Thứ Hai, 07/07/2025 15:27 (GMT+7)

Huế: Số ca mắc liên cầu lợn tăng bất thường, đã có trường hợp tử vong

Số ca bệnh dương tính với liên cầu lợn tại Huế đang có xu hướng tăng đột biến với 17 ca xác định từ giữa tháng 6/2025; trong đó, có trường hợp nhập viện trong tình trạng nặng, đã tử vong.
Ảnh đại diện tin bài

Kiểm tra, theo dõi sức khỏe bệnh nhân mắc liên cầu lợn. (Ảnh: Mai Trang/TTXVN)

Ngày 7/7, thông tin từ Bệnh viện Trung ương Huế cho biết từ đầu năm đến nay, đơn vị ghi nhận điều trị cho 30 trường hợp dương tính với liên cầu khuẩn Streptococcus Suis (liên cầu lợn).

Đặc biệt, số ca bệnh đang có xu hướng tăng đột biến với 17 ca xác định từ giữa tháng 6/2025; trong đó, có trường hợp nhập viện trong tình trạng nặng, đã tử vong.

Bác sỹ chuyên khoa II Hoàng Thị Lan Hương, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, cho biết tình hình bệnh liên cầu lợn diễn biến phức tạp, đáng lo ngại hơn mọi năm khi một số ca không rõ yếu tố dịch tễ, chưa xác định có tiếp xúc với lợn sống hoặc thực phẩm chế biến từ lợn không đảm bảo vệ sinh.

Kết quả kháng sinh đồ cho thấy các trường hợp nặng vẫn còn nhạy với các loại kháng sinh như penicillin, ceftriaxone và vancomycin.

Hiện có một bệnh nhân nam 37 tuổi đang điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực trong tình trạng hôn mê chưa rõ nguyên nhân, tai biến mạch máu não, ngộ độc chất gây nghiện và nhiễm trùng huyết.

Ngoài ra, hai bệnh nhân nặng gồm ông T.K. (71 tuổi, phường Thuận An) đã tỉnh táo, hết sốt, song có di chứng giảm thính lực và ông Đ.D. (71 tuổi, xã Phú Mỹ cũ, nay là phường Mỹ Thượng) có diễn tiến phức tạp hơn, vẫn còn sốt, thở mệt do kèm viêm phổi, tiên lượng nặng.

Khoa Bệnh Nhiệt đới của bệnh viện đang điều trị hàng chục bệnh nhân dương tính với liên cầu khuẩn Streptococcus Suis trong máu và dịch não tủy, tình trạng đã ổn định, tri giác không có dấu hiệu chuyển nặng.

Các bệnh nhân vào viện chủ yếu với triệu chứng sốt, đau đầu, đau đầu dữ dội về khuya đến sáng sớm kèm nôn mửa nhiều và đau tăng khi bệnh nhân ho. Một số bệnh nhân nhìn mờ, sợ ánh sáng, có xu hướng nhắm mắt lại.

Khi có dấu hiệu rối loạn tri giác rất nặng, người bệnh được chuyển đến khoa Hồi sức tích cực để điều trị, sau khi ổn định về mặt tri giác sẽ được chuyển về theo dõi tại Khoa Bệnh Nhiệt đới.

Nữ bệnh nhân Đ.T.T.L. (36 tuổi, phường Dương Nỗ) nhập viện tối 29/6 với triệu chứng sốt liên tục, sau đó hôn mê và được chuyển đến Khoa Nhiệt đới. Người nhà bệnh nhân cho biết không rõ nguyên nhân lây nhiễm. Hiện bệnh nhân đã tỉnh táo và nhận thức rõ.

Một trường hợp khác là bệnh nhân N.T.H.V. (50 tuổi, kinh doanh quán cơm, trú phường An Hòa cũ, nay là phường Hương An) cho biết bản thân không tiếp xúc trực tiếp với thịt lợn hay lợn sống nhưng vẫn có kết quả dương tính với vi khuẩn liên cầu lợn.

