Tôi là bệnh nhân ung thư trực tràng, đã phát hiện và điều trị gần 5 năm nay tại một bệnh viện chuyên khoa hàng đầu về K. Hồ sơ, bệnh án, đơn thuốc của tôi đã được lưu trên hệ thống của bệnh viện khá đầy đủ. Vì đã điều trị lâu dài, liên tục nên tôi đã quen hết các bác sĩ, nhân viên y tế, nhân viên phục vụ, lao công, bảo vệ, gửi xe, căng tin...
Nhà tôi cách bệnh viện chuyên khoa điều trị về ung thư khoảng 200 mét, đi bộ mất năm phút. Nơi tôi đăng ký khám chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu là bệnh viện tuyến đầu của thành phố. Thế nên mỗi lần đi khám, điều trị chuyên khoa về bệnh ung thư tôi đều phải thực hiện thủ tục xin giấy chuyển viện từ cơ sở đăng ký khám bảo hiểm y tế ban đầu.
|
Ảnh: minh họa. |
Xin giấy chuyển viện là một thủ tục hành chính tưởng chừng nó đơn giản nhưng cũng vô vàn phức tạp. Bởi đối với những người như tôi, đang mắc bệnh hiểm nghèo, đe dọa tính mạng, ngoài những nỗi đau thể xác phải chịu đựng, tôi còn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn khác trong quá trình điều trị, từ vấn đề chi phí, tâm lý đến những thủ tục hành chính phức tạp. Một trong những bất cập lớn hiện nay là quy trình xin giấy chuyển viện, khiến bệnh nhân ung thư phải chịu thêm gánh nặng không đáng có, nhất là khi bệnh nhân đã khám và điều trị lâu dài tại một cơ sở y tế.
Đầu tiên, tôi phải có mặt tại bệnh viện cơ sở (nơi à tôi đăng ký khám bảo hiểm y tế ban đầu), khám theo đúng quy trình, sau đó mới được bác sĩ cấp giấy chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Thủ tục khám ban đầu và xin được giấy chuyển tuyến cũng mất nửa ngày, nên tôi phải dậy thật sớm, xếp hàng, lấy số, ngồi đợi, khám, đợi xin giấy, đóng dấu. Từng ấy công đoạn cho một tờ giấy xin chuyển viện đã thấy một quy trình thủ tục rườm rà, không hiệu quả.
Cầm được tờ giấy chuyển viện trên tay, sáng hôm sau tôi bắt đầu thủ tục đăng ký khám tại bệnh viện ung bướu. Cô nhân viên nhận tờ giấy chuyển viện, nhập vào máy và nói: "Sao lâu không thấy chú không đến khám lại?". Tôi đáp lại: "Vì thủ tục rườm rà quá nên mỗi lần đi khám, chú phải xin giấy chuyển viện rất phức tạp".
Theo quy định của ngành y tế, bệnh nhân bị bệnh nặng, vượt quá khả năng chữa trị của bệnh viện cơ sở sẽ được chuyển lên tuyến trên để chữa trị. Tôi cứ tưởng mình đã thực hiện khám, điều trị lâu dài tại bệnh viện ung bướu nhiều năm rồi thì sẽ không phải làm hết các thủ tục rườm rà này nữa. Nhưng không, quy định là quy định, bắt buộc phải thực hiện. Đôi khi bác sĩ, nhân viên y tế đều biết rõ về bệnh nhân, tình trạng bệnh, nhưng vì là thủ tục nên đều phải tuân theo, bất luận thủ tục ấy có ý nghĩa gì hay không?
Quy định chuyển tuyến phải có giấy chuyển viện làm cho bệnh nhân ung thư như tôi thường phải đi từ bệnh viện này đến bệnh viện khác để xin giấy tờ, dù đã và đang điều trị tại tuyến trên. Tôi phải đến bệnh viện đăng ký khám chữa bệnh ban đầu để xin giấy chuyển viện, mặc dù bệnh viện này không phải là nơi tôi thường xuyên điều trị bệnh. Điều này không chỉ tốn thời gian, tiền bạc mà còn gây thêm stress cho những bệnh nhân đang phải chiến đấu với bệnh tật. Quả là một vòng luẩn quẩn.
Đó không chỉ là câu chuyện của một mình tôi, mà còn là thực tế mà rất nhiều bệnh nhân ung thư khác đang phải đối mặt. Tôi gặp những người bệnh từ Mèo Vạc (Hà Giang), có người tận Hương Sơn (Hà Tĩnh), hay Con Cuông (Nghệ An)... mưu sinh ở Hà Nội, không may bị mắc bệnh, nhưng mỗi lần khám lại đều phải quay trở về quê (nơi đăng ký khám bảo hiểm y tế ban đầu) để xin giấy chuyển viện, tốn kém tiền bạc, công sức, thời gian.
Một số bệnh nhân khác thậm chí còn phải đi lại nhiều lần giữa các cơ sở y tế chỉ để hoàn tất các thủ tục hành chính, trong khi bệnh tình của họ đã rõ ràng và đang được điều trị tại bệnh viện chuyên khoa (đã có bệnh án và hồ sơ rõ ràng tại cơ sở điều trị). Điều này không chỉ gây cản trở trong việc tiếp cận dịch vụ y tế mà còn làm tăng thêm chi phí cho người bệnh.
Theo giải thích từ các cơ quan chức năng, việc xin giấy chuyển viện là một thủ tục hành chính cần thiết trong hệ thống y tế, nhằm đảm bảo việc quản lý bệnh nhân đúng nơi đúng quy định. Tuy nhiên, đối với những bệnh nhân mắc bệnh nặng như ung thư, việc này trở thành một gánh nặng không cần thiết. Thực tế, quy trình này không chỉ gây phiền phức cho bệnh nhân, mà còn làm tăng gánh nặng cho nhân viên y tế và hệ thống y tế nói chung, khi phải tiếp nhận một lượng bệnh nhân làm thủ tục hành chính không đúng mục đích.
Việc bỏ qua hoặc đơn giản hóa quy trình xin giấy chuyển viện cho bệnh nhân ung thư sẽ giúp giảm bớt nỗi khổ cho người bệnh. Các bệnh viện có thể xem xét việc tạo ra các cơ chế đặc biệt, cho phép bệnh nhân ung thư đã có bệnh án tại cơ sở điều trị chính được tiếp tục điều trị mà không cần phải trải qua quá nhiều thủ tục hành chính. Cải cách quy trình chuyển viện cho bệnh nhân ung thư là một nhiệm vụ cấp thiết để mang lại một hệ thống y tế nhân văn hơn.