Chủ Nhật, 20/07/2025 17:40 (GMT+7)

Phổ cập cho trẻ 3-5 tuổi: Động lực thúc đẩy giáo dục mầm non vùng khó

Nhiều trường mầm non vùng cao vẫn gặp khó khăn về cơ sở vật chất, rất cần thêm chính sách hỗ trợ nhằm cải thiện môi trường và điều kiện học tập.
Ảnh đại diện tin bài

Việt Nam đạt được nhiều tiến bộ đáng kể trong nâng cao tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ emXác lập mô hình tăng trưởng mới cho Việt Nam: Đẩy mạnh khoa học công nghệ, phát triển kinh tế hiệu quả, bền vữngĐang rà soát để sửa sách giáo khoa sau sáp nhập tỉnh, thànhGiáo dục kỹ năng sống cho trẻ em để ứng phó với các hành vi nguy hiểmDự thảo Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi): Hoàn thiện pháp lý, đẩy mạnh chuyển đổi số, phòng chống tiêu cực, đẩy mạnh xã hội hóa

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành Nghị quyết số 218/2025/QH15 của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em từ 3 đến 5 tuổi. Theo Nghị quyết, mục tiêu đến năm 2030 100% tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em từ 3 đến 5 tuổi.

Cùng với đó, Nghị quyết số 217/2025/QH15 về miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông trong cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân cũng được thông qua, tạo thêm thuận lợi cho các địa phương trong việc huy động trẻ đến trường, giảm bớt gánh nặng chi phí cho phụ huynh.

Lãnh đạo một số trường mầm non ở vùng khó khăn bày tỏ sự phấn khởi trước hai chính sách lớn, xem đây là bước tiếp nối quan trọng từ thành quả phổ cập giáo dục cho trẻ 5 tuổi trước đó.

Chính sách mới là động lực thúc đẩy giáo dục mầm non vùng khó

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Bùi Thị Thanh Trang - Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Đăk Rơ Nga (xã Ngọk Tụ, tỉnh Quảng Ngãi) bày tỏ: “Khi Nghị quyết 217/2025/QH15 được thông qua, giáo viên nhà trường vô cùng phấn khởi, phụ huynh cũng rất vui mừng. Đây là sự thay đổi lớn trong giáo dục, mang lại hy vọng cho cả phụ huynh và giáo viên ở những địa phương còn nhiều khó khăn.

Với địa phương vùng sâu, vùng xa như xã Ngọk Tụ, chính sách miễn học phí giúp gia đình học sinh giảm bớt gánh nặng tài chính, từ đó, các em được ra lớp đầy đủ, đều đặn hơn. Bên cạnh đó, việc phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ từ 3-5 tuổi có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển toàn diện của trẻ, nhất là về thể chất, tinh thần và khả năng giao tiếp”.

Theo cô Trang, những năm học trước, tỷ lệ huy động trẻ ra lớp trong độ tuổi từ 3-4 tuổi của trường đạt mức từ 97- 99%, trẻ 5 tuổi đạt 100%. Một số ít trẻ 3 tuổi chưa thể ra lớp do điều kiện cơ sở vật chất nhà trường khi đó chưa đầy đủ, thiếu phòng học và thiếu giáo viên để tiếp nhận hết trẻ trong độ tuổi ra lớp.

Tuy nhiên, hiện nay, nhờ sự quan tâm của các cấp và sự nỗ lực của nhà trường, điều kiện cơ sở vật chất của trường đã được cải thiện. Nhà trường hiện có 7 điểm trường với tổng 16 lớp học. Số lượng phòng học cơ bản đáp ứng được nhu cầu học tập, sinh hoạt của trẻ.

Bên cạnh đó, từ năm học 2025-2026, nhà trường đã được cấp trên giao thêm chỉ tiêu giáo viên, đảm bảo mỗi lớp học có 2 cô giáo, tạo thuận lợi cho việc huy động 100% trẻ từ 3-5 tuổi ra lớp.

Về bữa ăn bán trú, nhà trường đang thực hiện mô hình “bán trú chăn nuôi” (kết hợp giữa hoạt động bán trú với việc chăn nuôi trong khuôn khổ nhà trường), sử dụng khoản hỗ trợ 160.000 đồng/tháng/học sinh từ Nhà nước để nấu thức ăn cho trẻ. Phụ huynh sẽ chuẩn bị cơm, nhà trường sẽ chuẩn bị thức ăn để đảm bảo bữa trưa cho học sinh.

