân?
Cần cân nhắc kỹ lưỡng về việc trao quyền năng nhà nước cho một tổ chức tư nhân; có chế tài rõ ràng đối với trưởng văn phòng thi hành án dân sự, người chịu trách nhiệm hoàn toàn đối với các hoạt động nghiệp vụ của thừa hành viên, để tránh tình trạng vi phạm mà không có căn cứ xử lý".
 |
Một số đại biểu đại diện các tỉnh-thành tham gia Hội thảo qua trực tuyến. |
Tại hội thảo, trình bày qua trực tuyến, Luật sư Nguyễn Thị Mai cho hay, về thủ tục nhận bản án thì dự thảo Luật cần rút ngắn, đơn giản hóa thủ tục với người dân khi nhận được bản án.
Theo quy định, người dân có quyền được nhận bản án là 10 ngày (hoặc 15 ngày với bản án phúc thẩm), song để lấy được bản án trên thực tế hiện nay rất vất vả. Tiếp đến, tới giai đoạn thi hành án, mặc dù cơ quan Thi hành án dân sự đã nhận được bản gốc của bản án từ tòa án, nhưng khi người có yêu cầu thi hành án thì lại yêu cầu họ phải nộp 1 bản án nữa. Do đó, cần sửa đổi trong dự thảo Luật để giải quyết tồn tại này.
Bên cạnh đó, bà Mai cho rằng về chức năng, nhiệm vụ của kiểm sát viên, Viện kiểm sát nhân dân trong thực hiện kiểm sát việc thực thi Thi hành án dân sự hiện nay vẫn còn khá mờ nhạt, bởi thực tế những kiến nghị, kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân với cơ quan thi hành án không có tính thực thi.
Bên cạnh đó, trong quá trình thi hành án đòi hỏi vai trò rất lớn của các kiểm sát viên nếu xảy ra các vụ thi hành án thiếu khách quan. Do đó, bà Mai cũng đề nghị bổ sung rõ vai trò của Viện kiểm sát nhân dân trong dự thảo Luật sửa đổi lần này.
 |
Các đại biểu cùng thảo luận với các thành viên tham gia Hội thảo trực tuyến. |
Đồng thời, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tư pháp nghiên cứu để quy định rõ trách nhiệm của Văn phòng Thi hành án dân sự, Thừa hành viên, bảo đảm thực hiện có hiệu quả chủ trương xã hội hóa công tác thi hành án dân sự; quy định đầy đủ điều kiện, cơ chế kiểm tra, giám sát hoạt động thi hành án dân sự do Văn phòng Thi hành án dân sự, Thừa hành viên thực hiện, bảo đảm việc thi hành án do các tổ chức này thực hiện đúng quy định của pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quá trình thi hành án dân sự.
Tại Hội thảo, đa số các đại biểu đều thống nhất với quy định tại dự thảo Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi) theo hướng rút ngắn thời gian, giảm thiểu chi phí trong trình tự, thủ tục thi hành án dân sự; xã hội hóa mạnh công tác thi hành án dân sự với việc đổi tên Văn phòng Thừa phát lại thành Văn phòng Thi hành án dân sự và Thừa phát lại thành Thừa hành viên để phù hợp với phạm vi, tính chất hoạt động của tổ chức này tại dự thảo Luật, mở rộng sự tham gia của khu vực tư nhân trên cơ sở có điều kiện.
Ngoài ra, tại Hôi thảo, các đại biểu cũng tâp trung thảo luân các nội dung khác liên quan cụ thể: về quyền, nghĩa vụ của đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong thi Thi hành án dân sự, tạo thuận lợi cho việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của các chủ thể đó; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thi hành án hoặc tham gia vào quá trình Thi hành án dân sự; công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế...