Viêm xoang ở trẻ em
Vùng xương sọ mặt bao gồm 4 xoang là xoang trán, xoang sàng, xoang bướm và xoang hàm. Đây là các khoang rỗng trên vùng xương sọ mặt, chứa đầy không khí. Bên trong xoang được lót bởi lớp niêm mạc là các mô mềm.
Viêm xoang là tình trạng nhiễm trùng màng niêm mạc lót trong các xoang. Tình trạng viêm nhiễm gây phù nề, thu hẹp đường kính lỗ xoang, dịch ứ đọng trong xoang không thoát ra ngoài được. Xoang có liên hệ mật thiết với mũi nên bệnh viêm xoang còn được gọi là viêm mũi xoang. Viêm xoang trẻ em là bệnh phổ biến xảy ra ở các quốc gia nhiệt đới gió mùa, đặc biệt ở miền Bắc Việt Nam.
Thời tiết lạnh ẩm có bụi mịn là điều kiện thích hợp để tác nhân gây bệnh phát triển, nhất và vào các thời điểm giao mùa. Bệnh này cần hỗ trợ điều trị trong thời gian dài, rất dễ bị lại và biến chứng thành bệnh mạn tính. Viêm mũi xoang ở trẻ em gồm 3 dạng chính tùy theo thời gian bệnh: Viêm xoang cấp tính, viêm xoang bán cấp và viêm xoang mạn tính, trong đó:
Viêm xoang cấp tính: Bệnh kéo dài không quá 4 tuần, các triệu chứng bệnh giảm dần rồi khỏi hẳn. Thường xảy ra với xoang trán, xoang sàng, xoang bướm và viêm đa xoang.
Viêm xoang bán cấp: Các triệu chứng bệnh kéo dài từ 4- 8 tuần.
Viêm xoang mạn tính: Bệnh kéo dài trên 12 tuần, có thể tái đi tái lại nhiều lần trong một năm.
Bệnh viêm xoang thường gặp ở người lớn hơn trẻ em, trong đó phần lớn là trẻ em dưới 6 tuổi. Mặt khác, những trẻ gầy yếu, suy dinh dưỡng, sức đề kháng kém, sống trong môi trường ô nhiễm… sẽ dễ mắc bệnh hơn.
Nguyên nhân trẻ bị viêm xoang
Viêm xoang là bệnh lý nhiễm trùng các xoang do vi khuẩn, virus hoặc nấm gây ra. Một số vi khuẩn gây viêm xoang trẻ em là vi khuẩn gây viêm đường hô hấp như Streptococcus pneumoniae, Haemophilus influenzae, Pseudomonas aeruginosa, E.coli, Klebsiella… Khi xâm nhập vào cơ thể, chúng sẽ di chuyển từ các cơ quan trong hệ hô hấp lên các xoang và gây tình trạng nhiễm trùng.
Viêm mũi xoang trẻ em có liên hệ mật thiết với các bệnh viêm đường hô hấp. Do đó, các bệnh nhân viêm xoang có thể gặp tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp trước đó như:
Viêm đường hô hấp trên: Các triệu chứng gồm ho, sốt nhẹ, ngạt mũi, chảy nước mũi… Trẻ bệnh bị lại nhiều lần trong năm.
VIêm mũi dị ứng: Một số biểu hiện ở trẻ như chảy nước mũi, khò khè, ran ở phổi.
Hen phế quản: Trẻ khó thở từng cơn, khó khăn khi thở ra do khí quản bị co thắt.
Nếu trẻ mắc các bệnh trên nhưng không được hỗ trợ điều trị đúng cách, kịp thời, bệnh kéo dài lâu khỏi sẽ khiến niêm mạc mũi bị phù nề, chặn đường thông với lỗ xoang làm dịch trong xoang ứ đọng, vi khuẩn tích tụ gây nhiễm trùng trở thành viêm mũi xoang.
Những biến chứng nguy hiểm của bệnh viêm xoang ở trẻ em
Nếu viêm xoang ở trẻ em không được điều trị hoặc điều trị không hợp lý, bệnh có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như:
Viêm họng mạn tính, viêm tai giữa ứ dịch, polyp mũi
Viêm phế quản mạn tính, hen suyễn, bệnh nhức đầu dai dẳng
Viêm dây thần kinh thị giác sau nhãn cầu, viêm tấy ổ mắt, viêm mí mắt, viêm túi lệ
Viêm cốt-tủy xương, viêm tắc tĩnh mạch hang
Viêm màng não, viêm não, áp xe não
Cách phòng ngừa, điều trị cho trẻ em
Các biến chứng của bệnh viêm xoang ở trẻ em là vô cùng nguy hiểm, một số biến chứng thậm chí có thể đe dọa tính mạng trẻ. Do đó, các bậc cha mẹ không được chủ quan, khi trẻ bị nghẹt mũi do cảm lạnh hoặc dị ứng thì phải nhanh chóng đưa trẻ đến các cơ sở y tế để điều trị dứt điểm nhằm ngăn ngừa sự nhiễm khuẩn ở các xoang. Các bậc cha mẹ không nên tự mua thuốc điều trị cho trẻ hoặc tự ngưng thuốc khi chưa tham khảo ý kiến bác sĩ.
Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với những người đang bị viêm đường hô hấp, bị cảm, tránh xa khói thuốc lá và những tác nhân gây bộc phát dị ứng nếu trẻ có cơ địa dị ứng.
Tập cho trẻ thói quen rửa tay thường xuyên, đặc biệt là rửa tay trước khi ăn, rửa tay ngay sau khi tiếp xúc với người ốm.
Vệ sinh mũi mỗi ngày cho trẻ bằng nước biển sâu hoặc nước muối sinh lý.
Giữ nhà cửa luôn sạch sẽ, thông thoáng, hạn chế nuôi súc vật trong nhà, hạn chế sử dụng máy lạnh. Tránh để trẻ hít thở không khí khô, có thể dùng máy tạo độ ẩm để tăng độ ẩm trong không khí nơi trẻ sinh hoạt, học tập.
Khi ra khỏi nhà, cho trẻ mang khẩu trang để giảm nguy cơ hít phải khói bụi và các chất gây ô nhiễm.