Thứ Hai, 09/06/2025 10:00 (GMT+7)

Những nguy cơ tiềm ẩn của việc mua thuốc không kê đơn

(SKTE) - Thói quen mua thuốc không kê đơn qua mạng xã hội hoặc từ các nhà thuốc nhỏ lẻ đang trở nên phổ biến, song đây lại là những kênh tiềm ẩn nguy cơ cao về thuốc giả.
Ảnh đại diện tin bài

Ảnh minh họa. 

Sôi động “chợ thuốc online”, hiểm họa tiềm ẩn

Chỉ cần gõ từ khóa “mua thuốc online” tại thanh công cụ tìm kiếm của mạng xã hội Facebook, người dùng sẽ nhận được kết quả là sự xuất hiện của hàng loạt hội nhóm buôn bán, trao đổi thuốc. Mỗi nhóm này có từ hàng chục đến hàng trăm nghìn thành viên. Theo ghi nhận, những nhóm này mỗi ngày có hàng chục tài khoản cá nhân đăng tải bán thuốc, thậm chí có nhiều thuốc kê đơn.

“Cam kết rẻ hơn thị trường”, “Vận chuyển tận nhà sau khi chốt đơn”… là một số trong những lời mời chào hấp dẫn, khiến việc mua bán trên các hội nhóm này trở nên nhộn nhịp. Đáng chú ý, chỉ cần để lại địa chỉ và báo số lượng, bất kỳ ai cũng có thể mua thuốc kê đơn mà không cần bất cứ điều kiện nào khác.

Trong vai bệnh nhân mất ngủ kéo dài, chúng tôi liên hệ thông tin để lại trên trang Facebook “Thuốc ngủ mạnh…” để hỏi mua Seduxen 5mg - loại thuốc được trang này quảng cáo “siêu phẩm được sản xuất tại Mỹ, công dụng vượt trội ngủ ngay sau đúng 1 giây”. Qua số điện thoại, tài khoản tên “Nhà thuốc A.V” báo giá 350.000 đồng/vỉ 10 viên Seduxen, mua không cần toa và chuyển theo địa chỉ cung cấp. Nhưng khi chúng tôi thắc mắc vì sao trên vỉ thuốc lại ghi sản xuất tại Hungary chứ không phải “siêu phẩm Mỹ”, người bán không đáp lại.

Chúng tôi tiếp tục liên hệ một tài khoản rao bán thuốc Seduxen trên mạng khác tên C.H, đề nghị được xem tem sản xuất và giấy tờ nhập khẩu để tránh bị mua hàng giả. Tài khoản này khẳng định Seduxen mình bán là chính hãng, chuyển hình thuốc kèm giải thích: "Bên ngoài không có đâu, em ở trong viện mới có. Loại này không dán tem như những loại khác, tên nhà sản xuất in và dập nổi trên viên và vỉ, làm gì có hàng giả. Anh cho địa chỉ thì 2-3 ngày giao đến, 330.000 đồng/vỉ thuốc, mỗi hộp có 10 vỉ".

Có thể thấy, việc mua thuốc online dễ dàng mang lại không ít thuận tiện cho người bệnh. Song, cũng không ít trường hợp phải nhập viện do tự ý mua thuốc online và sử dụng “bừa phứa”.

Việc người dân tự ý mua thuốc không theo chỉ dẫn, kê đơn của bác sĩ có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe, thậm chí có thể dẫn đến tử vong. Đơn cử như mới đây, tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ đã tiếp nhận một bệnh nhân mắc hội chứng hiếm gặp gây tổn thương da, trợt da, nổi mụn nước lan rộng toàn thân. Đặc biệt là ở vùng bụng, ngực, 2 chi trên, 2 chi dưới với tổng diện tích 70%, kèm theo đó là loét niêm mạc miệng, mắt và bộ phận sinh dục.

Trong thời gian đang sử dụng thuốc theo đơn về cơ xương khớp, người bệnh có kết hợp thêm thuốc điều trị ký sinh trùng. Khi thấy nổi nốt trên da và loét miệng, người bệnh tiếp tục dùng thêm thuốc (không rõ loại) do một phòng khám tư nhân kê. Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, bệnh nhân được chẩn đoán hội chứng Stevens-Johnson/Lyell (SJS/TEN) do dị ứng thuốc. Vụ việc trên gióng lên hồi chuông cảnh báo về những nguy hiểm khi người dân tự ý mua thuốc mà không có chỉ định của bác sĩ.

Quy định hiện hành với vấn đề này ra sao?

Tổ chức y tế thế giới (WHO) cảnh báo, kháng thuốc là 1 trong 10 nguyên nhân gây tử vong cao nhất toàn cầu. Tại Việt Nam, khoảng 93% giao dịch mua thuốc kê đơn là không có đơn thuốc. Việt Nam đang trong nhóm 10 quốc gia có tình trạng kháng thuốc cao nhất thế giới. Nguyên nhân kháng thuốc chủ yếu do người bệnh, dược sĩ tự kê đơn và bán thuốc mà không cần đơn dù luật không cho phép điều này. Luật Dược và Thông tư 02/20218/TT-BYT cũng quy định về việc phải bán thuốc theo đơn với các loại thuốc cần kê đơn. Tuy nhiên, thực tế tại Hà Nội, một số nhà thuốc vẫn "vô tư" bán thuốc kê đơn mà không cần đơn của bác sĩ.

Theo luật sư Nguyễn Hồng Thái, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, dù hiện đã có các quy định về điều kiện bán thuốc, tư vấn, đặc biệt là không được phép bán thuốc kê đơn online nhưng thực tế rất khó để kiểm soát vấn đề này. Để quản lý tốt quy trình này cần có sự tham gia phối hợp đồng bộ của các cơ quan chức năng.

