Thứ Sáu, 31/01/2025 08:35 (GMT+7)

Mầm non tương lai của đất nước cần phải được quan tâm nhiều hơn nữa!

(SKTE)- Đứng trước nguy cơ già hóa dân số, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chính sách, biện pháp nhằm bảo đảm an sinh xã hội, trong đó đặc biệt là vấn đề chăm sóc sức khỏe cho trẻ em. Chăm lo cho những chủ nhân tương lai của đất nước là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân. Theo thực trạng phản ánh, vấn đề sức khỏe của trẻ em Việt Nam là việc cấp bách cần giải quyết để đảm bảo sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ.
Ảnh đại diện tin bài

 

 Việt Nam là nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới

Theo số liệu của Tổng cục thống kê, tốc độ gia tăng dân số và tỷ suất sinh tại Việt Nam liên tục giảm kỷ lục những năm trở lại đây và còn được dự báo tiếp tục giảm sâu. Cụ thể, tốc độ gia tăng dân số chỉ còn 0,85% vào năm 2023, và 1,96% đối với tỷ suất sinh. Đều là những mốc giảm lịch sử. Ông Lê Thanh Dũng, Cục trưởng Cục Dân số Bộ Y tế, cho biết:"Xu hướng mức sinh giảm tác động quy mô dân số, tỷ trọng trẻ em dưới 15 tuổi giảm, trong khi tăng tỷ trọng người già. Việt Nam là quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới". – theo báo Vietnamnet.

Việc tỷ trọng trẻ em giảm trong cơ cấu dân số có những tác động tiêu cực và đáng báo động đối với sự phát triển của đất nước trong tương lai. Chính vì vậy trong nhiều năm trở lại đây, Đảng và Nhà nước đã đưa ra những chủ trương khuyến khích phát triển trẻ hóa dân số. Đặc biệt đối với trẻ em, mục tiêu cần phải tập trung nâng cao chất lượng đời sống, học tập và mối quan tâm hàng đầu là chăm sóc sức khỏe.

Thực trạng sức khỏe của trẻ em Việt Nam

Có lẽ bước sang thế kỷ 21, rất nhiều trẻ đã không còn phải chịu cảnh đói ăn như thế hệ trước – nếu xét trên mặt bằng chung. Kinh tế mở cửa, an sinh xã hội, mức sống ngày càng được cải thiện đã góp phần cho trẻ em Việt Nam có một điều kiện phát triển tốt hơn rất nhiều. Tuy nhiên, dùng từ “cải thiện” có nghĩa là tốt hơn trước, nhưng chưa hẳn đã là tốt. Mặt bằng chung về sức khỏe của trẻ em Việt Nam có sự chênh lệch lớn đến mức đáng báo động.

Theo Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), Việt Nam là một trong số 34 quốc gia trên toàn cầu đang đối mặt với gánh nặng suy dinh dưỡng cao. Trong đó, trẻ em thuộc các hộ gia đình nghèo có nguy cơ bị còi cọc cao gấp ba lần so với trẻ em từ các hộ gia đình khá giả hơn; vùng Tây Nguyên, trung du và miền núi Bắc Bộ - nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số là khu vực có tỉ lệ cao nhất. Thống kê của Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết: tại vùng núi phía Bắc và nhiều vùng dân tộc thiểu số khác, có hơn 70% trẻ em chưa được ăn đúng, ăn đủ. Đồng bào dân tộc thiểu số ở Việt Nam thường xuyên đối mặt với tình trạng thiếu dinh dưỡng, tỉ lệ thấp còi ở trẻ em là người dân tộc thiểu số (31,4%), cao gấp 2 lần nhóm trẻ người Kinh. Cùng với đó, tỉ lệ trẻ em là người dân tộc thiểu số thiếu cân cũng lớn hơn gần 3 lần (21%) so với trẻ em là người Kinh (8,5%).

Điều kiện y tế, chăm sóc sức khỏe cũng cho thấy sự phân hóa rõ rệt giữa các vùng. Trong khi cơ sở y tế ở vùng sâu vùng sa vẫn chưa kịp phát triển để đáp ứng nhu cầu tư vấn, khám chữa bệnh cho trẻ nhỏ; thì tại các thành phố lớn, các cơ sở y tế lại thường xảy ra tình trạng quá tải. Chúng ta không nên so sánh hạ tầng y tế đối với các quốc gia khác, nhưng rõ ràng, tình hình tại nước ta rất cần cải thiện và hoàn toàn có thể cải thiện được.

