Tặng Anastasia Prokopyevna Kopylova.
*********
Tôi lại vừa mới đánh trúng chồng xu và đi nhặt tiền thì thấy Vadik dẫm chân lên một trong những đồng xu văng ra. Tất cả những đồng xu còn lại đều ngửa mặt sấp lên. Trong trường hợp đó thường phải kêu: "Nhập kho!", để - nếu không có đồng xu ngửa mặt sấp lên - thì phải gom xu lại thành chồng để cho người sau đánh, nhưng tôi, như mọi khi, tin tưởng ở may mắn nên không kêu như vậy.
- Không nhập kho! - Vadik thông báo.
Tôi lại gần nó và cố đẩy chân nó ra để lấy đồng xu nhưng nó xô tôi ra và nhanh tay nhặt đồng xu lên và chìa cho tôi xem mặt sấp. Tôi vẫn kịp nhìn thấy mặt ngửa ở phía trên, - nếu không nó đã không dẫm chân che đi.
- Mày đã lật lại, - tôi nói. - Nó ngửa mặt có con đại bàng, tao đã thấy.
Nó gí nắm đấm vào mũi tôi.
- Thế mày không thấy cái này à? Ngửi xem có mùi gì.
Tôi đành đấu dịu. Cố đấm ăn xôi cũng chẳng ích gì, nếu xảy ra ẩu đả, không ai, không đứa nào bênh vực tôi, kể cả Tishkin đang lượn lờ quanh đấy.
Vadik gờm gờm nhìn tôi chòng chọc. Tôi khom người, chọi nhẹ vào đồng xu ở gần, làm nó lật lên và tôi chuyển sang đồng xu tiếp theo. "Ăn gian nó giàn ra đấy, - tôi quyết tâm. Dẫu sao bây giờ tao sẽ ăn hết". Tôi tiếp tục nhằm nhằm hòn đáo để chọi nhưng chưa kịp hạ xuống thì đứa nào đó huých đầu gối vào lưng tôi. Tôi vụng về chúi người và ngã cắm đầu xuống đất. Xung quanh cười ồ lên.
Đứng sau tôi là thằng Ptakha đang nín cười. Tôi sửng cồ:
- Mày làm gì?
- Ai bảo mày là tao làm? - nó chống chế. - Mày mơ ngủ à?
- Đưa đáo đây! - Vadik chìa tay ra, nhưng tôi không đưa.
Nỗi tức giận đã lấn lướt nỗi sợ hãi trong tôi, tôi không còn sợ gì trên đời này nữa. Vì sao? Vì sao chúng đối xử với tôi như vậy? Tôi đã làm gì sai?
- Đưa đây cho tao! - Vadik đòi.
- Mày đã lật đồng xu đó! - tôi hét lên. Tao thấy, mày lật. Tao thấy rồi.
- Nào, mày nhắc lại đi, - Vadik vừa áp sát tôi vừa nói.
- Mày lật úp nó, - tôi hạ giọng nói vì biết tiếp sau sẽ là gì.
Thằng đấm tôi từ phía sau là Ptakha. Tôi chúi vào Vadik, nó không chần chừ húc thẳng đầu vào mặt tôi, tôi ngã nhào máu mũi trào ra. Lúc tôi lồm cồm đứng dậy, Ptakha lại đấm tôi. Lúc đó có thể vùng ra và bỏ chạy nhưng không hiểu sao tôi lại không nghĩ đến. Tôi lảo đảo đứng giữa hai thằng, không đánh lại, chỉ lấy tay bịt mũi ngăn máu chảy, tuyệt vọng gào lên và càng làm chúng tức tối:
- Mày úp xuống! Mày úp xuống! Mày úp xuống!
Chúng luân phiên nhau đấm tôi. Tôi chỉ cố không ngã, không đời nào tôi ngã, thậm chí trong những phút giây đó tôi có cảm giác ngã là nhục nhã. Cuối cùng chúng ấn tôi nằm soài xuống đất và ngừng đánh.
