Thứ Tư, 16/07/2025 17:35 (GMT+7)

Nâng cao năng lực con người, phát triển chuyển đổi số dịch vụ tài chính

(SKTE) - Sáng 16/7/2025, Diễn đàn Nhân lực ngành ngân hàng trước làn sóng công nghệ với chủ đề “Ngân hàng thời đại số: Đổi mới mô hình và tái cấu trúc nhân lực” đã diễn ra tại Hà Nội. Các cơ quan quản lý, các chuyên gia, các tổ chức tín dụng, cung ứng dịch vụ đã chia sẻ, trao đổi thảo luận, giải đáp và tìm kiếm giải pháp phù hợp cho tổ chức của mình, trong việc đào tạo nhân lực công nghệ, sao cho phù hợp với phát triển của ngân hàng trong thời gian tới.
Ảnh đại diện tin bài

Diễn đàn Nhân lực ngành ngân hàng trước làn sóng công nghệ với chủ đề “Ngân hàng thời đại số: Đổi mới mô hình và tái cấu trúc nhân lực”. (Ảnh: Đại Lộc)

Nhận biết các thủ đoạn lừa đảo trong giao dịch ngân hàngT&T Group và Ngân hàng SHB đồng hành cùng Bộ Công an xây dựng 700 căn nhà cho người nghèo tỉnh Bạc LiêuBIDV triển khai nhiệm vụ kinh doanh năm 2025Thưởng 4,4 tỷ đồng cho 10 cầu thủ Hà NộiXác lập mô hình tăng trưởng mới cho Việt Nam: Đẩy mạnh khoa học công nghệ, phát triển kinh tế hiệu quả, bền vững

Ngày 16/7/2025, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với Hội Thông tin Khoa học và Công nghệ Việt Nam, giao cho Tạp chí Một Thế Giới cùng Thời báo Ngân hàng, đã tổ chức Diễn đàn Nhân lực ngành ngân hàng trước làn sóng công nghệ. 

Chủ tọa điều hành diễn đàn, giới thiệu mở đầu. (Ảnh: DV/1TG)

Tham dự điều hành diễn đàn, có ông Phạm Tiến Dũng - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cùng ông Bùi Thế Duy - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ tham gia chủ trì Diễn đàn. Bên cạnh đó, diễn đàn còn có sự tham dự của đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ của Ngân hàng Nhà nước như: Vụ Thanh toán, Cục Thông tin và truyền thông, và Văn phòng. Về phía Bộ Khoa học và Công nghệ, có sự tham dự của đại diện lãnh đạo Cục Đổi mới Sáng tạo, Vụ Đánh giá và Thẩm định công nghệ, Vụ Khoa học xã hội, Nhân văn và Tự nhiên, Vụ Kế hoạch - Tài chính, Văn Phòng Bộ KH&CN...

Ông Lưu Quang Định - Tổng biên tập Tạp chí Một Thế Giới, và Phó Thống đốc NHNNVN Phạm Tiến Dũng trao đổi tại Diễn đàn. (Ảnh: 1TG)

Diễn đàn hội thảo, còn có sự tham dự của Uỷ ban Kinh tế Tài chính của Quốc hội, lãnh đạo các trường đại học như: Học viện Ngân hàng, Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Đại Nam, Hiệp hội Ngân hàng Nhà nước, Hội Blockchain Việt Nam, Viện Khoa học quản trị doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp công nghệ, các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán trung gian...

Nhân lực và dịch vụ ngân hàng phải cập nhật công nghệ hiệu quả, liên tục

Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Phạm Tiến Dũng - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cho biết rằng: Ngành ngân hàng, đặc biệt là ngân hàng thương mại có sứ mệnh cao cả.  Nổi bật là cung cấp cho khách hàng và trước sự thay đổi của cách mạng 4.0  thì việc cung cấp dịch vụ này đã có thay đổi khác biệt trước kia. Trong đó, bao gồm:

Ông Phạm Tiến Dũng - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, phát biểu khai mạc diễn đàn. (Ảnh: 1TG)

- Thứ nhất, là kênh bán hàng: Hiện nay, trên 90% giao dịch của khách hàng thực hiện qua kênh số. Điều đó cho thấy rằng nhân lực ngành ngân hàng đã dịch chuyển từ việc đa số nhân lực tiếp xúc với khách hàng, giờ không còn nữa.

- Thứ hai, các dịch vụ ngân hàng thực hiện tự động, ở đây không còn bất kể giao dịch viên nào, con người nào đọc chứng từ ngân hàng nữa. Điều đó, đòi hỏi ngành ngân hàng phải tái cấu trúc quy trình, xây dựng quy trình nghiệp vụ thông minh. Điều đặc biệt quan trọng phải có một đội ngũ am hiểu về nghiệp vụ, về công nghệ thông tin đi cùng với nhau để xây dựng nghiệp vụ đó. Ngân hàng nào không làm được điều đó thì không tham gia được cuộc chơi. Như vậy hình thành nên một đội ngũ ngân hàng mới, đó là công nghệ là nghiệp vụ hiểu biết lẫn nhau và đi cùng nhau.

- Thứ ba, cán bộ ngân hàng trước kia rất hiểu về kế toán, định tài khoản này, nợ tài khoản này, có tài khoản kia. Bây giờ, nhiều nhân viên không biết hạch toán vào đâu cả. Máy tự động hạch toán hết, quẹt tiền qua điện thoại trả tiền bà bán cá, bán rau... thì lập tức hệ thống trừ tiền của người mua hàng và chuyển qua người bán hàng, không ai biết quy trình hạch toán đó cả, không biết số liệu tài khoản bao nhiêu, cho nên bây giờ người ta gọi kế toán không phải là kế toán, kế toán mà không phải lập cân đối cấp 3, cân đối chi tiết, sinh ra một đội ngũ ngân hàng hoàn toàn khác.

 Ông Phạm Tiến Dũng - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, phát biểu khai mạc diễn đàn. (Ảnh: 1TG)

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước - ông Phạm Tiến Dũng, cũng cho hay: Một điểm rất khác nữa là số lượng và giá trị giao dịch. Trước kia chúng ta mơ là một ngày có 1 triệu giao dịch, còn bây giờ mỗi ngày có 50-100 triệu giao dịch tài chính. Nó thách thức chúng ta ở câu chuyện kiểm soát thế nào?

Rõ ràng chúng ta không thể kiểm soát chứng từ đóng cặp dày như trước kia mà phải sinh ra các hệ thống áp dụng AI, áp dụng công nghệ mới để chúng ta kiểm soát, phát hiện những lỗi về giao dịch. Khối lượng, số lượng, cách thức cung ứng bên cạnh đó có lẽ chưa bao giờ mạnh mẽ như ngày hôm nay.

Tất cả các ngân hàng ở Việt Nam khi số lượng giao dịch tăng như vậy, khách hàng tăng như vậy. Đến ngày hôm nay theo thống kê thì chúng ta có khoảng 200 triệu tài khoản tiền gửi, với 87% người dân trưởng thành có tài khoản ngân hàng, một con số mà năm 2017 không bao giờ chúng ta mơ tới. Năm 2017 chúng ta có khoảng 31% người dân trưởng thành có tài khoản ngân hàng. Đây là những con số cho thấy số lượng giao dịch lớn. Và nhân lực của ngân hàng cũng phải thay đổi, hầu hết các ngân hàng đã phải thành lập một khối chuyên trách, đó là khối dữ liệu, tương tự như là khối tín dụng. Như thấy chúng ta thấy được tầm quan trọng bao trùm lên đó.

Nhiều ngân hàng hiện nay đang coi rủi ro về công nghệ thông tin tương tự như rủi ro về tín dụng, như vậy sẽ hình thành nên một hệ thống quản lý rủi ro rất khác, quản lý rủi ro, ứng xử rủi ro, rủi ro trên không gian mạng nhiều nên cách ứng xử sẽ khác, bao trùm lên đó là an ninh an toàn công nghệ thông tin.