Người xưa có câu: Phòng bệnh hơn chữa bệnh. Vậy có thể suy ra rằng, gốc rễ vấn đề nằm ở chế độ dinh dưỡng của trẻ em. Một chế độ dinh dưỡng đầy đủ, khoa học là điều kiện cần để trẻ phát triển tốt, đề kháng tốt với bệnh tật. Trong những năm trở lại đây, sự phát triển nhanh chóng về kinh tế, xã hội đã tạo tiền đề cho việc nâng cao chất lượng dinh dưỡng cho trẻ nhỏ. Nhưng cái gì cũng có mặt trái. Chúng ta đang phải đối mặt với “gánh nặng kép” về dinh dưỡng như hầu hết các quốc gia khác: tình trạng suy dinh dưỡng vẫn còn tồn tại, đồng thời tình trạng béo phì gia tăng mạnh.

Vẫn có sự phân hóa rõ rệt. Vẫn là giữa thành thị và nông thôn, giữa khu vực dân trí cao với vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nếu như tại các thành phố lớn, tỷ lệ trẻ thừa cân, béo phì gia tăng rõ rệt, thì tại các tỉnh xa xôi hẻo lánh, thiếu ăn là tình trạng chung của đa số trẻ nhỏ người đồng bào. Nhiều bài báo, nhiều phóng sự đã ghi lại được cảnh trẻ vùng cao thậm chí ăn cơm trắng với gừng tươi chấm muối trong nhiều ngày liền khi đến trường. Những thân hình nhỏ bé, gầy gò của các em khiến người nhìn không khỏi xót xa. Do điều kiện kinh tế khó khăn, đường sá xa xôi và nhận thức còn hạn chế, nhiều gia đình vùng sâu vùng xa không cho con đi học đầy đủ, thậm chí sẵn sàng để con nghỉ học. Nguồn dinh dưỡng bữa ăn bán trú tại trường của các em không được đảm bảo cả về lượng và chất. Đối với nhiều em học sinh dân tộc thiểu số, được ăn mì gói ở trường học đã là một điều đặc biệt so với những bữa ăn hằng ngày tại nhà chỉ có rau. Chắc hẳn chúng ta còn nhớ câu chuyện bữa ăn bán trú tại trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Nậm Ty (xã Nậm Ty, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La). Một phóng sự của VTV khiến dư luận “dậy sóng” khi các em học sinh ở đây được nhà nước trợ cấp suất ăn bán trú khoảng 43.000 đồng/bữa, vậy mà những gì phóng viên ghi được chỉ là những khẩu phần ăn ít ỏi, không đủ chất, thậm chí có cả thực phẩm không đảm bảo. Trong khi phóng viên phải “đếm từng miếng thịt”, thì ban giám hiệu trường Tiểu học Nậm Ty không thể đưa ra được kê khai định lượng, tài chính theo đúng quy định. Đảng và Nhà nước đã hết sức quan tâm đến vấn đề sức khỏe của trẻ em, song cần có sự giám sát chặt chẽ, phân bổ hợp lí hơn nữa để nguồn ngân sách ấy đến được với tất cả trẻ em, đặc biệt là trẻ em ở vùng sâu vùng xa có điều kiện sinh hoạt vô cùng khó khăn, thiếu thốn.

Trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân

Bác Hồ từng nói: “Trẻ em như búp trên cành, biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan”. Trách nhiệm của cả xã hội là tạo cho trẻ những điều kiện thuận lợi để có thể ăn ngủ, vui chơi, học tập và phát triển tốt nhất có thể. Ngay từ thời kỳ đầu xây dựng đất nước, Đảng ta đã xác định trẻ em chính là những chủ nhân tương lai của quốc gia. Đầu tư vào trẻ em một cách toàn diện bao gồm môi trường sinh hoạt, môi trường học tập và phát triển chính là mục tiêu cốt lõi để đào tạo ra những thế hệ vàng, những chủ nhân tương lai sáng giá của đất nước.

Vấn đề chăm sóc sức khỏe cũng hết sức được chú trọng: “Có sức khỏe là có tất cả”. Trong bối cảnh hội nhập yêu cầu con người ta phải phát triển đầy đủ cả về thể chất, tinh thần lẫn trí tuệ, sức khỏe chính là điều kiện tiên quyết để trẻ có khả năng học tập, có óc sáng tạo và trau dồi những kỹ năng cần thiết. Nhìn ra thế giới, chúng ta có thể nhận ra ngay sự thúc đẩy mạnh mẽ của việc phát triển nền tảng sức khỏe đối với phát triển kinh tế, văn hóa, thể thao và du lịch. Bằng chứng cho thấy tất cả những cường quốc kinh tế cũng đều là những cường quốc về thể thao như Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Đức, Pháp,… Nền tảng sức khỏe có mối tương quan mật thiết đến các hoạt động khác trong xã hội, và để xây dựng nền tảng, trẻ em chính là mục tiêu cần được đặt lên hàng đầu. Đảng và Nhà nước đã có những chính sách, những chỉ thị rất cụ thể trong việc đề ra, nghiên cứu và phổ biến chế độ dinh dưỡng, vận động, rèn luyện cho trẻ với mục đích nâng cao quá trình phát triển của trẻ ngay từ khi còn nhỏ. Vấn đề y tế cũng được chú trọng cả về số lượng và chất lượng, nhằm bảo đảm một hạ tầng y tế đủ tốt giúp phòng ngừa, bảo vệ sức khỏe của trẻ.