- Cút khỏi đây nếu không muốn chết! - thằng Vadik ra lệnh cho tôi. - Cút nhanh!
Tôi đứng dậy, vừa nấc lên vừa hỷ cái mũi tê buốt, và lê bước đi lên gò đất.
- Đừng có bép xép với ai, không tao giết! - Vadik cảnh cáo sau lưng tôi.
Tôi không trả lời. Trong người tôi, mọi thứ như đông cứng và như tắc nghẹn lại vì tức, tôi không còn sức để nói dù một câu. Khi lên đến đỉnh gò, tôi không thể chịu được và, giống như một thằng điên, tôi gào lên những gì chất chứa trong lòng, dường như muốn cả làng nghe thấy:
- Mày ú úp xuống!
Thằng Ptakha định đuổi theo tôi nhưng lại quay về - chắc Vadik thấy rằng trừng trị tôi như vậy là đủ nên mới ngăn nó. Tôi đứng ở đó khoảng năm phút, nhìn xuống bãi đất, nơi đã bắt đầu một cuộc chơi mới, sau đó đi xuống sườn gò bên kia, đến một cái rãnh bao quanh bụi tầm ma đen, thả người xuống cỏ khô cứng, tôi không kìm nén được nữa và tủi thân khóc nức nở.
Ngày hôm đó và trên cõi đời này có lẽ không có ai bất hạnh hơn tôi.
Sáng hôm sau tôi sợ hãi nhìn mặt mình trong gương: mũi sưng tướng lên, dưới mắt trái tím bầm, phía dưới trên má có chỗ xước rớm máu và lõm vào. Tôi không thể tưởng tượng mình sẽ đi học với bộ dạng đó, nhưng dù sao vẫn phải đi, tôi không dám trốn học vì bất cứ lý do gì. Cứ cho là mũi của mọi người bẩm sinh sạch sẽ hơn mũi tôi một chút, và giá như nó không mọc ở chỗ quen thuộc thì cũng không thể đoán ra, nhưng còn chỗ sây sát và bầm tím thì không gì có thể biện bạch được: trông rõ mồn một rằng chúng được trang điểm không phải theo thiện ý của tôi.
Lấy tay che mắt, tôi lẩn nhanh vào lớp, ngồi vào bàn và cúi gằm mặt xuống. Chớ trêu thay, tiết đầu tiên là tiếng Pháp. Được phân công là giáo viên chủ nhiệm, cô Lydia Mikhailovna quan tâm đến chúng tôi hơn các thầy cô giáo khác và rất khó giấu cô chuyện gì. Cô thường bước vào lớp, chào hỏi học sinh, nhưng trước khi cho cả lớp ngồi xuống, cô có thói quen chăm chú quan sát gần như từng đứa một, đồng thời đưa ra những nhận xét hóm hỉnh nhưng bắt buộc phải thực hiện. Tất nhiên, những biểu hiện trên mặt tôi đã bị cô nhìn thấy ngay, cho dù tôi có tìm mọi cách che dấu chúng: tôi hiểu điều đó vì các bạn đều quay lại nhìn tôi.
- Thế là, - cô Lydia Mikhailovna vừa nói vừa giở sổ đầu bài. - Hôm nay trong lớp ta có thương binh.
Cả lớp cười ồ lên còn cô Lydia Mikhailovna lại ngước nhìn tôi. Mắt cô hơi hiếng và tuồng như không bao giờ nhìn thẳng, nhưng đến lúc đó chúng tôi học được cách nhận biết là cô đang nhìn đi đâu.
- Thế đã xảy ra chuyện gì? - cô hỏi.
- Em ngã, - tôi buột miệng, không biết tại sao tôi lại không lường trước là phải nghĩ ra cách giải thích nào đó đứng đắn một chút.
- Ôi, tội nghiệp thật. Em ngã hôm qua hay hôm nay?
- Hôm nay, à không phải hôm qua, lúc trời tối mò.