Các vị đại biểu, khách mời, chuyên gia tham dự diễn đàn. (Ảnh: Đại Lộc 

Chuyển kỹ năng của người thợ, qua ứng dụng vào phầm mềm robot

Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy, bày tỏ rằng: "Tôi xin chia sẻ một vài câu chuyện nhỏ. Câu chuyện thứ nhất là năm 2007, chúng tôi đến thăm một nhà máy thép lớn ở Nhật Bản. Khi đến thăm bộ phận công nghệ thông tin của nhà máy, chúng tôi rất ngạc nhiên khi được giới thiệu đây là bộ phận đông cán bộ nhất. Tại bộ phận này thì tất cả các vấn đề kĩ thuật đều được giải quyết bằng công nghệ thông tin. Sau đó họ mới đưa đi thăm bộ phận sản xuất của nhà máy. Phần sản xuất không có nhân viên, họ giải thích: thép vào cán như thế nào, độ dày mỏng bao nhiêu,... Tất cả đều được giải quyết bằng đội ngũ phần mềm".

Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy, phát biểu. (Ảnh: 1TG) 

"Chúng tôi bắt đầu hiểu ra nhân lực của nhà máy theo được dịch chuyển thành nhân lực công nghệ thông tin chứ không phải bằng những kỹ sư công nghệ thông tin nữa". - Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy, chia sẻ.

Câu chuyện thứ hai là gần chục năm trước chúng tôi đi thăm tập đoàn Trường Hải, toàn bộ thợ hàn đứng đằng sau máy tính. Họ chuyển dịch sang dùng robot, họ được đào tạo kỹ năng lập trình và điều khiển các cánh tay robot. Họ chuyển các kỹ năng của họ thành kỹ năng của các con robot. Đây là sự chuyển dịch nhân lực lao động rất rõ rệt và trong giai đoạn hiện nay, chúng ta thấy tất cả các ngành mọi công việc đều chuyển dịch.

Câu chuyện thứ ba: tôi thường xuyên xem chương trình học Đại học của một số cháu học về ngành Business (Kinh doanh) ở Hà Lan, tôi rất ngạc nhiên khi thấy rằng toàn bộ chương trình học Business có hơn 50% là lập trình. Toàn bộ chương trình từ năm thứ 1 đến năm thứ 3, trên 50% đều là nội hàm của công nghệ thông tin. Qua đây tôi thấy là sự dịch chuyển vô cùng lớn, tất cả các môn học và các ngành nghề đều phải tích hợp kỹ năng số, kỹ năng phân tích dữ liệu, kể cả kỹ năng lập trình.

Toàn bộ công việc của chúng ta bây giờ đều thay đổi hoàn toàn, thay vì chăm sóc khách hàng trước đây trực tiếp thì bây giờ nghề chăm sóc khách hàng sẽ cần tư vấn về phần mềm, về hệ thống app lỗi như thế nào, sử dụng như thế nào. Rõ ràng đây là kỹ năng mới của nhân viên chăm sóc khách hàng. Các nhân viên giao dịch bình thường trước xử lý về các kỹ năng nghiệp vụ thì bây giờ phải xử lý sự cố về phần mềm, sự cố khi chuyển nhầm tiền, bị lừa đảo.

Để đảm bảo về việc này thì sinh viên trong tương lai mà muốn vào ngân hàng thì phải hoàn thiện kỹ năng, nếu không hiểu về hệ thống số, về an ninh bảo mật thì không tư vấn được cho khách hàng. Khi nhu cầu nhân lực yêu cầu những kỹ năng đó mà các trường Đại học không thay đổi toàn bộ chương trình đào tạo thì sẽ không có người đến học. Đặc biệt là nhóm an ninh bảo mật, chúng ta thường suy nghĩ trước đây là về kỹ thuật, nhưng an ninh bảo mật ngày nay hiện hữu ngay trong câu chuyện sử dụng của chúng ta hằng ngày. Password, token, các kỹ năng nhận biết một cái sms, gửi mã OTP qua sms đều là đối tượng có thể bị tấn công bằng các công nghệ mới như các trạm phát sóng giả lập trung gian.