Trẻ em vùng sâu vùng xa, vùng đồng bao dân tộc thiểu số là điều mà Đảng ta hết sức lưu ý và dành sự quan tâm đặc biệt. Đói nghèo, thiếu cái ăn, cái mặc là những thực trạng đáng tiếc hiện vẫn còn tồn tại, một phần cũng vì điều kiện cơ sở hạ tầng và nhận thức của bà con dân tộc. Cho đến thời điểm hiện tại, cả nước vẫn đang thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia: Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 của Chính phủ theo Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19 tháng 6 năm 2020. Trong đó, mục tiêu của chương trình nhấn mạnh “hỗ trợ tăng cường dinh dưỡng cho 100% trẻ em bị suy dinh dưỡng vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”. Chương trình cũng có riêng Dự án 7: Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao tầm vóc, thể trạng người dân tộc thiểu số; phòng chống suy dinh dưỡng của trẻ em. Chương trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và đang thực hiện, văn bản cũng thể hiện rõ sự phân công chỉ đạo, thực hiện của các cấp, bộ, ban, ngành, tránh tình trạng quản lí lỏng lẻo dẫn đến thất thoát ngân sách nhà nước, đồng thời các đơn vị phải trực tiếp chịu trách nhiệm về hiệu quả thực hiện và báo cáo.  

Vấn đề chăm sóc sức khỏe của trẻ nhỏ còn là ý thức, trách nhiệm của xã hội, của toàn thể nhân dân. Chỉ có chính những người xung quanh của đứa trẻ mới có thể trực tiếp tạo ra điều kiện thuận lợi nhất cho trẻ phát triển, đồng thời chủ động nắm bắt được tình hình sức khỏe. Có lẽ ở Việt Nam, tinh thần dân tộc, tương thân tương ái vẫn là một điều gì đó vô cùng đặc biệt. Bởi ngoài sự hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, trẻ em vùng sâu vùng xa, có hoàn cảnh khó khăn nhận được sự quan tâm rất lớn từ khắp mọi miền tổ quốc. Tập thể, cá nhân, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm,… khắp nơi luôn dành những tình thương cho các em thông qua các chương trình tài trợ, thậm chí có mặt tận nơi để đồng hành giúp các em cải thiện sinh hoạt. Đó là những hoạt động mang tính nhân văn cao cả và cần được cổ vũ, phát huy mạnh mẽ.

Việt Nam đi qua thời kì dân số vàng. Tỉ trọng trẻ em trong cơ cấu dân số đang có xu hướng giảm, vì vậy ngày càng cần giành cho trẻ em sự quan tâm và chăm sóc đặc biệt. Vấn đề chăm sóc sức khỏe cho trẻ tại Việt Nam đã và đang được Đảng, Nhà nước và nhân dân quan tâm. Tuy nhiên, công tác chăm sóc sức khỏe cho những “mầm non đất nước” là một công cuộc lâu dài, nó đòi hỏi một quá trình nghiên cứu, phân tích kỹ lưỡng và thực hiện một cách có quy củ, bài bản, khoa học. Hiệu quả của công cuộc này không phụ thuộc hoàn toàn vào cá nhân hay tổ chức nào, mà cần sự chung tay của toàn thể xã hội, toàn thể dân tộc. Sức khỏe của trẻ nhỏ là nền móng cho sự thịnh vượng và phát triển lâu dài của một quốc gia. Hy vọng rằng, trẻ em Việt Nam sẽ được quan tâm hơn nữa để có thể phát triển toàn diện, đầy đủ và có một tương lai tươi sáng.

Nguyễn Hà Cường
Vì tương lai trọn vẹn của mỗi gia đình và thế hệ trẻ
Vì tương lai trọn vẹn của mỗi gia đình và thế hệ trẻ

Trong xã hội hiện đại, nhận thức về sức khỏe ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, việc khám sức khỏe tiền hôn nhân - một khâu chuẩn bị quan trọng trước khi bước vào cuộc sống gia đình vẫn chưa nhận được sự quan tâm đúng mức từ nhiều bạn trẻ.