Theo bác sỹ Phan Lê Quỳnh Thi, Khoa Bệnh Nhiệt đới, những ca viêm màng não do liên cầu lợn khi tiếp nhận, bác sỹ sẽ điều trị sớm kháng sinh theo kinh nghiệm chứ không đợi đến khi có kết quả xét nghiệm máu dương tính.

Nhờ đó, sẽ giảm các nguy cơ, biến chứng cho bệnh nhân về sau. Thời gian điều trị các ca bệnh liên cầu lợn kéo dài từ 14-21 ngày.

Đối với viêm màng não và nhiễm khuẩn huyết do liên cầu lợn, người bệnh bắt buộc phải điều trị trong 21 ngày.

Bác sỹ khuyến cáo, người dân cần đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tuyệt đối không ăn tiết canh, thịt lợn chưa được nấu chín kỹ; đồng thời đến cơ sở y tế ngay khi có biểu hiện sốt cao, đau đầu, buồn nôn, mệt mỏi kéo dài để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Ngành y tế thành phố Huế đã điều tra, xử lý ca bệnh; đồng thời phát tờ rơi, tuyên truyền cho người dân dấu hiệu nhận biết bệnh liên cầu lợn, biện pháp theo dõi, điều trị, phòng tránh bệnh./.

TTXVN
Những thực phẩm gây hại cho trẻ dậy thì cha mẹ cần lưu ý
Những thực phẩm gây hại cho trẻ dậy thì cha mẹ cần lưu ý

Tuổi dậy thì là giai đoạn vàng quyết định sự phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần. Tuy nhiên, thói quen ăn uống thiếu khoa học có thể gây ra những ảnh hưởng tiêu cực lâu dài. Vậy, trẻ tuổi dậy thì nên hạn chế tiêu thụ những nhóm thực phẩm nào để duy trì sức khỏe tốt nhất?

Bộ Y tế ban hành quy định về đơn thuốc, kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm điều trị ngoại trú
Bộ Y tế ban hành quy định về đơn thuốc, kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm điều trị ngoại trú

(SKTE) - Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư số 26/2025/TT-BYT, quy định chi tiết về đơn thuốc và việc kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Trong đó, quy định chi tiết: 252 bệnh, nhóm bệnh được áp dụng kê đơn thuốc ngoại trú trên 30 ngày. Thông tư này, có hiệu lực từ ngày 1/7/2025.

Logo Tạp chí Sức khỏe trẻ em
© Bản quyền 2024 Sức khỏe Trẻ em
Hotline: Hà Nội - (024) 37 765 156 / TP HCM - 0936813116
Logo Tạp chí Sức khỏe trẻ em
Tạp chí Sức khỏe Trẻ em
Địa chỉ: Số 51 Vũ Ngọc Phan, Hà Nội.
Điện thoại:  0988158008; 0971251286.
Email: suckhoetreem2024@gmail.com.
Giấy phép số 298/GP-BTTTT, ngày 6/10/2024 của Bộ Thông tin và Truyền thông.
STK: 0021000568719, Ngân hàng Vietcombank
Ghi rõ nguồn Sức khỏe Trẻ em khi phát hành lại thông tin từ website này.
Thiết kế bởi Tập đoàn Trí Nam
Tổng biên tập: TS. Trần Doãn Tiến.
Phó Tổng Biên tập: TS. Nguyễn Văn Minh.
Ủy viên Ban biên tập: Nguyễn Thanh Cao
P. Trưởng ban Thư ký tòa soạn: Lê Minh Nam.
Truyền thông - Quảng cáo: Hà Diệu Hiền , Giám đốc Trung tâm Truyền thông
Tổ chức sự kiện: Nguyễn Văn Mạnh , P. Giám đốc Trung tâm Media
Trị sự: Đoàn Thanh Hà, P. Trưởng ban Trị sự