Viêm tai giữa bao gồm viêm tai giữa cấp tính (AOM) và viêm tai giữa ứ dịch (OME) (còn được gọi là viêm tai giữa thanh dịch). Mặc dù hai tình trạng này có liên quan chặt chẽ với nhau nhưng viêm tai giữa cấp tính và viêm tai giữa ứ dịch là hai tình trạng bệnh khác nhau.
Phân loại viêm tai giữa
Viêm tai giữa có thể phân thành nhiều loại như viêm tai giữa cấp tính, viêm tai giữa mạn tính xuất tiết, mạn tính nhầy mủ... Tuy nhiên, có 2 loại viêm tai giữa phổ biến nhất là viêm tai giữa cấp tính mủ và viêm tai giữa mạn tính mủ:
Viêm tai giữa cấp tính mủ: thường gặp ở trẻ em, biểu hiện lâm sàng qua 3 giai đoạn là: viêm tai giữa giai đoạn xung huyết, kế tiếp là giai đoạn ứ mủ (chưa có mủ chảy ra ngoài), khám tai ở giai đoạn này thường thấy màng nhĩ đục, đỏ.
Sau đó chuyển thành màu xám, phồng ra ngoài, làm mất mốc giải phẫu bình thường, kế tiếp là viêm tai giữa giai đoạn vỡ mủ (mủ chảy ra ống tai), lúc này các triệu chứng thường giảm đi nhanh chóng khi mủ chảy ra, mủ tai lúc đầu loãng, trong có màu vàng chanh sau đặc dần thành mủ nhầy, khám thấy màng nhĩ dày, ẩm, có lỗ thủng, có mủ chảy ra ngoài lỗ thủng.
Viêm tai giữa mạn tính mủ: có thể gặp ở mọi lứa tuổi, biểu hiện rất nghèo nàn với chảy mủ tai là triệu chứng chính, mủ tai thường xuyên chảy hoặc từng đợt sau mỗi đợt ho, sốt, đau họng. Mủ chảy ra có mùi hôi thối, khắm, mủ đặc, lổn nhổn màu vàng xanh hay nâu bẩn, có thể lẫn với máu hoặc mảng trắng như bã đậu, có óng ánh như váng mỡ.
Người bệnh giai đoạn này thường nghe kém, ít thấy đau, có cảm giác nặng tai, nhức đầu, khám tai thấy màng nhĩ thủng đáy, lỗ thủng bẩn, bờ lỗ thủng và đôi khi có polyp bên trong tai.
Nguyên nhân viêm tai giữa ở trẻ
Nhiễm trùng tai xảy ra thường xuyên nhất ở trẻ em từ 3 tháng đến 3 tuổi và phổ biến cho đến khi 8 tuổi. Khoảng 25% trẻ em sẽ bị nhiễm trùng tai nhiều lần. Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị viêm tai giữa, có thể do virus, vi khuẩn hoặc đồng nhiễm.
Các vi khuẩn phổ biến nhất gây viêm tai giữa là Streptococcus pneumoniae, tiếp theo là Haemophilus influenzae và Moraxella catarrhalis.
Các nguyên nhân trẻ bị viêm tai giữa khác bao gồm:
Hệ miễn dịch non nớt
Cảm lạnh thường là nguyên nhân gây ra nhiễm trùng tai, thường xảy ra trong mùa lạnh, khi nhiều người bị nhiễm trùng đường hô hấp trên hoặc cảm lạnh. Trẻ có hệ miễn dịch yếu thường dễ bị cảm lạnh dẫn đến nhiễm trùng tai.
Nhiễm trùng tai do cảm lạnh có thể có các triệu chứng cảm lạnh, chẳng hạn như chảy nước mũi, nghẹt mũi hoặc ho.
Cấu trúc tai chưa hoàn chỉnh
Tai giữa nằm phía sau màng nhĩ và cũng là nơi chứa các xương mỏng manh hỗ trợ thính giác. Những xương này là xương búa (malleus), xương đe (incus) và xương bàn đạp (stapes).
Cấu trúc của tai bao gồm tai ngoài, tai giữa và tai trong. Tai giữa là khoảng trống giữa màng nhĩ và tai trong.