Bạo lực gia đình từ việc xâm phạm quyền nhân thân của trẻ em trên mạng Pháp luật vẫn còn khoảng trống
Bạo lực gia đình từ việc xâm phạm quyền nhân thân của trẻ em trên mạng: Pháp luật vẫn còn 'khoảng trống'

Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, mạng xã hội, cùng sự quan tâm của công chúng tới đời tư, hình ảnh trẻ em đã khiến không ít vụ việc xâm phạm quyền riêng tư, danh dự trẻ em nhức nhối nhiều năm qua. Đáng nói, trong hệ thống pháp luật Việt Nam hiện hành, đặc biệt là Luật Trẻ em 2016 và Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022, vẫn còn tồn tại không ít khoảng trống khiến quyền trẻ em vẫn chưa được bảo vệ đầy đủ và hiệu quả.

Việt Nam đạt được nhiều tiến bộ đáng kể trong nâng cao tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ em
Việt Nam đạt được nhiều tiến bộ đáng kể trong nâng cao tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ em

(SKTE)- Ngày 16/7, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam thông tin, số liệu ước tính về tỷ lệ tiêm chủng bao phủ quốc gia (WUENIC) ở Việt Nam do hai tổ chức trên thu thập và công bố cho thấy Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ đáng kể trong công tác bảo vệ trẻ em khỏi các bệnh phòng ngừa được bằng vaccine.

Xác lập mô hình tăng trưởng mới cho Việt Nam Đẩy mạnh khoa học công nghệ, phát triển kinh tế hiệu quả, bền vững
Xác lập mô hình tăng trưởng mới cho Việt Nam: Đẩy mạnh khoa học công nghệ, phát triển kinh tế hiệu quả, bền vững

(SKTE) - Sáng 15/7/2025, tại Hà Nội, Diễn đàn "Xác lập mô hình tăng trưởng mới cho Việt Nam giai đoạn giai đoạn 2026–2030, định hướng đến năm 2045", đã diễn ra. Các chuyên gia về kinh tế, doanh nghiệp, đã cùng thảo luận, đánh giá mô hình tăng trưởng kinh tế thời gian qua; đồng thời trao đổi về những nội dung, xác lập mô hình tăng trưởng mới, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số, kinh tế xanh, phát triển kinh tế hiệu quả và bền vững...

Ứng dụng công nghệ cao trong phòng cháy, chữa cháy rừng
Ứng dụng công nghệ cao trong phòng cháy, chữa cháy rừng

Ông Nguyễn Văn Nam, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ngãi thông tin, thời gian qua, hoạt động lâm nghiệp của tỉnh đạt được một số kết quả nhất định, nổi bật là công tác bảo vệ vốn rừng hiện có, duy trì độ che phủ rừng đến năm 2024 đạt hơn 59%. Cùng với đó, công tác phối hợp tuần tra, truy quét tại các điểm nóng về phá rừng, khai thác rừng, vận chuyển lâm sản trái phép được thực hiện thường xuyên nên tình hình vi phạm Luật Lâm nghiệp được kiểm soát, các vụ vi phạm được phát hiện và xử lý kịp thời.

Đang rà soát để sửa sách giáo khoa sau sáp nhập tỉnh, thành
Đang rà soát để sửa sách giáo khoa sau sáp nhập tỉnh, thành

Bộ Giáo dục và Đào tạo thông tin về việc rà soát, điều chỉnh một số nội dung trong Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) nhằm bảo đảm tính phù hợp với thực tiễn và bối cảnh sáp nhập tỉnh, thành. Các đơn vị xuất bản đang rà soát, tiến hành sửa chữa sách giáo khoa, trình Bộ thẩm định thông qua theo quy trình.

Logo Tạp chí Sức khỏe trẻ em
© Bản quyền 2024 Sức khỏe Trẻ em
Hotline: Hà Nội - (024) 37 765 156 / TP HCM - 0936813116
Logo Tạp chí Sức khỏe trẻ em
Tạp chí Sức khỏe Trẻ em
Địa chỉ: 42 Ngô Thì Nhậm, Hà Nội.
Điện thoại:  0988158008; 0971251286.
Email: suckhoetreem2024@gmail.com.
Giấy phép số 298/GP-BTTTT, ngày 6/10/2024 của Bộ Thông tin và Truyền thông.
STK: 0021000568719, Ngân hàng Vietcombank
Ghi rõ nguồn Sức khỏe Trẻ em khi phát hành lại thông tin từ website này.
Thiết kế bởi Tập đoàn Trí Nam
Tổng biên tập: TS. Trần Doãn Tiến.
Phó Tổng Biên tập: TS. Nguyễn Văn Minh.
Ủy viên Ban biên tập: Nguyễn Thanh Cao
P. Trưởng ban Thư ký tòa soạn: Lê Minh Nam.
Truyền thông - Quảng cáo: Hà Diệu Hiền , Giám đốc Trung tâm Truyền thông
Tổ chức sự kiện: Nguyễn Văn Mạnh , P. Giám đốc Trung tâm Media
Trị sự: Đoàn Thanh Hà, P. Trưởng ban Trị sự