Chứng bệnh tăng động giảm chú ý (ADHD) là một rối loạn phát triển khá phổ biến ở những trẻ từ 3 – 11 tuổi, đặc trưng với sự hiếu động thái quá, hoạt động không ngừng nghỉ nhưng bồng bột trong suy nghĩ và kèm theo cả sự kém tập trung, chú ý. Nếu trẻ không được điều trị tốt thì việc hình thành tính cách, hành vi, tâm lý trong tương lai sẽ bị ảnh hưởng. Hơn nữa, chứng bệnh này có thể ảnh hưởng trực tiếp tới việc học tập, gây nhiều khó khăn trong các mối quan hệ của trẻ và những người xung quanh.
Nguyên nhân khiến trẻ bị tăng động
Trẻ con luôn luôn hiếu động, nhưng ở mức nào được coi là bình thường, còn mức nào bị coi là tăng động giảm chú ý, có rất nhiều cha mẹ vẫn còn mơ hồ về chứng bệnh này, có những đứa trẻ quá hiếu động, không bao giờ ngồi yên hay tập trung làm gì, nhưng bố mẹ chúng lại nghĩ đó là điều rất bình thường mà không đưa con đi kiểm tra.Về lâu dài trẻ sẽ bị lo âu, căng thẳng, dễ thất vọng, tự ti về bản thân. Trẻ dần cô lập và rơi vào tình trạng trầm cảm, kết quả học tập sa sút, trẻ khó theo kịp chương trình học cùng các bạn, dễ bị bạn bè xa lánh, trêu chọc,… Trẻ bị chậm phát triển trí tuệ, có hành xử hung hăng hay gây hấn, tấn công người khác, dễ bị nghiện ngập.
Nếu trong gia đình trẻ có trường hợp ba hoặc mẹ từng mắc tăng động giảm tập trung thì nguy cơ mắc bệnh của trẻ cũng sẽ cao hơn. Bên cạnh đó, tăng động thường có xu hướng di truyền trong gia đình và có thể do gen bị đột biến gây ra.
Mất cân bằng các chất trong não bộ có thể là thiếu hụt hoặc chênh lệch các chất dẫn truyền thần kinh như dopamin và norepinephrin trong bộ não. Sự mất cân bằng các chất trong não kích thích hoặc ức chế hoạt động của vùng trên và trước não ở trẻ dẫn đến tình trạng tăng động giảm chú ý ở trẻ.
Các vùng não có liên quan đến sự tập trung, kiểm soát các hành vi và cảm xúc bị ảnh hưởng dẫn đến động kinh. Điều này có thể do các rối loạn thần kinh, rối loạn sự phát triển của não bộ hoặc chấn thương đầu gây ra. Sự bất thường của não bộ cũng có thể do mắc các bệnh lý khác như chứng rối loạn tâm thần.
Liên quan đến vấn đề não bộ, các nhà khoa học cho rằng việc cha, mẹ để trẻ tiếp xúc với các công nghệ khoa học như máy tính, tivi, điện thoại hay các ứng dụng về trò chơi bạo lực trong thời gian dài cũng là một trong những nguyên nhân kích thích khiến não bộ trẻ làm việc quá tải dẫn đến các hành vi bắt chước, ít nhiều ảnh hưởng đến hoạt động của trẻ.
Các yếu tố nguy cơ gây ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em trong thai kỳ bao gồm:
- Sử dụng chất kích thích: thuốc lá, ma tuý, hoá chất, chất bảo quản trong thực phẩm có thể gây ra tăng động.
- Thiếu dinh dưỡng.
- Nhiễm trùng.
Dấu hiệu nhận biết trẻ hiếu động hay tăng động
Để nhận diện trẻ mắc chứng tăng động, giảm chú ý, ba mẹ cần theo dõi xem trẻ có những biểu hiện dưới đây để kịp thời đưa trẻ đến các bác sĩ chuyên khoa tâm thần kinh thăm khám:
Giảm chú ý: Trẻ không thể ngồi yên một chỗ, không chú ý thầy cô hay cha mẹ hướng dẫn thực hiện công việc hay học tập gì đó. Trẻ không thích tham gia trò chơi cần duy trì sự tập trung chú ý, dễ bị phân tâm bởi môi trường xung quanh, quên đi công việc đang làm. Trẻ cũng có thể làm thất lạc đồ chơi và đồ dùng học tập. Trẻ thường xuyên không lắng nghe cha mẹ hay mọi người trò chuyện hay không đủ kiên nhẫn khi phải tiếp tục tham gia vào những hoạt động mà trẻ không thích.
