|
Bệnh nhân xếp hàng chờ đến lượt khám tại Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E (Hà Nội). Ảnh: TT |
Số bệnh nhân nhập viện tăng lên 20%
Từ đầu tháng 12 đến nay, khi nhiệt độ bắt đầu xuống thấp, Bệnh viện E (Hà Nội) ghi nhận số lượng bệnh nhân nhập viện liên quan đến các bệnh tim mạch tăng khoảng 15-20% so với trước đó. Bệnh nhân chủ yếu mắc các bệnh mạch vành, suy tim, nhồi máu cơ tim và tăng huyết áp.
Đang điều trị tại Bệnh viện E, bà Nguyễn Thị Bình (57 tuổi, ngụ Bắc Giang), cho biết: “Tôi bị bệnh tim mãn tính, đã duy trì uống thuốc từ 6 năm nay, nhưng cứ đến mùa đông tôi lại phát bệnh nặng hơn. 4 ngày trước, tôi phải nhập viện điều trị nội trú do trống ngực đập nhiều và cảm thấy đau ngực”.
Cùng điều trị với bà Bình là bệnh nhân Giáp Thị Xuân (61 tuổi, ngụ Hà Nam). Bà Xuân cho hay khi trời trở lạnh, bà gặp tình trạng nói khó, bước chân đi cũng khó và tay cầm không được thật, nhất là vào buổi sáng khi mới thức dậy. “Tôi đến bệnh viện kiểm tra, được kết luận bị huyết áp cao, được chỉ định nhập viện theo dõi” - bà Xuân chia sẻ.
Theo bác sĩ Lý Đức Ngọc, Phó trưởng khoa Nội tim mạch người lớn, Trung tâm Tim mạch (Bệnh viện E), phần lớn bệnh nhân tại đây là người cao tuổi hoặc có bệnh nền. Tuy nhiên, tình trạng này đang có xu hướng trẻ hoá trong những năm gần đây.
"Thời tiết lạnh, cơ thể sẽ tăng tiết hoocmon Catecholamine trong máu, gây ra tình trạng co mạch máu khiến áp lực trong lòng mạch tăng lên, từ đó khiến huyết áp và nhịp tim tăng theo.
So với mùa hè, thời tiết lạnh sẽ làm huyết áp tăng khoảng 50 mmHg. Nếu tình trạng này diễn ra liên tục sẽ khiến người bệnh tăng 21% nguy cơ mắc các biến chứng về tim mạch” - bác sĩ Ngọc thông tin.
|
Thời tiết chuyển lạnh, nhiệt độ giảm sâu khiến các biến chứng của bệnh tim mạch gia tăng. Ảnh: TT |
Phòng bệnh từ thói quen hằng ngày
Theo bác sĩ Thân Văn Tuấn, khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang, nhóm bệnh lý tim mạch phần lớn là bệnh mãn tính. Tuổi càng cao tỉ lệ mắc bệnh càng lớn.
Các bệnh này thường tiến triển mãn tính, lâu dài theo thời gian, tuy nhiên vẫn có tính chất liên quan đến mùa. Đặc biệt, khi trời chuyển lạnh, thời tiết khắc nghiệt, nhiệt độ xuống sâu thì những bệnh lý về tim mạch sẽ chuyển cấp nhiều hơn.
"Thời tiết chuyển lạnh, các mạch máu trong cơ thể co lại, huyết áp tăng, thậm chí tăng vọt khi bệnh nhân đột ngột từ trong nhà bước ra ngoài trời lạnh hoặc tắm rửa vào những ngày nhiệt độ giảm sâu.
Một trong những nguy cơ cao gây các bệnh lý tim mạch là tình trạng tăng huyết áp. Đáng lưu ý, hiện nay số người mắc tình trạng tăng huyết áp rất lớn và đặc thù của tình trạng này là thường tái phát trong mùa đông”.
Ngoài tăng huyết áp, một số bệnh nền khác cũng khiến người dân dễ mắc bệnh tim mạch hơn khi trời lạnh như đái tháo đường, phổi tắc nghẽn tiến triển thành dạng cấp, cúm...
Bác sĩ Ngọc và bác sĩ Tuấn cũng cho rằng nếu như trước đây các bệnh tim mạch thường hay gặp ở người lớn tuổi, thì những năm gần đây đang có xu hướng trẻ hóa.
Do vậy, kiểm soát các yếu tố nguy cơ cần được lưu tâm và thực hiện càng sớm càng tốt, nhất là trong mùa đông. Giữ ấm cơ thể trong thời tiết lạnh cũng rất quan trọng, đồng thời phải duy trì thuốc theo phác đồ, hướng dẫn của bác sĩ đối với những người có bệnh nền.
“Người lớn tuổi thường không ngủ được nhiều, có thói quen dậy sớm, đi lại loanh quanh trong nhà hoặc ra ngoài. Mùa đông cần hạn chế điều này, bởi khi bước ra khỏi giường cần đề phòng nguy cơ sốc nhiệt, đặc biệt những người có bệnh nền liên quan đến tim mạch, huyết áp.
Còn với người trẻ, cần hạn chế thói quen tắm muộn, tắm lâu. Đối với trẻ em, cha mẹ nên lưu ý không để trẻ ra ngoài, đặc biệt là khi thời tiết dưới 10 độ C"