Cô Bùi Thị Thanh Trang - Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Đăk Rơ Nga. Ảnh: website nhà trường 

Cùng bàn về vấn đề này, cô Hoàng Thị Liên - Hiệu trưởng Trường Mầm non Thống Nhất (xã Dân Tiến, tỉnh Thái Nguyên) chia sẻ: “Nghị quyết số 218/2025/QH15 về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em từ 3-5 tuổi là chính sách rất ý nghĩa, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với trẻ em trong giai đoạn đầu đời.

Được tiếp cận giáo dục sớm, trẻ có điều kiện phát triển tốt hơn về thể chất, ngôn ngữ, tư duy và cảm xúc. Đây cũng là giai đoạn quan trọng để hình thành những kỹ năng cơ bản, tạo nền tảng vững chắc cho quá trình học tập ở các bậc học tiếp theo, nhất là trong việc chuẩn bị hành trang cho các em trước khi bước vào lớp 1”.

Theo cô Liên, Trường Mầm non Thống Nhất thuộc khu vực miền núi, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, việc huy động trẻ tới lớp của nhà trường vẫn gặp nhiều trở ngại. Tỷ lệ trẻ 5 tuổi ra lớp đã đạt 100%, nhưng nhóm trẻ 3-4 tuổi ra lớp hiện mới đạt hơn 80%.

Tại địa phương, phần lớn phụ huynh làm nông nghiệp, thu nhập không ổn định, cuộc sống còn nhiều vất vả, không đủ điều kiện đóng học phí cho con nên chưa thể đưa trẻ ra lớp đúng độ tuổi.

Tuy nhiên, từ năm học 2025-2026, khi chính sách miễn học phí được triển khai, gánh nặng tài chính đối với phụ huynh sẽ phần nào được giảm bớt. Từ đó, nhà trường kỳ vọng công tác huy động trẻ đến lớp sẽ diễn ra thuận lợi hơn.

Cô Liên cho biết, khi số lượng học sinh ra lớp tăng, số lượng phòng học hiện tại của trường cơ bản đảm bảo được công tác nuôi dạy. Các phòng học được xây dựng kiên cố, có trang thiết bị tối thiểu và sân chơi nhằm đáp ứng yêu cầu cơ bản trong chăm sóc, giáo dục trẻ.

Bên cạnh đó, việc tổ chức bán trú cho học sinh cũng rất thuận lợi, bởi công tác quản lý, tính khẩu phần ăn hiện nay đã được hỗ trợ qua hệ thống trực tuyến. Đặc biệt, phụ huynh rất ủng hộ việc ăn bán trú của trẻ, nên 100% học sinh đến lớp đều ăn bán trú tại trường.

Trong khi đó, cô Vì Thị Phong - Hiệu trưởng Trường Mầm non Họa Mi (xã Púng Bánh, tỉnh Sơn La) cho hay, phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 3-5 tuổi đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục, nhất là đối với trẻ em ở các vùng khó khăn. Phổ cập giáo dục giúp trẻ có cơ hội tiếp cận môi trường học tập tốt hơn, đồng thời thu hẹp khoảng cách giáo dục giữa các vùng, miền, giúp mọi trẻ em đều có cơ hội phát triển tối đa tiềm năng cá nhân.

Tại địa phương, dù trước đó phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 3-4 tuổi chưa được triển khai, nhưng tỷ lệ trẻ ở độ tuổi này ra lớp vẫn đạt 100%. Năm học 2025-2026, với chính sách miễn học phí, dự kiến việc vận động trẻ ra lớp sẽ càng thuận lợi hơn.

“Trường Mầm non Họa Mi là trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, hiện có 7 điểm trường. Cơ sở vật chất và học cụ, học liệu cơ bản đảm bảo đáp ứng nhu cầu học tập, vui chơi của học sinh. Đặc biệt, sau khi sáp nhập xã, nhà trường đã được bàn giao thêm trụ sở cũ của ủy ban nhân dân xã để mở rộng số lượng phòng học, đáp ứng yêu cầu dạy và học trong năm học mới”, cô Phong thông tin.