Trong xu thế công nghệ mới, Việt Nam bắt buộc phải phát triển công nghệ liên quan đến Fintech, tài sản số, blockchain, trí tuệ nhân tạo, phải đưa vào danh sách công nghệ chiến lược. Luật công nghệ số chính thức quy định các tài sản số.

 Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy, phát biểu chia sẻ tại diễn đàn. (Ảnh: Đại Lộc)

Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy, nhận định rằng: "Tôi đoán khối nghiệp vụ về tài chính kinh doanh cơ bản sẽ thay đổi kĩ năng bằng trí tuệ nhân tạo. Càng những người có nhiều tri thức sẽ càng dễ dàng bị thay thế bằng trí tuệ nhân tạo, ít nhất là trong giai đoạn hiện nay. Nhóm nhân viên IT trong các ngân hàng thì bây giờ phải trang bị lại kiến thức mới theo các nền tảng mới như blockchain, trí tuệ nhân tạo.

Đó mới chỉ là những công nghệ chúng ta nhìn thấy trước mắt. Cứ 6 tháng đến 1 năm có một đời công nghệ mới ra đời. Chúng tôi dự báo là đến cuối năm thì đời công nghệ tiếp theo là Agentic AI, các sản phẩm sẽ được tung ra hàng loạt. Các hệ thống tiếp theo của AI sẽ là hệ thống chủ động, nó như một sinh vật sống, sẽ tự động tư vấn cho chúng ta, tự động làm những công việc cần làm. Ngoài ra, sẽ còn xu thế máy tính lượng tử, sẽ đặt ra vấn đề rất lớn về các loại mã hoá, đòi hỏi sự thay đổi toàn bộ. Do đó việc cập nhật trong đào tạo nhân lực công nghệ sẽ là việc làm liên tục".

Các đại biểu, khách mời, chuyên gia cùng thảo luận tại diễn đàn.  

Trên thực tế, chưa có một thống kê đầy đủ, nhưng đánh giá tổng hợp cho thấy: ở Việt Nam, nguồn nhân lực sẵn sàng cho công nghệ số còn hạn chế và các chương trình đào tạo đại học chưa thay đổi kịp tốc độ phát triển nhanh chóng của công nghệ. Sự khan hiếm nhân lực ngân hàng có trình độ công nghệ, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ và chuyên gia tài chính có trình độ quốc tế khiến cho tiến trình ứng dụng và giải pháp ở trình độ cao tại các ngân hàng bị chậm lại.

TS. Trần Văn Tùng - Chủ tịch Hội Thông tin Khoa học và Công nghệ Việt Nam, phát biểu và điều hành phiên thảo luận. (Ảnh: 1TG) 

Theo TS. Trần Văn Tùng - Chủ tịch Hội Thông tin Khoa học và Công nghệ Việt Nam, cho biết: không chỉ Việt Nam mà ngành ngân hàng trên toàn thế giới đang trải qua sự thay đổi lớn cả về tổ chức lẫn nhân sự. Nhiều vị trí công việc truyền thống trong ngân hàng sẽ dần biến mất, nhường chỗ cho máy móc, cơ sở dữ liệu thông minh và AI đảm nhiệm. Những công nghệ này không chỉ thực hiện được các nhiệm vụ vốn do con người đảm nhận, mà còn làm với năng suất cao hơn, chất lượng tốt hơn, và tốc độ nhanh hơn rất nhiều. Từ đó, sẽ xuất hiện tình trạng một bộ phận cán bộ, nhân viên ngân hàng trở nên dư thừa – vì công việc đã được công nghệ thay thế. Đây là một thực tế mà ngành ngân hàng buộc phải đối mặt và thích nghi.