- Khì, ngã á! - thằng Tishkin hét lên, nó suýt chết nghẹn vì sung sướng. - Đấy là thằng Vadik học lớp 7 tặng cho bạn ấy đấy. Chúng nó chơi bạc, bạn ấy cãi nhau với chúng và bị đánh. Em thấy tận mắt. Thế mà dám nói là bị ngã.
Tôi chết đứng vì bị nó bóc mẽ. Nó nói như vậy là do nó không hiểu gì hay cố tình? Chơi bạc bị bắt 2 lần là có thể bị đuổi học. Tôi chưa bị lần nào. Tôi cảm thấy chóng mặt và ù tai vì sợ: toi rồi, bây giờ thì toi rồi. Này Tishkin. Tishkin ơi là Tishkin. Mày vui mừng vì hại tao. Mày bô bô giữa thanh thiên bạch nhật - thật hết chỗ nói.
- Tishkin, cô muốn hỏi em chuyện khác, - cô Lydia Mikhailovna không tỏ ra ngạc nhiên và vẫn giữ giọng điềm đạm, chỉ hơi ra vẻ thờ ơ, để ngăn nó nói tiếp. - Em lên bảng, một khi đã khơi chuyện thì hãy chuẩn bị trả lời. - Cô ngừng lại một chút, trong lúc thằng Tishkin đi lên bảng vác theo bộ mặt nghệt ra vì ngay lập tức bị ăn quả đắng, và bảo tôi một câu: - Sau giờ học em ở lại.
Tôi sợ nhất là cô Lydia Mikhailovna lôi tôi đến gặp thầy hiệu trưởng. Điều đó nghĩa là, ngoài buổi nói chuyện hôm nay, ngày mai tôi sẽ phải đứng trước mặt các bạn toàn trường xếp thành từng hàng dài và phải kể lại, điều gì đã xui khiến tôi làm cái việc bẩn thỉu này. Tôi nhớ, thầy hiệu trưởng Vasily Andreevich đã hỏi một học sinh phạm lỗi về mọi việc bạn này đã gây ra - làm vỡ cửa sổ, đánh lộn hoặc hút thuốc trong nhà vệ sinh: "Điều gì đã xui khiến em làm cái việc bẩn thỉu này?". Thầy đi đi lại lại trước học sinh toàn trường, hai tay chắp sau lưng, vai nhô về phía trước và sải bước dài, trông như chính chiếc áo đại cán thẫm màu chật căng cài kín cổ đi trước thầy, còn thầy vừa đuổi theo nó vừa nói: "Trả lời, trả lời đi. Chúng ta đang chờ. Kìa, cả trường đang chờ xem em sẽ nói gì với chúng ta". Bạn học sinh bắt đầu lầm bầm biện bạch gì đó, nhưng thầy hiệu trưởng đã ngắt lời: "Em hãy trả lời câu hỏi của thầy, trả lời thẳng. Câu hỏi thế nào nhỉ?" - "Điều gì xui khiến em" - "Đúng rồi: điều gì xui khiến? Em nói đi". Vụ việc thường kết thúc bằng những giọt nước mắt, chỉ sau đó thầy hiệu trưởng mới bình tâm trở lại và chúng tôi giải tán về lớp học. Khó nhất là với các học sinh lớp lớn. Chúng không muốn khóc nhưng cũng không thể trả lời thầy Vasily Andreevich.
Có lần, tiết học đầu của chúng tôi chậm mười phút, suốt thời gian đó thầy hiệu trưởng thẩm vấn một cậu học sinh lớp chín nhưng không làm rõ được gì nên thầy đưa về phòng làm việc của mình để thẩm vấn tiếp.