Trường mầm non mong muốn được đầu tư cơ sở vật chất, nhất là công trình vệ sinh

Để triển khai hiệu quả chính sách phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ từ 3-5 tuổi, ngoài sự quan tâm của các cấp quản lý, điều kiện thực tế tại các nhà trường cũng đóng vai trò quan trọng. Nhiều trường mầm non vẫn đang đối mặt với không ít khó khăn về cơ sở vật chất và mong muốn được tạo điều kiện tốt hơn để đảm bảo môi trường học tập cho trẻ.

 

Theo Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Đăk Rơ Nga, bên cạnh những điều kiện thuận lợi, nhà trường vẫn còn một số khó khăn mong muốn sớm được khắc phục. Hiện, phòng học tại một số điểm trường đã được xây dựng từ lâu và xuống cấp nghiêm trọng, không còn đảm bảo an toàn cho việc dạy và học.

Ngoài ra, nhà vệ sinh của 2 điểm trường đã hư hại và không thể sử dụng được, ảnh hưởng đến sinh hoạt của học sinh lẫn giáo viên. Nhà trường đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên về tình trạng này nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Sắp tới, nhà trường sẽ tiếp tục có kiến nghị nhằm cải thiện cơ sở vật chất, đảm bảo điều kiện học tập và sinh hoạt cơ bản cho học sinh.

Cô Trang cũng mong muốn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ hơn nữa từ các cấp có thẩm quyền trong việc đầu tư cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất nhà trường, để có phòng học khang trang, an toàn, thân thiện, đáp ứng nhu cầu học tập và vui chơi của học sinh. Cùng với đó, nhà trường cũng hy vọng được sửa chữa hệ thống nhà vệ sinh để đảm bảo môi trường học tập sạch sẽ, tiện nghi, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho các em.

Để chuẩn bị cho năm học 2025-2026, cô Trang cho biết: “Năm học tới, Nghị quyết về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ từ 3-5 tuổi bắt đầu được triển khai. Để huy động học sinh ở độ tuổi này ra lớp đầy đủ, nhà trường đã xây dựng kế hoạch cụ thể, chỉ đạo giáo viên xuống tận thôn, làng, tổ dân cư để tuyên truyền, vận động các gia đình đưa trẻ đến trường”.

Còn tại Trường Mầm non Họa Mi, Hiệu trưởng nhà trường cho hay, trong năm học vừa qua, nhà trường gặp một số vướng mắc trong tổ chức bán trú, đặc biệt là công tác đóng góp tiền ăn và thuê nhân viên nấu ăn.

Ở địa phương, phần lớn phụ huynh có hoàn cảnh kinh tế còn eo hẹp nên việc đóng góp kinh phí bán trú cũng không dễ dàng, ảnh hưởng đến việc cân đối tài chính và duy trì hoạt động ổn định. Ngoài ra, nhà trường cũng gặp khó trong việc cân đối thu chi để trả lương cho nhân viên phục vụ.

Để đảm bảo điều kiện học tập và sinh hoạt cho trẻ, nhà trường mong muốn có thể cải thiện nhiều mặt như trang thiết bị học tập, khu vệ sinh và nhất là hệ thống nước sạch của trường.

Đặc biệt, khu vực bếp ăn cũng cần được trang bị đầy đủ dụng cụ, thiết bị đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và phục vụ tốt nhất cho việc chế biến bữa ăn hằng ngày cho trẻ. Ngoài ra, cần có chủ trương hỗ trợ kinh phí nấu ăn và xem xét chế độ cho nhân viên phục vụ.

Cô Phong chia sẻ, trước khi sáp nhập, Trường Mầm non Họa Mi thuộc xã Dồm Cang, huyện Sốp Cộp cũ, thuộc vùng I, nhưng thực tế cơ sở vật chất và điều kiện kinh tế - xã hội tại địa phương vẫn còn nhiều khó khăn, chưa tương xứng với tiêu chí của một trường vùng I. Học sinh của trường vẫn còn nhiều thiệt thòi, giáo viên cũng không được thụ hưởng các chế độ hỗ trợ vùng khó, nên việc duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục vẫn còn nhiều rào cản.