“Vậy giải pháp là gì? Theo tôi, có nhiều hướng đi, nhưng một trong những giải pháp quan trọng và cần tập trung ngay từ bây giờ là đào tạo và đào tạo lại đội ngũ nhân sự ngành ngân hàng. Chúng ta cần trang bị cho họ những kiến thức mới, kỹ năng số, hiểu biết về công nghệ như AI, để họ có thể làm chủ, sử dụng hiệu quả các công cụ số – ví dụ như chatbot, hệ thống phân tích dữ liệu – nhằm phục vụ tốt hơn cho nghiệp vụ của mình.

Việc đào tạo này cần được đưa vào chương trình của các cơ sở đào tạo như Học viện Ngân hàng, các trường đại học có đào tạo chuyên ngành tài chính – ngân hàng. Đồng thời, các ngân hàng cũng cần chủ động cử cán bộ đi học, đi bồi dưỡng để cập nhật kiến thức mới”. - TS. Trần Văn Tùng, bày tỏ đánh giá.


PGS.TS Phạm Thị Hoàng Anh – Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng, cùng với bà Lê Thị Thúy Sen - Tổng biên tập Thời báo Ngân hàng (cơ quan của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam). (Ảnh: 1TG)

Theo PGS.TS Phạm Thị Hoàng Anh – Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng, cho biết: Năm 2026, lĩnh vực ngân hàng sẽ cần 750 nghìn nhân lực công nghệ. Việc nâng cao năng lực số cho nhân lực ngành ngân hàng là điều tất yếu trong quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ hiện nay. Và những cơ sở đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân như Học viện Ngân hàng chúng tôi - đơn vị sự nghiệp công lập trực tiếp thuộc Ngân hàng nhà nước Việt Nam mong muốn có đóng góp quan trọng và quá trình này.

Thực trạng, thời điểm này, nguồn cung về công nghệ thông tin chưa đủ cầu. Ngành ngân hàng thiếu hụt nguồn cung nhân lực có chuyên môn sâu về công nghệ thông tin. Đây là nguồn nhân lực có ý nghĩa quyết định năng lực cạnh tranh của ngân hàng. Nhu cầu nhân lực tăng lên rất mạnh: Nếu như năm 2018, ngành ngân hàng cần 320 nghìn nhân lực về công nghệ; thì đến 2026 là 750 nghìn.

Hướng tới đào tạo nhân lực lĩnh vực ngân hàng đa ngành, ứng dụng công nghệ số

Điều này nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng vốn vô cùng thích thú, sẵn sàng sử dụng sản phẩm công nghệ mới: 87% người trưởng thành có tài khoản ngân hàng. Hơn 90% giao dịch qua kênh số… Và có thể nói, hành vi tài chính của người dân đang được số hoá nhiều hơn so với kỳ vọng.

"Cũng như các trường đào tạo chuyên công nghệ như Bách khoa, Bưu chính viễn thông, Học viện Ngân hàng,... Chúng tôi cũng bắt buộc phải thay đổi. Không chỉ đào tạo, cung cấp nhân lực với thế hệ sinh viên hiện tại, mà còn bồi dưỡng, đào tạo lại cho các cán bộ đang công tác tại ngành ngân hàng. Chúng tôi có chương trình đào tạo ngắn hạn về công nghệ cho nhân viên ngân hàng đã có nhiều kinh nghiệm công tác, góp phần vào quá trình chuyển đổi số của ngân hàng". - PGS.TS Phạm Thị Hoàng Anh, phát biểu chia sẻ.

Với sinh viên trong trường, chuẩn đầu ra về Năng lực số được chúng tôi áp dụng từ năm 2021. Mọi sinh viên, cử nhân ra trường phải có khung năng lực số.

Học viện Ngân hàng hướng tới là một trường đa ngành, liên ngành và xuyên ngành, chứ không chỉ đào tạo trong lĩnh vực ngân hàng. Ví dụ: chương trình Ngân hàng số (Digital Banking), chúng tôi là trường đầu tiên có, thu hút lớn sinh viên và điểm đầu vào rất cao.

PGS.TS Phạm Thị Hoàng Anh – Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng, chia sẻ. 