Tai ngoài là vành tai ngoài bên ngoài và ống tai (ống tai ngoài). Tai giữa là không gian chứa đầy không khí giữa màng nhĩ và tai trong. Tai giữa chứa các xương nhỏ truyền các rung động âm thanh từ màng nhĩ đến tai trong. Đây là nơi nhiễm trùng tai xảy ra.
Tai trong chứa mê cung hình xoắn ốc giúp chuyển đổi các rung động âm thanh nhận được từ tai giữa thành tín hiệu điện. Dây thần kinh thính giác sẽ mang những tín hiệu này đến não.
Ngoài ra, còn có vòi nhĩ điều chỉnh áp suất không khí trong tai giữa, kết nối nó với phần trên của họng. VA là những mô lympho phía trên họng, phía sau mũi và gần các vòi nhĩ. VA giúp chống nhiễm trùng do vi khuẩn xâm nhập qua miệng.
Ở trẻ nhỏ, các cấu trúc này chưa hoàn chỉnh. Vòi nhĩ ngắn hơn, ngang hơn khiến vi khuẩn và virus dễ dàng xâm nhập vào tai giữa. Các ống này cũng hẹp hơn nên dễ bị tắc hơn. Các mô lympho có thể phì đại cản trở hoạt động vòi nhĩ.
Những nguyên nhân khác có thể gây đau tai, chẳng hạn như mọc răng , dị vật trong tai hoặc ráy tai cứng.
Các yếu tố nguy cơ chính gây nhiễm trùng tai
Tuổi: Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ (từ 6 tháng tuổi đến 2 tuổi) có nhiều nguy cơ bị nhiễm trùng tai hơn.
Tiền sử gia đình: Yếu tố gia đình có thể tác động làm tăng khả năng viêm tai giữa.
Dị ứng: Tác nhân dị ứng gây viêm đường mũi và đường hô hấp trên, có thể làm to các mô lympho. Mô lympho phì đại có thể chặn vòi nhĩ, ngăn dịch chảy ra từ tai. Điều này dẫn đến sự tích tụ dịch trong tai giữa, gây ra áp lực, đau đớn và có thể gây nhiễm trùng.
Bệnh mạn tính: Trẻ mắc bệnh mạn tính có nhiều khả năng bị nhiễm trùng tai, đặc biệt là trẻ bị suy giảm miễn dịch và bệnh hô hấp mạn tính, chẳng hạn như xơ nang và hen suyễn.
Phương pháp chữa viêm tai giữa cho trẻ
Viêm tai giữa thường tự khỏi trong vòng 2 hoặc 3 ngày, thậm chí không cần điều trị đặc hiệu. Thông thường, có chất lỏng trong tai giữa ngay cả sau khi hết nhiễm trùng. Nếu nó ở đó lâu hơn 3 tháng, có thể cần điều trị thêm.
Rất hiếm trường hợp nhiễm trùng tai kéo dài hoặc nhiễm trùng tai giữa nghiêm trọng lặp đi lặp lại có thể dẫn đến các biến chứng. Vì vậy, trẻ bị đau tai hoặc cảm giác đầy tai, đặc biệt là khi kết hợp với sốt, nên được bác sĩ thăm khám nếu tình trạng không thuyên giảm sau vài ngày.
Những nguyên nhân khác có thể gây đau tai, chẳng hạn như mọc răng , dị vật trong tai hoặc ráy tai cứng. Bác sĩ có thể tìm ra nguyên nhân khiến con bạn khó chịu và điều trị.
Thuốc kháng sinh có thể là phương pháp điều trị phù hợp cho trẻ bị nhiễm trùng tai nhưng cần được hướng dẫn theo chỉ định của bác sĩ, không nên tự ý điều trị.
Nếu bác sĩ kê toa thuốc kháng sinh, thường nên dùng một liệu trình 10 ngày. Trẻ em từ 6 tuổi trở lên không bị nhiễm trùng nặng có thể dùng đợt điều trị ngắn hơn trong 5–7 ngày. Nếu tai bị nhiễm trùng chảy dịch, cha mẹ cũng có thể sử dụng thuốc nhỏ tai kháng sinh.