Còn tôi sẽ nói gì? Tốt nhất là đuổi học tôi ngay và luôn. Tôi thoáng chút nữa thì nghĩ như vậy. Tôi đã nghĩ rằng, khi đó tôi có thể trở về nhà, nhưng tôi rụt vòi ngay lại như phải bỏng, tôi sợ: không, không thể mang theo mối nhục ấy về nhà. Vấn đề khác là nếu như tôi tự bỏ học... Nhưng khi đó người ta có thể cho rằng tôi là người không đáng mặt, một khi đã không làm được điều mình muốn, lúc ấy người ta sẽ tránh tôi như tránh mả hủi. Không, không đơn giản như thế. Ở đây, tôi còn chịu đựng được, tôi còn quen được, nhưng quay về nhà kiểu đó thì không thể chấp nhận được.
Hết giờ học, tôi vừa đứng đợi cô Lydia Mikhailovna ở hành lang, vừa lặng người đi vì sợ. Cô bước ra khỏi phòng giáo viên, gật đầu với tôi và dẫn tôi vào lớp. Cô ngồi vào bàn giáo viên như mọi khi, tôi định ngồi vào bàn thứ ba, cách xa ra nhưng cô chỉ định tôi ngồi vào bàn đầu ngay trước mặt cô.
- Có đúng là em chơi bạc không? - cô hỏi ngay. Cô hỏi rất to, tôi có cảm giác rằng, ở trường về chuyện này cần phải nói thầm nên tôi càng sợ. Nhưng chối cãi phỏng có ích gì, Tishkin đã khai tuốt tuồn tuột rồi.
Tôi lí nhí:
- Đúng ạ.
- Vậy thế nào, em thắng hay thua?
Tôi ngắc ngứ, không biết nói thế nào cho phải.
- Nào, có thế nào em kể thế đó. Chắc là em thua phải không?
- Em... được ạ.
- Được. Cứ cho là em thắng. Vậy em làm gì với tiền đó?
Lần đâu tiên ở trường tôi mãi không thể nghe lọt tai giọng của cô Lydia Mikhailovna vì nó làm tôi sửng sốt. Ở quê tôi người ta vừa nói vừa nuốt âm vào trong cổ họng bởi vậy nghe rất dễ chịu, còn giọng cô Lydia Mikhailovna nhỏ nhẹ nên phải tập trung chú ý nghe, nói chung là khó nghe - đôi lúc cô nói một cách trơn tru, tuồng như cô không cần lấy hơi và không cần nghỉ.
Còn bây giờ cô Lydia Mikhailovna đang hỏi tôi, giống như cô vừa hỏi vừa bận làm gì đó quan trọng hơn, nhưng không thể không trả lời được.
- Thế nào, em làm gì với tiền thắng được? Mua kẹo? Mua sách? Hay tích cóp làm gì khác? Chắc là bây giờ em có nhiều lắm nhỉ?
- Thưa cô, không nhiều. Mỗi lần chơi em chỉ thắng một rúp thôi.
- Và em không chơi tiếp nữa?
- Không ạ.
- Một rúp? Tại sao chỉ một rúp? Em làm gì với số tiền đó?
- Thưa cô, em mua sữa.
- Mua sữa?
Cô Lydia Mikhailovna ngồi trước mặt tôi, chỉnh chu, toàn bộ con người cô toát ra một vẻ thông minh và xinh đẹp, xinh đẹp trong bộ trang phục cô mặc và như đóa hoa đang độ mãn khai mà tôi mơ hồ cảm nhận, hơi thở của tôi cũng thoang thoảng mùi nước hoa tỏa ra từ người cô; cô không phải là cô giáo dạy môn số học hay lịch sử nào đó mà là môn tiếng Pháp khó hiểu. Từ thứ ngôn ngữ đó cũng toát ra cái gì đó rất đặc biệt, rất huyền bí như trong chuyện cổ tích và cũng rất khó nắm bắt đối với mọi người, trong đó có tôi. Tôi không dám ngước nhìn cô, tôi không dám nói dối cô. Suy cho cùng, tôi lừa dối cô để làm gì?
(Còn nữa)
Người dịch: Dương Nguyên Khải.
Tác giả: Valentin Rasputin (1937-2015).