Trung tá, TS Ngyễn Thị Thanh Thùy, Học viện An ninh Nhân dân cho biết, với sự bùng nổ của thương mại điện tử, các mặt hàng được mua bán công khai trên các trang mạng dẫn tới người mua, người tiêu dùng lựa chọn sử dụng thuốc mà không thông qua bác sỹ kê đơn; đôi khi tự tra cứu tên thuốc, công dụng của thuốc rồi tự đặt mua thuốc dẫn tới vô hình chung đã tiếp tay cho việc tiêu thụ cũng như lan truyền thuốc giả, thuốc kém chất lượng. Trong khi đó, những đường dây sản xuất, mua bán thuốc online hoạt động tinh vi, địa bàn rộng lớn, thậm chí đặt máy chủ tại nước ngoài nên gây rất nhiều khó khăn cho công tác điều tra, xử lý.

“Dù lực lượng chức năng đã rất cố gắng, huy động nhiều lực lượng để dẹp thuốc giả trên mạng xã hội nhưng nó vẫn gia tăng bởi nó xuất phát từ tính ẩn danh trên mạng xã hội. Các đối tượng rao bán không rõ địa chỉ cụ thể nào, các thông tin, địa điểm, cơ sở giả nên để cơ quan chức năng để truy nguyên ra đối tượng không phải dễ nên các đối tượng không chỉ lừa 1 lần mà còn nhắm tới hàng trăm người, thu lợi bất chính số tiền rất lớn mà chưa bị phát hiện”, Trung tá, TS Ngyễn Thị Thanh Thùy cho biết.

Đặc biệt, theo quy định, từ ngày 1/7/2025, chỉ một số loại thuốc không kê đơn mới được phép bán trên website, sàn thương mại điện tử được cấp phép. Người dân không nên mua thuốc qua mạng xã hội, người bán cá nhân hoặc qua các phiên livestream bán hàng. Khi mua tại nhà thuốc, cần chọn nơi uy tín, có địa chỉ rõ ràng; bao bì thuốc phải nguyên vẹn, không tẩy xóa, thông tin rõ ràng. Nếu thuốc có mã vạch hoặc mã QR, nên kiểm tra; trường hợp không quét được mã hoặc thông tin sai lệch, cần nghi ngờ nguồn gốc. Người mua cũng cần yêu cầu xuất hóa đơn để vừa bảo đảm truy xuất nguồn gốc vừa là căn cứ để khiếu nại nếu phát hiện thuốc giả.

Danh Hưng t/h
Hơn 6 000 người tham quan triển lãm tranh đa sắc màu của trẻ khuyết tật
Hơn 6.000 người tham quan triển lãm tranh đa sắc màu của trẻ khuyết tật

Triển lãm tranh từ trẻ khuyết tật lần thứ 3 mang chủ đề “Embrace the Diversity: Chấp nhận khác biệt, lan tỏa yêu thương” đã mở ra một không gian nghệ thuật đặc biệt. Tại đây, công chúng có dịp bước vào thế giới nội tâm đa sắc màu của hơn 70 bạn nhỏ đến từ ba miền Tổ Quốc.

Ra mắt Chi bộ Tạp chí Sức khoẻ Trẻ em
Ra mắt Chi bộ Tạp chí Sức khoẻ Trẻ em

(SKTE) - Sáng ngày 26/05/2025, Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp quận Đống Đa (TP Hà Nội) đã tổ chức Lễ công bố quyết định thành lập Chi bộ Tạp chí Sức khoẻ Trẻ em. Đồng chí Nguyễn Văn Minh – Phó tổng biên tập Tạp chí được chỉ định làm Bí thư chi bộ, nhiệm kỳ 2025 – 2027.

Nguy cơ tiềm ẩn từ đồ uống có đường, đừng để vị ngọt đánh lừa
Nguy cơ tiềm ẩn từ đồ uống có đường, đừng để vị ngọt đánh lừa

Từ ly trà sữa trân châu béo ngậy, lon nước ngọt mát lạnh đến chai nước tăng lực đầy năng lượng - đồ uống có đường đang len lỏi vào mọi ngóc ngách của cuộc sống hiện đại. Trung bình, mỗi người Việt tiêu thụ gần 70 lít loại đồ uống này mỗi năm, tương đương khoảng 1,3 lít mỗi tuần.

Logo Tạp chí Sức khỏe trẻ em
© Bản quyền 2024 Sức khỏe Trẻ em
Hotline: Hà Nội - (024) 37 765 156 / TP HCM - 0936813116
Logo Tạp chí Sức khỏe trẻ em
Tạp chí Sức khỏe Trẻ em
Địa chỉ: 42 Ngô Thì Nhậm, Hà Nội.
Điện thoại:  0988158008; 0971251286.
Email: suckhoetreem2024@gmail.com.
Giấy phép số 298/GP-BTTTT, ngày 6/10/2024 của Bộ Thông tin và Truyền thông.
STK: 0021000568719, Ngân hàng Vietcombank
Ghi rõ nguồn Sức khỏe Trẻ em khi phát hành lại thông tin từ website này.
Thiết kế bởi Tập đoàn Trí Nam
Tổng biên tập: TS. Trần Doãn Tiến.
Phó Tổng Biên tập: TS. Nguyễn Văn Minh.
Ủy viên Ban biên tập: Nguyễn Thanh Cao
P. Trưởng ban Thư ký tòa soạn: Lê Minh Nam.
Truyền thông - Quảng cáo: Hà Diệu Hiền , Giám đốc Trung tâm Truyền thông
Tổ chức sự kiện: Nguyễn Văn Mạnh , P. Giám đốc Trung tâm Media
Trị sự: Đoàn Thanh Hà, P. Trưởng ban Trị sự