Để có được một nguồn cung nhân nhân lực công nghệ đáp ứng đủ cầu trong ngành ngân hàng, PGS.TS Phạm Thị Hoàng Anh – Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng, đề xuất một số giải pháp:

- Thứ nhất, phải ban hành khung năng lực số cho ngành ngân hàng, theo vị trí công tác.
- Thứ hai, phải tăng cường hợp tác theo “mô hình 3 nhà”: Ngân hàng nhà nước – Các cơ sở đào tạo – các cơ sở tài chính, khoa học công nghệ.
- Thứ ba, chúng tôi mong muốn xây dựng được bộ tiêu chuẩn về đào tạo số cho ngành ngân hàng và mong muốn có được sự hỗ trợ từ Ngân hàng Nhà nước để có thể đào tạo tốt hơn, làm sao gắn kết lý thuyết với thực tiễn, sinh viên được tham gia nhiều hơn vào thực tiễn, có thêm kinh nghiệm, được đào tạo chuyên sâu.

Đào tạo song hành nhân lực Ngân hàng, tài chính và Công nghệ, IT

Theo ông Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia Kinh tế, cho rằng: Việc đào tạo nhân lực ngân hàng, tài chính, và đội ngũ công nghệ, IT là rất quan trọng. Trên thực tế, IT và ngân hàng vẫn là hai "ốc đảo" khác nhau, cần khai thác phát triển.

"Tôi đồng quan điểm là phải đào tạo song song giữa ngân hàng và công nghệ. Vì những người trong ngành ngân hàng không hiểu gì về IT và IT cũng không hiểu gì về nghiệp vụ ngân hàng. Cho nên, đây vẫn là hai "ốc đảo" khác nhau, cần khai thác phát triển, đào tạo nhân lực am hiểu chuyên sâu và đa năng.

Tôi đề nghị các Đại học Ngân hàng trong chương trình đào tạo phải đào tạo những người phải hiểu về technology, công nghệ AI, BigData... Nhưng cũng phải hiểu về ngân hàng, dịch vụ ngân hàng, và ngược lại. Như vậy mới có thể kết hợp lại cho ra một đội ngũ nhân sự đáp ứng được nhu cầu trong tương lai". - Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, chia sẻ ý kiến.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, phát biểu chia sẻ. (Ảnh: 1TG) 

Diễn đàn diễn ra trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu, ngành ngân hàng Việt Nam không đứng ngoài cuộc chơi mà đang trở thành lực lượng tiên phong trong công cuộc chuyển mình.

Bên cạnh đó, Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22.12.2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đã khẳng định nhiệm vụ xây dựng và dùng chung các nền tảng số quốc gia, vùng, bảo đảm hoạt động thống nhất, liên thông của các ngành, lĩnh vực trên môi trường số, thúc đẩy hệ sinh thái kinh tế số trên các lĩnh vực.

Với vai trò huyết mạch của nền kinh tế, ngành ngân hàng đang đặt ra những bước tiến chiến lược trong việc xây dựng hệ sinh thái số thông minh, đồng thời tái cấu trúc toàn diện mô hình hoạt động và nhân lực để thích nghi với thời đại công nghệ cũng như hướng đến hệ sinh thái số thông minh – Tầm nhìn chiến lược trong kỷ nguyên mới.

Hệ sinh thái số thông minh trong ngành ngân hàng không chỉ đơn thuần là ứng dụng công nghệ vào quy trình vận hành, mà còn là một mô hình tích hợp toàn diện giữa ngân hàng và các lĩnh vực như y tế, giáo dục, giao thông, thương mại, dịch vụ công. Mục tiêu cuối cùng là đặt người dân và doanh nghiệp vào trung tâm của hệ thống tài chính số hiện đại, cá nhân hóa trải nghiệm, tối ưu hiệu quả và tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia.