Sau khi sáp nhập xã Dồm Cang với xã Púng Bánh và Sam Kha (thuộc vùng III) và lấy tên là xã Púng Bánh, nhà trường mong muốn được các cấp xem xét áp dụng các chế độ, chính sách như đối với trường vùng III để có thể cải thiện điều kiện dạy và học trong nhà trường.

 

Cũng theo cô Phong, trong năm học tới, nhà trường kỳ vọng sẽ từng bước tháo gỡ những vướng mắc còn tồn tại, tạo nền tảng thuận lợi để các chính sách hỗ trợ phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ em tại địa phương.

Trong khi đó, Hiệu trưởng Trường Mầm non Thống Nhất cho biết, trẻ ra lớp nhiều hơn là tín hiệu rất đáng mừng, nhưng để việc chăm sóc, dạy học hiệu quả, nhà trường còn nhiều khó khăn cần khắc phục.

Về trang thiết bị dạy học, nhà trường đã được trang bị cơ bản học cụ thiết yếu. Tuy nhiên, vẫn còn một số phòng học thiếu tivi phục vụ hoạt động giảng dạy, ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học, khiến học sinh khó có cơ hội tiếp cận đầy đủ với phương pháp giảng dạy hiện đại. Bên cạnh đó, công trình vệ sinh của nhà trường đã xuống cấp nghiêm trọng, cần được sửa chữa kịp thời để đảm bảo sinh hoạt hàng ngày của cô và trò nhà trường.

Để chuẩn bị cho năm học tới, ngay từ tháng 3/2025, nhà trường đã xây dựng kế hoạch tuyển sinh và chủ động các phương án huy động trẻ ra lớp.

“Với chính sách miễn học phí và phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ từ 3-5 tuổi, nhà trường sẽ tích cực tuyên truyền đến phụ huynh, tạo điều kiện thuận lợi nhất để trẻ được đến trường. Nhà trường kỳ vọng tỷ lệ trẻ ra lớp sẽ đạt 100%, hoàn thành đúng kế hoạch đề ra”, cô Liên cho hay.


Hồng Mai
Truyền thông nâng cao nhận thức về giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật
Truyền thông nâng cao nhận thức về giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật

(SKTE) Cần đẩy mạnh tuyên truyền, truyền thông về chính sách bảo trợ xã hội cho trẻ khuyết tật một cách rộng rãi. Điều này nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và toàn xã hội trong việc chăm sóc sức khỏe, giáo dục và tạo điều kiện để trẻ khuyết tật hòa nhập cộng đồng.

Quy định về độ tuổi nhập học đối với trẻ khuyết tật
Quy định về độ tuổi nhập học đối với trẻ khuyết tật

(SKTE) - Theo các văn bản pháp luật hiện hành, bao gồm Thông tư liên tịch số 42/2013/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH-BTC và Thông tư số 28/2020/TT-BGDĐT, trẻ khuyết tật được hưởng nhiều chính sách ưu tiên, đặc biệt là trong việc quy định độ tuổi nhập học.

Logo Tạp chí Sức khỏe trẻ em
© Bản quyền 2024 Sức khỏe Trẻ em
Hotline: Hà Nội - (024) 37 765 156 / TP HCM - 0936813116
Logo Tạp chí Sức khỏe trẻ em
Tạp chí Sức khỏe Trẻ em
Địa chỉ: 42 Ngô Thì Nhậm, Hà Nội.
Điện thoại:  0988158008; 0971251286.
Email: suckhoetreem2024@gmail.com.
Giấy phép số 298/GP-BTTTT, ngày 6/10/2024 của Bộ Thông tin và Truyền thông.
STK: 0021000568719, Ngân hàng Vietcombank
Ghi rõ nguồn Sức khỏe Trẻ em khi phát hành lại thông tin từ website này.
Thiết kế bởi Tập đoàn Trí Nam
Tổng biên tập: TS. Trần Doãn Tiến.
Phó Tổng Biên tập: TS. Nguyễn Văn Minh.
Ủy viên Ban biên tập: Nguyễn Thanh Cao
P. Trưởng ban Thư ký tòa soạn: Lê Minh Nam.
Truyền thông - Quảng cáo: Hà Diệu Hiền , Giám đốc Trung tâm Truyền thông
Tổ chức sự kiện: Nguyễn Văn Mạnh , P. Giám đốc Trung tâm Media
Trị sự: Đoàn Thanh Hà, P. Trưởng ban Trị sự