Tính hấp tấp, bốc đồng: Trẻ có các hành động vội vàng có khả năng dẫn đến kết quả tiêu cực. Trẻ có các hành động vội vàng, thiếu kiểm soát và không đề phòng những nguy hiểm. Ví dụ, trẻ có thể đột ngột chạy qua đường mà không quan sát
Tăng động: Bao gồm các hoạt động vận động quá mức. Trẻ em, đặc biệt là những trẻ bé, có thể gặp khó khăn khi ngồi yên (ví dụ như ở trường học, công viên,…). Biểu hiện tăng động của trẻ có thể bao gồm: Thường xuyên bồn chồn tay chân, bối rối; Thường bỏ vị trí trong lớp học hoặc ở những nơi khác; Thường xuyên chạy hoặc leo trèo quá mức khi hoạt động, kể cả ở những nơi không cho phép; Gặp khó khăn khi phải chơi mà giữ yên lặng; Thường xuyên di chuyển, hoạt động; Nói nhiều, hay buột miệng trả lời mà không chờ hết câu hỏi; Khó khăn khi chờ đến lượt vui chơi hay mua hàng; Hay có thói quen làm gián đoạn hoặc xen ngang vào người khác.
Nếu trẻ tăng động giảm chú ý trong một thời gian dài mà không được phát hiện và chữa trị thì có thể gặp biểu hiện rối loạn ngôn ngữ, chậm nói, nói ngọng, khả năng hiểu và diễn đạt kém. Trẻ cũng có thể nhạy cảm quá mức với ánh sáng, âm thanh, tiếng động, dễ bị rối loạn giấc ngủ, mất ngủ, khó ngủ, mộng mị, tỉnh giấc giữa đêm. Trẻ thường thiếu tự tin trong giao tiếp với người xung quanh kể cả bạn bè, thầy cô. Trẻ không kém thông minh so với các bạn nhưng gặp khó khăn để lắng nghe nên tỏ ra lơ mơ, không kịp nắm bắt lời giảng hoặc những yêu cầu của việc làm bài tập.
|
Ảnh minh hoạ. |
Phương pháp chữa bệnh tăng động
Bác sĩ có thể kê đơn thuốc hướng thần để điều trị tăng động cho trẻ. Thuốc giúp tăng cường và cân bằng các chất hóa học trong não, gọi là chất dẫn truyền thần kinh. Ngoài ra, thuốc còn có tác dụng cải thiện các triệu chứng giảm chú ý và tăng động trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc chỉ là một phần trong quá trình điều trị và tùy thuộc vào tình trạng cụ thể của trẻ, bác sĩ có thể kết hợp với các phương pháp điều trị khác.
Để điều trị tăng động, bên cạnh việc sử dụng thuốc, bố mẹ cũng nên phối hợp với giáo viên và bác sĩ để điều chỉnh hành vi của trẻ theo hướng tích cực hơn. Bố mẹ có thể dành những lời khen ngợi và tặng những món quà nhỏ để động viên và thúc đẩy trẻ. Đồng thời, thiết lập thời gian biểu cho các hoạt động hàng ngày từ lúc trẻ thức giấc đến lúc đi ngủ để giúp trẻ cải thiện khả năng tổ chức và sự tập trung.
Bố mẹ cũng nên dành thời gian để trò chuyện và chơi cùng con nhiều hơn để gắn kết tình cảm. Trẻ cũng nên được tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa hay các môn học nghệ thuật, thể thao mang tính đồng đội để cải thiện tính kiên nhẫn, khả năng giao tiếp và có cơ hội tiếp xúc với nhiều người.
Tâm lý trị liệu là phương pháp giúp trẻ giải tỏa căng thẳng, tập luyện tính kiên trì, học cách tổ chức và ứng xử với bạn bè trong khi chơi.
Tuy nhiên, bố mẹ cần đảm bảo không cho trẻ chơi những trò chơi kích thích như trò chơi đánh nhau, bắn súng... Thay vào đó, có thể chơi các môn thể thao như đá bóng, đá cầu, nhảy dây, cầu lồng, tập bơi... giúp trẻ tăng cường sức khỏe, giải phóng bớt năng lượng dư thừa và giảm triệu chứng hiếu động, nghịch ngợm.
Liệu pháp gia đình là phương pháp giúp cho bố mẹ và anh chị em đối phó với căng thẳng khi sống chung với trẻ tăng động giảm chú ý. Bố mẹ không nên to tiếng hay có hành vi bạo lực với trẻ, thay vào đó cần kiên nhẫn giải thích và giúp trẻ ổn định tâm lý.
Để áp dụng liệu pháp này, mọi người cần thể hiện tình yêu thương với trẻ, khích lệ và động viên trẻ khi trẻ làm đúng. Đồng thời, cần phân tích cho trẻ những việc làm chưa đúng và đưa ra những hình phạt phù hợp ngay khi trẻ mắc lỗi.