Cùng với sự thay đổi mô hình hoạt động, vấn đề nhân lực cho ngành ngân hàng cũng được đặt ra. Trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn, blockchain và điện toán đám mây đang tạo ra những chuyển dịch mạnh mẽ trong vận hành ngân hàng. AI và Big Data giúp ngân hàng hiểu rõ hơn về hành vi khách hàng, đưa ra dự báo chính xác và thiết kế sản phẩm phù hợp từng cá nhân. Blockchain làm thay đổi cấu trúc quản lý dữ liệu, bảo mật và giao dịch, giảm thiểu rủi ro và chi phí vận hành. Tự động hóa (RPA) đang thay thế hàng loạt vị trí truyền thống như giao dịch viên, kiểm soát nội bộ, thẩm định tín dụng.

Ông Phan Đức Trung - Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam trình bày tham luận. (Ảnh: Đại Lộc)

Từ đó, cấu trúc nhân sự trong các ngân hàng đang được tái định hình. Một số vị trí cũ dần biến mất, thay vào đó là nhu cầu cao về chuyên gia dữ liệu, kỹ sư công nghệ tài chính, chuyên viên quản lý rủi ro số, chuyên gia về trải nghiệm người dùng.

Ông Lưu Danh Đức - Phó TGĐ, GĐ khối CNTT LPBank, trình bày tại diễn đàn. (Ảnh: 1TG) 

Đây chính là lý do mà thời gian qua nhiều ngân hàng như: LPBank, Vietinbank... liên tục cắt giảm nhân sự. Động thái này là cho thấy các ngân hàng đang thực hiện tái cơ cấu nhân sự để phù hợp với mô hình kinh doanh mới trong thời kỳ chuyển đổi số. Chính sách điều chỉnh nguồn nhân lực sẽ theo hướng giảm nhân sự ở những lĩnh vực có thể thay thế bằng tự động hóa, gia tăng nhân sự ở các vị trí liên quan công nghệ, ra quyết định và tư vấn.

Trong phiên hội thảo, phần hỏi đáp cũng là dịp để các cơ quan quản lý, các chuyên gia, các tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ đã chia sẻ, trao đổi thảo luận, giải đáp và tìm kiếm giải pháp phù hợp cho tổ chức của mình, trong việc đào tạo nhân lực công nghệ, sao cho phù hợp với phát triển của ngân hàng trong thời gian tới.

Đại Lộc
Xác lập mô hình tăng trưởng mới cho Việt Nam Đẩy mạnh khoa học công nghệ, phát triển kinh tế hiệu quả, bền vững
Xác lập mô hình tăng trưởng mới cho Việt Nam: Đẩy mạnh khoa học công nghệ, phát triển kinh tế hiệu quả, bền vững

(SKTE) - Sáng 15/7/2025, tại Hà Nội, Diễn đàn "Xác lập mô hình tăng trưởng mới cho Việt Nam giai đoạn giai đoạn 2026–2030, định hướng đến năm 2045", đã diễn ra. Các chuyên gia về kinh tế, doanh nghiệp, đã cùng thảo luận, đánh giá mô hình tăng trưởng kinh tế thời gian qua; đồng thời trao đổi về những nội dung, xác lập mô hình tăng trưởng mới, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số, kinh tế xanh, phát triển kinh tế hiệu quả và bền vững...

Ứng dụng công nghệ cao trong phòng cháy, chữa cháy rừng
Ứng dụng công nghệ cao trong phòng cháy, chữa cháy rừng

Ông Nguyễn Văn Nam, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ngãi thông tin, thời gian qua, hoạt động lâm nghiệp của tỉnh đạt được một số kết quả nhất định, nổi bật là công tác bảo vệ vốn rừng hiện có, duy trì độ che phủ rừng đến năm 2024 đạt hơn 59%. Cùng với đó, công tác phối hợp tuần tra, truy quét tại các điểm nóng về phá rừng, khai thác rừng, vận chuyển lâm sản trái phép được thực hiện thường xuyên nên tình hình vi phạm Luật Lâm nghiệp được kiểm soát, các vụ vi phạm được phát hiện và xử lý kịp thời.

Bất động sản siêu đô thị TP HCM Thời cơ vàng cho nhà đầu tư Hà Nội, thúc đẩy phát triển
Bất động sản siêu đô thị TP.HCM: Thời cơ vàng cho nhà đầu tư Hà Nội, thúc đẩy phát triển

(SKTE) - Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (Reatimes) và Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam, dưới sự chỉ đạo của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã tổ chức hội thảo với chủ đề: “Bất động sản siêu đô thị TP.HCM: Thời cơ vàng cho nhà đầu tư Hà Nội”. Hội thảo nhằm đánh giá tiềm năng to lớn của “siêu đô thị” TP.HCM mới, đồng thời chỉ ra những phân khúc và khu vực hưởng lợi rõ rệt nhất, đặc biệt là tại vùng Đông Bắc TP.HCM, cơ hội cho các nhà đầu tư bất động sản và thúc đẩy phát triển.

Việt Nam sẽ trở thành điểm đến chiến lược của các thương hiệu quốc tế
Việt Nam sẽ trở thành điểm đến chiến lược của các thương hiệu quốc tế

Sau chuỗi nhiều năm liên tiếp chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, gián đoạn chuỗi cung ứng và bất ổn kinh tế vĩ mô, ngành bán lẻ toàn cầu đang từng bước quay trở lại với một chu kỳ phục hồi rõ nét. Một số mô hình truyền thống đang phải đối mặt với yêu cầu tái cấu trúc, trong khi những hình thái bán lẻ linh hoạt, giàu tính trải nghiệm và tích hợp công nghệ đang vươn lên mạnh mẽ. Trong bức tranh nhiều chuyển động đó, Việt Nam nổi bật như một thị trường năng động, với các tín hiệu hồi phục rõ rệt.

Kiểm soát chặt chẽ trong quản lý thuế
Kiểm soát chặt chẽ trong quản lý thuế

Gian lận thuế từ “thô sơ” như kê khai thiếu doanh thu, chi phí không có thật, cho đến các thủ đoạn tinh vi như lập công ty “ma” để mua bán hóa đơn giá trị gia tăng, gian lận hoàn thuế, hay chuyển giá giữa các công ty trong tập đoàn đa quốc gia. Đặc biệt, trong thời đại thương mại điện tử phát triển mạnh, các doanh nghiệp còn sử dụng các nền tảng số và giao dịch xuyên biên giới để tránh nghĩa vụ thuế. Không chỉ gây thất thu ngân sách, gian lận thuế còn làm suy giảm niềm tin vào sự công bằng và minh bạch của hệ thống pháp luật.

Logo Tạp chí Sức khỏe trẻ em
© Bản quyền 2024 Sức khỏe Trẻ em
Hotline: Hà Nội - (024) 37 765 156 / TP HCM - 0936813116
Logo Tạp chí Sức khỏe trẻ em
Tạp chí Sức khỏe Trẻ em
Địa chỉ: 42 Ngô Thì Nhậm, Hà Nội.
Điện thoại:  0988158008; 0971251286.
Email: suckhoetreem2024@gmail.com.
Giấy phép số 298/GP-BTTTT, ngày 6/10/2024 của Bộ Thông tin và Truyền thông.
STK: 0021000568719, Ngân hàng Vietcombank
Ghi rõ nguồn Sức khỏe Trẻ em khi phát hành lại thông tin từ website này.
Thiết kế bởi Tập đoàn Trí Nam
Tổng biên tập: TS. Trần Doãn Tiến.
Phó Tổng Biên tập: TS. Nguyễn Văn Minh.
Ủy viên Ban biên tập: Nguyễn Thanh Cao
P. Trưởng ban Thư ký tòa soạn: Lê Minh Nam.
Truyền thông - Quảng cáo: Hà Diệu Hiền , Giám đốc Trung tâm Truyền thông
Tổ chức sự kiện: Nguyễn Văn Mạnh , P. Giám đốc Trung tâm Media
Trị sự: Đoàn Thanh Hà, P. Trưởng ban Trị sự